TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM GÓP PHẦN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 05.2024
CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG HỘI KHUYẾN HỌC VIỆT NAM GÓP PHẦN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC, KHUYẾN HỌC, KHUYẾN TÀI, XÂY DỰNG XÃ HỘI HỌC TẬP
09.2008

Xem hình
Từ một vài đơn vị trực thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam (năm 1997), đến nay Trung ương Hội đã có gần 60 đơn vị trực thuộc, trong đó có hơn 800 cán bộ, nhân viên đang làm việc, bao gồm nhiều nhà giáo có kinh nghiệm, nhiều cán bộ các đoàn thể quần chúng, các ngành có liên quan, hầu hết đã nghỉ hưu, nhưng rất tâm huyết với giáo dục đào tạo, khuyến học, khuyến tài. Đa số các Giám đốc Trung tâm là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, kỹ sư, bác sĩ .

Trong số 60 đơn vị trực thuộc, có hơn 1/3 đơn vị hoạt động liên kết hợp tác và làm dịch vụ với các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài nước, hoặc dịch vụ tư vấn, đưa học sinh đi du học ở nước ngoài, góp phần đào tạo mỗi năm hàng chục ngàn nhân lực cho đất nước; một số đơn vị trực tiếp phục vụ hỗ trợ việc dạy và học; một số đơn vị tham gia hoạt động bảo vệ môi trường; chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; hoạt động khai thác hợp tác thực hiện các chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ; một số đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề và giáo dục nhân đạo, nhằm đối tượng chủ yếu là nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người già cô đơn, người tàn tật, thực hiện các chương trình xoá đói giảm nghèo.

Hoạt động của các đơn vị đều tập trung vào nhiệm vụ hỗ trợ phát triển giáo dục đào tạo, khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập để thực hiện mục tiêu chung là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

1. Liên kết, hợp tác, dịch vụ đào tạo trong nước và quốc tế

Trong 10 năm qua, với tâm huyết, trí tuệ và công sức, với nguồn nội lực kể cả tài chính, từng đơn vị đã có những hoạt động trong trường học và ngoài xã hội, mang lại hiệu quả trên nhiều lĩnh vực trong giáo dục - đào tạo. Từ việc tổ chức, huy động lực lượng học sinh, sinh viên trong các kỳ nghỉ hè với nòng cốt là học sinh nội trú, bộ đội biên phòng về các bản làng, nông thôn, miền núi rẻo cao và các làng chài để xoá mù chữ cho trẻ em và người lớn tuổi thất học, đến việc tổ chức dạy nghề, liên kết đào tạo nhân lực của các bậc học từ sơ cấp đến trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, hợp tác quốc tế đào tạo trên đại học.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của các trung tâm đã tổ chức liên kết đào tạo với trên 60 trường trung cấp, cao đẳng, đại học, học viên và tự tổ chức đào tạo, dạy nghề cho 21.963 người có nghề, có chứng chỉ và bằng cấp của hệ thống giáo dục quốc dân; trong đó: 12.579 người được cấp bằng chính quy (2982 tốt nghiệp cao đẳng, đại học và 585 người tốt nghiệp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Columbia – Hoa Kỳ cấp), 779 người tốt nghiệp sơ cấp và 7237 người tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp.
Ngành nghề được đào tạo rất đa dạng gồm: sư phạm, kế toán, tài chính, ngân hàng, tin học, bưu chính viễn thông, cơ điện, kỹ - mỹ thuật công nghiệp, cầu đường, xây dựng …Số người được đào tạo ngắn hạn cũng bao gồm nhiều ngành nghề, phần lớn là tin học - văn phòng, xây dựng, giao thông, may mặc, sửa chữa điện máy, khởi sự doanh nghiệp …

Cùng với hoạt động của các trung tâm thực hiện liên kết đào tạo nói trên, còn các trường do Hội đứng tên xin thành lập và bảo trợ như:

- Trường trung học dân lập Kinh tế - kỹ thuật Hà Nội I, từ khi được UBND thành phố Hà Nội cho phép thành lập đã đi vào hoạt động, đến nay đã qua 6 khoá học từ năm 2000 - 2008 với tổng số học sinh hệ trung cấp đã được đào tạo là 5.381 (bình quân 869 học sinh/ khoá). Năm học 2007 - 2008 có 902 học sinh. Số học sinh tốt nghiệp hằng năm đạt tỷ lệ 97 - 98%, được Sở và Bộ Giáo dục đào tạo đánh giá, xếp loại tốt về chất lượng đào tạo. Đáng chú ý là trên 80% số người tốt nghiệp đã có việc làm.

- Trường mầm non Hoa Linh – Baby Home được thành lập năm 2000. Ngay trong năm học đầu tiên, trường đã tiếp nhận, nuôi - dạy 157 cháu lứa tuổi mầm non. Năm học 2004 - 2005 có tới 250 cháu nhập học, bình quân 200 học sinh/ năm. Ngoài việc tiếp nhận, nuôi - dạy các cháu trên địa bàn quận và thành phố, trường cũng đã tiếp nhận nuôi - dạy các cháu mang quốc tịch Cu Ba, Tiệp, Ba Lan, Đức, Anh, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc … Trường mầm non Hoa Linh không chỉ nuôi, chăm sóc sức khoẻ các cháu tốt, đạt chuẩn quốc gia, mà còn tiếp cận phương pháp dạy học cho trẻ của các nước có nền giáo dục tiên tiến như: Chương trình học tiếng Anh “học mà chơi – chơi mà học”, chương trình Phonics Learning Box của Anh … để các cháu làm quen với phát âm chuẩn tiếng Anh, từ đó có thể học tốt tiếng Anh ở cấp học cao hơn. Có thể nói, Hoa Linh Baby - Home đã và đang là trường điển hình của Thủ đô.

- Trung tâm hợp tác đào tạo quốc tế (học từ xa, qua mạng các chương trình quốc tế), có thể coi đây là hình thức du học tại chỗ; từ năm 2002, TW Hội đã chủ trương thí điểm mô hình cung ứng dịch vụ hỗ trợ đào tạo từ xa qua mạng các chương trình quốc tế, được sự chấp thuận của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Đây là một bước đột phá trong việc tổ chức thực hiện một mô hình học tập mới ở Việt Nam nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho đất nước.

Trung tâm đã hợp tác với trường Đại học Nam Columbia Hoa Kỳ triển khai chương trình này tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, được người học hoan nghênh đón nhận. Số người theo học ngày càng đông. Hiện nay Trung tâm đã đào tạo được 12 khoá học với trên 1.000 học viên (có một số là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam), gần 600 người đã tốt nghiệp, được cấp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của Đại học Nam Columbia và được các giáo sư Hoa Kỳ đánh giá cao về chất lượng cũng như tinh thần ham học của sinh viên Việt Nam.

Theo các chuyên gia tư vấn du học, để có một bằng thạc sĩ tại Hoa Kỳ, một học viên phải tốn khoảng 60.000 USD. Trong khi đó, một học viên học qua mạng tại Trung tâm, do được miễn giảm 30 – 40% học phí so với mức học phí gốc, chỉ phải trả hơn 6.000 USD, song vẫn nhận được bằng cấp như học tại Hoa Kỳ, đồng thời vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và công việc của gia đình tại Việt Nam.

Để có được kết quả trong lĩnh vực liên kết đào tạo, đào tạo và dạy nghề nói trên, trước hết là nhờ sự nhiệt tâm ủng hộ của lãnh đạo các trường, học viên, đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trung tâm được liên kết, từ việc giao chỉ tiêu tuyển sinh đến việc sắp xếp cán bộ giảng dạy để bảo đảm các chương trình của mỗi khoá học. Các giáo sư, tiến sĩ, cán bộ giảng dạy, với lòng yêu nghề và tâm huyết của người thầy đã truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên, người học đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 95% (khá, giỏi trên 70%).

Về phía các trung tâm cũng đã có nhiều cố gắng thực hiện tốt các hợp đồng liên kết đào tạo với các trường và khắc phục nhiều khó khăn của đơn vị được liên kết, để có chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh theo yêu cầu của trường được liên kết, tổ chức quản lý học sinh, tạo và tìm nơi ăn ở cho học sinh, sinh viên; đặc biệt là để có mặt bằng cho người học, đạt chuẩn tối thiểu về môi trường sư phạm, với giá cả thuê phòng học ngày càng cao như hiện nay là vô cùng khó khăn. Nhiều trung tâm khi hạch toán về liên kết đào tạo rất khó cân bằng thu, chi.

Tất cả vì người học, vì sự nghiệp “trồng người”, các đơn vị thực hiện liên kết và dịch vụ đào tạo đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, kết quả mang lại tuy còn khiêm tốn nhưng đáng ghi nhận.

2. Hỗ trợ học tập, giảng dạy

a. Hỗ trợ học tập

- Để góp phần cho việc học tập, giảng dạy và nhu cầu của người đọc, từ năm 2000 đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam có 2 Trung tâm Sách khuyến học hoạt động trong lĩnh vực in ấn và phát hành sách (1 ở phía Bắc, 1 ở phía Nam). Để thực hiện nhiệm vụ này, các Trung tâm đã liên kết chủ yếu với Nhà xuất bản Giáo dục và một số Nhà xuất bản khác, với đội ngũ biên tập có trình độ chuyên môn sâu, kỹ thuật thiết kế trình bày ấn phẩm, mạng lưới phát hành rộng rãi, gần 10 năm qua, các Trung tâm đã in ấn, phát hành trên 5 triệu bản sách với hàng tỉ trang in của gần 800 tên sách và hàng trăm đầu sách. Sách mới chiếm gần 50%, còn lại là sách tái bản. Sách được in ấn và phát hành, chủ yếu là sách giáo khoa phục vụ cho học sinh các cấp học, sách dạy nghề, hướng nghiệp và các loại sách nâng cao dân trí khác. Riêng Trung tâm Sách khuyến học phía Nam có 2 tổng đại lý phát hành sách tại Hà Nội (phụ trách các tỉnh phía Bắc), 2 tổng đại lý tại Đà Nẵng (phụ trách các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên). Trung tâm đã có quan hệ với tất cả các công ty sách – thiết bị trường học thuộc Bộ GD&ĐT, với nhiều công ty sách thuộc Bộ Văn hóa - Thông tin và hàng trăm nhà sách, công ty sách tư nhân trên cả nước. Tên gọi, địa chỉ của Trung tâm đã trở thành “thương hiệu” quen thuộc của người học, bạn đọc và trong giới xuất bản, phát hành sách toàn quốc. Đây là một hoạt động liên quan rộng rãi tới xã hội, vừa mang tính nhạy cảm, vừa mang tính cạnh tranh khá cao. Tuy nhiên, gần 10 năm hoạt động, cả hai Trung tâm Sách khuyến học đã thực hiện nghiêm túc chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của cơ quan quản lý chuyên ngành như giáo dục, xuất bản, tài chính, thuế …

- Trung tâm Tư vấn và bổ trợ kiến thức phổ thông: mới được thành lập và đi vào hoạt động trên 2 năm nhưng đã nhanh chóng ổn định về tổ chức, bộ máy, cơ sở vật chất, kỹ thuật và đi vào hoạt động khá hiệu quả; được Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng của Bộ GD&ĐT ủng hộ và thường xuyên giúp đỡ, tạo điều kiện cho trang web www.hocmai.com hoạt động tốt, được dự luận xã hội đánh giá cao. Đây là địa chỉ để học sinh các cấp (chủ yếu là học sinh THPT) học tập, ôn luyện và kiểm tra, thi thử rất tiện ích, phù hợp với hình thức dạy và học hiện đại ngày nay. Hằng ngày đã có từ 50.000 đến 100.000 lượt truy cập trang web của Trung tâm. Mới đây, để phục vụ cho học sinh ôn tập, luyện thi đại học, cao đẳng năm 2007 – 2008, Trung tâm đã tặng 15.000 tài khoản và 12.000 thẻ học trực tuyến trị giá 272 triệu đồng cho giáo viên, học sinh và phụ huynh của 10 tỉnh thành phố (Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Hà Tây, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh). Trang web của Trung tâm cũng đã phối hợp với trường THPT Hà Nội – Amsterdam tổ chức cuộc thi Olympic 2008 trực tuyến qua mạng với nội dung thi thử đại học, cao đẳng thành công, đã thu hút hàng chục nghìn thì sinh trên cả nước tham gia tranh tài, và tài trợ 180 triệu đồng làm giải thưởng cho cuộc thi này.

b. Hỗ trợ dạy và tự học

- Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tự học: được thành lập từ tháng 5/1997 do GS.VS. Nguyễn Cảnh Toàn (nguyên Thứ trưởng Bộ Đại học và THCN) làm Giám đốc. Trung tâm được TW Hội giao nhiệm vụ chủ yếu là: Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn về tự học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc thiết kế quá trình dạy – tự học nhằm mục đích góp phần xây dựng một XHHT ít tốn kém mà hiệu quả.

Sau 10 năm hoạt động, Trung tâm đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách của một tổ chức nghiên cứu khoa học, tự lo liệu về kinh phí hoạt động, đã hoàn thành một số nhiệm vụ quan trọng:

+ Mở đầu cho việc nghiên cứu khoa học của Trung tâm là cuộc hội thảo “Nghiên cứu phát triển tự học - tự đào tạo”, ngày 06/01/1998 tại Hà Nội, có Thư của Tổng bí thư Đỗ Mười chỉ đạo hội thảo cùng với các bài phát biểu quan trọng của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học Việt Nam… với sự tham gia tích cực của 250 đại biểu dự hội thảo. Nội dung hội thảo đã được biên tập thành cuốn sách đầu tiên của Trung tâm là “Tự học - tự đào tạo, tư tưởng chiến lược của phát triển giáo dục Việt Nam”, 192 trang, khổ 16 x 24 cm, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.

+ Tiếp theo các năm sau, Trung tâm đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học khác, thực hiện nhiều đề tài xoay quanh chủ đề dạy - học - tự học thành công, được thử nghiệm và ứng dụng vào thực tiễn như đề tài cấp Bộ về “Nghiên cứu và phát triển tự học” được thực hiện trong 2 năm (từ tháng 01/1998 đến tháng 12/1999) do Giám đốc Trung tâm làm Chủ nhiệm. Đề tài bao gồm các vấn đề: Chiến lược phát huy nội lực của người học, mô hình dạy – tự học, thiết kế bài học và thử nghiệm theo mô hình dạy - tự học. Hội đồng nghiệm thu theo Quyết định số 1915/QĐ ngày 16/5/2000 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã đánh giá và kết luận: Đề tài có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, phù hợp quá trình đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay ở nước ta, đặc biệt là yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học, hướng đổi mới được nhấn mạnh là tạo ra năng lực tự học sáng tạo của học sinh. Đề tài đã thực hiện được các nội dung về nghiên cứu cơ sở lý luận, triển khai, thiết kế các nội dung dạy học ở một số môn ở tiểu học và THCS. Đã tiến hành thử nghiệm bước đầu ở trường Hecman tại Hà Nội để thể nghiệm tính khả thi và hiệu quả nghiên cứu. Sản phẩm đã có tác dụng thực tế. Hội đồng kết luận: Đề tài đạt loại tốt (xuất sắc) và đề nghị đề tài được nâng cấp.

+ Bên cạnh những thành công trong công tác nghiên cứu khoa học và thực hiện các đề tài nói trên, Trung tâm còn nhận được sự cộng tác của nhiều nhà khoa học, nhà sư phạm có uy tín, kinh nghiệm lâu năm trong ngành, tổ chức biên soạn 17 đầu sách tự học cùng với tài liệu hướng dẫn dạy - tự học cho từng cuốn sách tự học, trong đó có các cuốn phương pháp luận duy vật biện chứng về việc học, dạy, nghiên cứu toán học … được in ấn phát hành rộng rãi và tái bản nhiều lần. Ngoài ra, Trung tâm còn nhận được sự hợp tác ủng hộ của nhiều cơ quan, trường học, địa phương, các nhà giáo, học sinh, sinh viên. Nhiều người đã khai thác các sản phẩm của Trung tâm, tìm đến Trung tâm để phối hợp thực hiện các luận văn, luận án, đề tài khoa học, tổ chức thử nghiệm phương pháp dạy - tự học
.
- Tạp chí Dạy và Học ngày nay: được hình thành với tiền thân từ đặc san Tự học và đặc san Dạy – Tự học (2000 - 2001) (trực thuộc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển tự học) được mở rộng chức năng, nhiệm vụ thành tạp chí (2002). Qua 6 năm hoạt động, Tạp chí luôn bám sát tôn chỉ, mục đích là nghiên cứu và phổ biến lý luận về xây dựng XHHT, tự học, học suốt đời; phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài trong xã hội. Vì vậy, với 12 chuyên mục được mở của Tạp chí xoay quanh các chủ đề lý luận dạy và học, dạy và học sáng tạo, việc học xưa và nay, dạy và học ở nước ngoài, xây dựng XHHT ở Việt Nam, giáo dục gia đình … Trong 6 năm, Tạp chí đã xuất bản 76 số, mỗi số 64 – 72 trang, nội dung phong phú, trình bày đẹp, hấp dẫn bạn đọc. Có 4 số định kỳ chuyên đề về phục vụ đổi mới sách giáo khoa (hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo), tổng số bài viết đã công bố là 1.986 bài, phần lớn đều do các giáo sư, tiến sĩ, các nhà nghiên cứu, quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên trong cả nước viết.

Tạp chí cũng rất chủ trọng đưa tin và bài viết về các vấn đề được xã hội, ngành giáo dục đào tạo và Hội Khuyến học quan tâm như: Những vấn đề về xây dựng XHHT, TTHTCĐ, hình thành ý thức tự học, học suốt đời trong nhân dân và cán bộ, có những đóng góp vào các vấn đề thời sự của ngành giáo dục như thi trắc nghiệm, nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và cao đẳng, đại học làm một, chuyên ban, học từ xa …

c. Hỗ trợ tài chính, vật chất cho việc học

Cùng với các Trung tâm hoạt động hỗ trợ dạy và học, còn nhiều đơn vị đã có những hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực bằng vận động các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó có điều kiện tiếp tục học tập và các tài trợ khác về thiết bị, dụng cụ học tập, chi phí về huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thày cô giáo tiểu học, mầm non, xây trường, lớp học cho vùng kinh tế khó khăn như:

- Trung tâm Hỗ trợ trang bị trường học và giáo dục nhân đạo Huế, đã:

+ Cấp 1.200 suất học bổng, 6 triệu đồng/ suất (720 triệu đông).

+ Bồi dưỡng kiến thức chuyên môn mới, góp phần cải cách giáo dục (do chuyên gia nước ngoài tập huấn) cho 3.456 giáo viên hệ mầm non đứng lớp và cán bộ lãnh đạo của các tỉnh miền trung từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi với tiền tài trợ là 4 tỷ 880 triệu đồng.

+ Xây dựng 20 trường học (5 trường cấp I và 15 trường mẫu giáo khép kín) cho cộng đồng vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người và nông thôn nghèo. Tổng số tiền tài trợ là 8 tỷ đồng.

+ Cấp 102 xe cho học sinh khuyết tật mà trước đây bố mẹ phải cõng đến trường, nay các em có thể tự lái xe đến trường học, với số tiền 120 triệu đồng.

+ Chuyển giao tiến bộ khoa học, giáo dục, môi trường sức khoẻ cộng đồng: 184 triệu đồng.

+ Tập huấn và hỗ trợ sữa chống suy dinh dưỡng cho trên 1.000 trẻ em ở nông thôn bị suy dinh dưỡng từ độ 2 trở lên: 95 triệu đồng.

+- Tập huấn 2 khoá cho 350 người phục vụ nghề xích lô, nâng cao phong cách phục vụ khách du lịch cho thành phố Huế: 245 triệu đồng.

+ Tư vấn cho hàng ngàn lượt người đi du học, trong đó có 200 người học thạc sĩ, đã có 50 người tốt nghiệp trở về nước phục vụ cộng đồng.

Tổng số người được hưởng lợi trực tiếp từ tài trợ quốc tế về học bổng, đào tạo, học nghề, bồi dưỡng kiến thức và các hỗ trợ nhân đạo khác là trên 150.000 người từ trẻ mẫu giáo đến người già và trên 1.000 hộ gia đình nghèo với tổng số tiền trên 14 tỷ 244 triệu đồng.

- Quỹ Hỗ trợ giáo dục nhân đạo phía Nam: Đây là một mô hình hoạt động “tự lực cánh sinh” để tự tạo nguồn tài chính, không hoàn toàn phụ thuộc các nguồn tài trợ, chủ động về tài chính trong việc góp phần hỗ trợ giáo dục đào tạo.

Bắt nguồn từ Giám đốc Quỹ tự nguyện thế chấp tài sản của gia đình để vay vốn ngân hàng, tổ chức liên kết, liên doanh, hợp tác với sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành địa phương để tổ chức xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản với diện tích khoảng 70 ha và trồng rừng trên 100 ha; đến nay vẫn được duy trì và phát triển. Giải quyết được công ăn việc làm cho hơn 60 lao động, cán bộ công nhân viên có thu nhập thoả đáng và có lãi để hoạt động giáo dục nhân đạo. Cụ thể là:

+ Cấp 400 suất học bổng, 1 triệu đồng/ suất với tổng số tiền là 400 triệu đồng cho học sinh nghèo vượt khó của các quận, huyện ven đô thành phố Hồ Chí Minh.

+ Phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ trang bị trường học và giáo dục nhân đạo phía Nam (thuộc TW Hội) tặng trường tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh 150 bộ bàn ghế đạt chuẩn của Bộ GD&ĐT, trị giá 100 triệu đồng.

+ Cho 9 học sinh nghèo vay vốn du học (không tính lãi) với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng và bảo lãnh tài chính cho 50 sinh viên khác đi du học.

+ Đã tiếp nhận tài trợ của 3 Việt kiều (Nancy Jane, Bilona Võ, Tina Nguyễn) 30.000 USD, sử dụng để xây 9 ngôi nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 30 - 40 triệu đồng cho các cá nhân và gia đình chính sách có công với nước, thương binh nặng, con liệt sĩ … theo đề nghị của cấp uỷ và chính quyền địa phương như Huyện uỷ Đakrlấp (Đăk Nông), phường 9, quận Bình Thạnh (Tp. Hồ Chí Minh), Tổng cục 2 (Bộ Quốc phòng), tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre … Ngoài ra, còn tặng Hội Luật gia (quận Bình Thạnh) 30 triệu đồng để in tài liệu tuyên truyền nâng cao dân trí về pháp luật cho cộng đồng; tặng Hội Khuyến học tỉnh Tiền Giang 1 bộ máy vi tính và máy in trị giá 16 triệu đồng. …

+ Gần đây, Quỹ đã tiếp nhận 1 container hơn 9 tấn hàng hoá của tổ chức L.O.A (Mỹ) gửi về cho đồng bào nghèo gồm dụng cụ y tế, thuốc men, quần áo, dụng cụ học sinh, trang bị trường học, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Việc tổ chức trao tặng đã được đoàn đưa đến các trường học thuộc các tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương và huyện Củ Chi, Tp. Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, đoàn hỗ trợ giáo dục nhân đạo Hoa Kỳ đã được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp tại Tp. Hồ Chí Minh.

- Trung tâm Hợp tác giáo dục và dạy nghề: Ngoài hoạt động liên kết đào tạo đã ra trường gần 500 học sinh, sinh viên trung học và cao đẳng, và hiện đang có 5 lớp trung cấp theo học với tổng số 285 người, Trung tâm còn hoạt động rất hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ giảng dạy, học tập như:

+ Cấp 320 máy tính (đã qua sử dụng) trị giá trên 600 triệu đồng cho một số trường học của Bắc Ninh, Bắc Giang, đồng thời phối hợp với Phòng Giáo dục các địa phương mở lớp bồi dưỡng ngắn hạn về tin học, ngoại ngữ cho 120 giáo viên từ mầm non đến THCS.

+ Thực hiện Dự án “Gần gũi với trẻ em khiếm thính’ trong dự án chung của Bộ GD&ĐT về “Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn” tại huyện Vũ Thư (Thái Bình), trong 2 năm (tháng 8/2006 – tháng 7/2008) với số tiền tài trợ là 320 triệu đồng. Dự án đã mở 2 lớp chuyên biệt đối với trẻ em khiếm thính, duy trì học tập của các lớp này trong 2 năm qua; đồng thời đã tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp tài liệu và cơ sở vật chất khác để thực hiện việc giúp đỡ học tập và hoà nhập của 40 học sinh khiến thính từ mẫu giáo đến THCS của các trường trong toàn huyện. Dự án đã thành công, được nhân dân, chính quyền địa phương và trực tiếp là người dân được hưởng lợi rất hoan nghênh.

+ Thực hiện dự án “Học bổng khuyến học Happel” cho 3 trường: ĐH Nông nghiệp 1 Hà Nội, Đại học Sư phạm Hưng Yên, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên liên tục từ năm 2004 đến nay. Dự án còn được tiếp tục triển khai và sẽ mở rộng đến một số trường đại học khác trong cả nước. Tính đến tháng 6/2008, số tiền Quỹ học bổng Happel đã trực tiếp cấp cho sinh viên các trường trên gần 6,6 tỷ đồng. Điều đáng chú ý của dự án này là học bổng được ưu tiên cho sinh viên nghèo nông thôn, vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện cho hàng trăm sinh viên có thêm động lực phấn đấu học tập, rèn luyện để thành đạt trong học tập. Kết quả của dự án được sinh viên rất phấn khởi, phụ huynh học sinh và các nhà trường có sinh viên được nhận học bổng đánh giá rất cao.

- Trung tâm Nâng cao dân trí: Ngoài lĩnh vực tư vấn du học, Trung tâm cũng đã rất chú trọng đến việc hỗ trợ trực tiếp cho việc học tập, từ xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc miền núi đến tìm nguồn tài trợ học bổng cho học sinh nghèo vùng nông thôn … đã mang lại hiệu quả tốt, được học sinh, phụ huynh và Hội Khuyến học các tỉnh rất hoan nghênh, ủng hộ. Cụ thể là:

+ Đã triển khai dự án “Xoá mù chữ cho đồng bào dân tộc”, liên tục trong 3 năm (2001 - 2003) với kinh phí 400 triệu đồng của Bộ GD&ĐT, đã huy động học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và bộ đội biên phòng giúp cho hàng nghìn bà con người dân tộc lớn tuổi từ không viết chữ đến biết đọc, biết viết, được đồng bào và chính quyền địa phương hoan nghênh và đánh giá cao.

+ Triển khai dự án “Mô hình ứng dụng phát triển nuôi dê, xoá đói giảm nghèo” tại huyện Xuân Trường (Nam Đinh) và dự án “Mô hình kinh tế hộ gia đình VAC” tại huyện Quế Võ (Bắc Ninh) do Quỹ cứu trợ hữu nghị quốc tế Hoa Kỳ tài trợ.Cả hai dự án sẽ được tiếp tục mở rộng đến hết năm 2009.

Được tiếp nhận từ Chương trình hỗ trợ học bổng của Quỹ Châu Á với số tiền 1,5 tỷ đồng, Trung tâm đã triển khai và tổng kết (gia đoạn 1). Đây là chương trình mang tính chuyên biệt, dành riêng cho học sinh nữ, diện gia đình nghèo, hoàn cảnh khó khăn, được nhận học bổng hằng tháng, liên tục cho tới khi hêt cấp học. Tổng số học sinh được nhận học bổng là 140 em của 3 tỉnh An Giang, Cần Thơ và Nam Định. Đây là chương trình tài trợ theo địa chỉ của nhà tài trợ đến từng học sinh, được nhà trường, chính quyền, Hội Khuyến học địa phương và Trung tâm theo dõi rất chặt chẽ về kết quả và tiến bộ của học sinh. Dự tổng kết tài trợ học bổng giai đoạn 1 tại Trung tâm, đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam rất hoan nghênh và hài lòng về hiệu quả của Chương trình và sự tiến bộ của các em học sinh. Trung tâm đã thương thảo với tổ chức tài trợ để tiếp tục được nhận tài trợ giai đoạn 2 với số học sinh được nhận học bổng lớn hơn, tiền học bổng cao hơn và được mở rộng đến học sinh cao đẳng, đại học.

- Công ty Cổ phần thiết bị giáo dục khuyến học Việt Nam: đã có những đóng góp tích cực trong việc tạo mẫu, trúng thầu, tổ chức sản xuất thiết bị dạy và học, phục vụ chương trình cải cách sách giáo khoa lớp 3, lớp 8, … cung cấp thiết bị cho nhiều tỉnh, thành trong cả nước trong 4 năm qua, trị giá trên 10 tỷ đồng.

- Công ty TNHH In khuyến học phía Nam: được thành lập và đi vào hoạt động được 2 năm, với vốn sản xuất kinh doanh gần 10 tỷ đồng. Chức năng, nhiệm vụ chủ yếu là in ấn các mảng sách phục vụ giáo dục đào tạo của Trung tâm sách khuyến học phía Nam và các ấn phẩm khác của các nhà xuất bản phía Nam. Năm đầu đi vào hoạt động còn gặp khó khăn về mặt bằng, nhà xưởng. Từ năm 2007 đến nay đã ổn định về sản xuất và kinh doanh có lãi. Công ty đã thực hiện tốt các chế độ, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và chính quyền địa phương về in ấn xuất bản phẩm, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính, thuế … Thực hiện tốt chế độ tiền lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, phúc lợi …, chăm lo cải thiện đời sống cho trên 70 công nhân, nhân viên của Công ty.

- Trung tâm Hỗ trợ phát triển khuyến học: Trong 5 năm hoạt động, với tâm huyết của một Giám đốc (đã từng giữ các chức vụ cao của Đảng và nhà nước) và các cộng sự, từ những trăn trở về việc con em nhân dân các dân tộc miền núi Tây Quảng Nam, vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến của Liên uỷ 5 và Tỉnh uỷ Quảng Nam – Đà Nẵng còn gặp nhiều khó khăn, nhiều con em phải bỏ học, không được theo học hết THPT (do gia đình nghèo hoặc trường học quá xa …). Trung tâm đã xây dựng và triển khai dự án Trường dân tộc nội trú Nước Oa (Bắc Trà My, Quảng Nam), thời gian thực hiện trong 5 năm (2004 - 2009), với dự toán kinh phí là 11 tỷ đồng.

Sau 1 năm xây dựng, từ năm học 2006 – 2007, đã đưa vào sử dụng khu nhà học mới với 20 phòng học, trị giá 2 tỷ đồng. Năm 2007 tiếp tục triển khai xây dựng 2 khu nội trú, nhà ăn, xưởng may, xưởng mộc, mây tre đan với vốn đầu tư 3 tỷ đồng. Sở GD&ĐT tỉnh đã bố trí đủ đội ngũ giáo viên dạy chương trình THPT. Bộ GD&ĐT đã hỗ trợ kinh phí và trang thiết bị dạy và học của 1 phòng công nghệ thông tin với 20 máy vi tính và 1 máy photocopy trị giá 218 triệu đồng. Dự án sẽ được hoàn thành đúng tiến độ vào cuối năm 2009. Trường THPT dân tộc nội trú sẽ bảo đảm đào tạo cho miền núi mỗi năm khoảng 100 thanh niên dân tộc có trình độ THPT. Đây là một mô hình xã hội hoá giáo dục cần được tổng kết để nhân rộng, đặc biệt với các tỉnh miền núi, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn.

3) Bên cạnh các hoạt động trên, TW Hội còn một số đơn vị hoạt động gắn với giáo dục đào tạo trong các trường học và mở rộng ra các cộng đồng dân cư mang tính xã hội rộng rãi, hỗ trợ nâng cao tri thức về phòng chống bệnh tật, giữ gìn nâng cao sức khỏe, xóa đói giảm nghèo … như:

- Trung tâm Giáo dục môi trường và sức khỏe cộng đồng (phía Bắc) đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục & Đào tạo và ngành y tế biên soạn 26 đầu sách và tài liệu, giáo trình giảng dạy cho các trường từ tiểu học đến đại học, cho học sinh và phụ huynh về: Giáo dục sống khỏe mạnh và kỹ năng sống, công tác y tế cho học sinh và trong cộng đồng, những điều cha mẹ cần biết về tuổi vị thành niên …Tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học về sức khỏe và bệnh tật, về nước sạch, vệ sinh môi trường trong trường học… Trung tâm đã vận động các nhà tài trợ thực hiện các chương trình: cấp 20 xe lăn cho học sinh nhiễm chất độc màu da cam tại: Vĩnh Long, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Thái Bình (trị giá 24 triệu đồng), vận động Công ty Unilever tài trợ chương trình “P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam”, khám răng miệng cho 1.500 học sinh, giáo viên trường tiểu học và THCS xã Thanh Cao (Hà Tây); khám nha khoa cho học sinh 3 trường tiểu học vùng sâu, vùng xa của Hà Nội là Đại Áng, Liên Minh và Vĩnh Phúc với tổng số 2.295 người; tặng cho các trường phổ thông dân tộc nội trú trên 50.000 bộ quà tặng P/S gồm bàn chải, kem đánh răng, xà phòng …, trị giá gần 200 triệu đồng.

- Trung tâm Giáo dục môi trường và sức khỏe cộng đồng phía Nam

Với sự tài trợ chính của tổ chức AO (thuộc Hiệp hội chấn thương, chỉnh hình thế giới (Thụy Sĩ) và Công ty Synthes Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm y tế Hawaii – Mỹ. Trung tâm Giáo dục môi trường và sức khỏe cộng đồng phía Nam được UBND thành phố chỉ đạo và sự giúp đỡ của ngành y tế đã tổ chức 11 cuộc hội thảo quốc tế tại Tp. Hồ Chí Minh với chi phí được tài trợ là 1 tỷ 320 triệu đồng về một số lĩnh vực chuyên ngành trong y khoa như: Chấn thương - chỉnh hình, răng hàm mặt, tim mạch … với sự chủ trì về chuyên môn của các giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành tầm cỡ quốc tế, có sự tham gia hội thảo của trên 1.000 bác sĩ, giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia y tế thuộc các bệnh viện lớn của thành phố và các bệnh viện tuyến TW đóng tại thành phố như: Bệnh viện Chấn thương - chỉnh hình, Bệnh viện Răng - hàm - mặt, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện An sinh, Quân y viện 108 …

Một số cuộc hội thảo đã kết hợp tổ chức phẫu thuật truyền hình trực tuyến giữa Hồng Kông và Tp. Hồ Chí Minh. Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố và các bệnh viện có đại biểu tham dự hội thảo đánh giá cao hiệu quả hỗ trợ mặt chuyên môn của các nhà tài trợ.
Trung tâm cũng đã mời các đoàn thầy thuốc nước ngoài như: Đoàn Y tế Hồng Kông, Bệnh viện Los Angeles (Mỹ), Tổ chức từ thiện MESSAGE USA đến Việt Nam để thực hiện các hoạt động nhân đạo, khám bệnh và cấp thuộc miễn phí cho trên 3.000 học sinh và người dân nghèo thuộc tỉnh Lâm Đồng, huyện Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh) và hỗ trợ 105 giường y tế cho bệnh viện nhân dân 115, với tổng số tiền viện trợ là 545 triệu đồng.

- Liên hiệp Tư vấn du học Việt Nam (VIECA) và các đơn vị hoạt động tư vấn du học

VIECA thành lập và đi vào hoạt động đã được 8 năm, từ những năm đầu của năm 2000, khi mà khái niệm “tư vấn du học” còn mới mẻ và lạ lẫm với đa số học sinh và các bậc phụ huynh; đây cũng là thời điểm mà hoạt động du học còn khá lộn xộn, chưa có sự quản lý chặt chẽ. Sự ra đời của VIECA, với chức năng và nhiệm vụ được quy định cụ thể, rõ ràng đã giúp cho hoạt động tư vấn du học được tổ chức và chuyên nghiệp hơn. Bằng cách tập hợp các công ty, trung tâm tư vấn du học trên 2 địa bàn chính là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh; hướng cho các công ty, trung tâm hoạt động theo đúng tôn chỉ, mục đích đã đề ra, VIECA đã góp phần nhất định vào việc quản lý hoạt động du học tại Việt Nam, cũng như giúp cho các đơn vị thành viên có tiếng nói chung đối với du học quốc tế.
Ngay từ khi được thành lập, để nhanh chóng tiếp cận, học hỏi và vận dụng kinh nghiệm, tìm sự giúp đỡ của các nước bạn đã có hoạt động lâu năm về du học, VIECA đã gia nhập Liên đoàn các Hiệp hội Tư vấn giáo dục và ngôn ngữ thế giới (FELCA) tại London (Anh) và tham gia các hội nghị giáo dục quốc tế để mở rộng thị trường hoạt động, cập nhập thông tin du học, trao đổi kinh nghiêm với bạn bè quốc tế nhằm nâng cao chất lượng hoạt động.

+ Tổ chức đều đặn mỗi năm 2 kỳ triển lãm quốc tế về du học tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh với sự tham gia của 20 - 30 tổ chức giáo dục, các trường quốc tế và đại diện văn hóa - giáo dục Đại sứ quán, Tổng lãnh sự các nước tại Việt Nam. Tính đến nay, đã có 15 cuộc triển lãm được tổ chức, thu hút hàng vạn khách tham quan.

VIECA cũng đã biên soạn và phát hành 15 bộ “Cẩm nang du học” (tặng khách dự triển lãm 30.000 bộ) giới thiệu về các hoạt động của VIECA và các thành viên, thông tin du học các nước trên thế giới.

+ Các tổ chức thành viên của VIECA (19 thành viên), gồm các công ty, trung tâm trực tiếp làm tư vấn du học, hướng dẫn và tuyển sinh cho các trường quốc tế. Đã có khoảng 40 nghìn lượt người được tư vấn, 8.000 người đã đăng ký sử dụng dịch vụ và 5.000 người đã nhận được visa du học, trong đó khoảng 2000 người được miễn giảm học phí hoặc được nhận học bổng.

Cùng hoạt động trong lĩnh vực tư vấn tuyển sinh du học, TW Hội còn có 7 đơn vị trực thuộc khác cũng đã có nhiều cố gắng trong lĩnh vực này, đưa được tổng số 850 học sinh đi du học; đó là các Trung tâm Hỗ trợ giáo dục sau trung học, Trung tâm Tư vấn và phát triển giáo dục quốc tế, Trung tâm Giáo dục văn hóa truyền thống và giao lưu quốc tế, Trung tâm Hỗ trợ trang bị trường học và giáo dục nhân đạo Huế …

Các đơn vị trên thật sự đã góp phần vào việc đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

4. Khai thác và hợp tác thực hiện các chương trình, dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ

Cùng với việc khai thác nội lực, thông qua các cuộc vận động của TW Hội và Quỹ Khuyến học Việt Nam đối với các tổ chức, cá nhân trong nước tài trợ các chương trình học bổng, chương trình xóa mù chữ, dự án xây dựng lớp học, ủng hộ sách vở, dụng cụ học tập, tính cả tiền mặt và hiện vật trị giá gần 40 tỷ đồn. TW Hội còn có các đơn vị chuyên thực hiện các dự án, chương trình học bổng do các tổ chức quốc tế (phi chính phủ) thuộc CHLB Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Úc, Newzeland, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Pháp … với tổng kinh phí cho các dự án và các chương trình tài trợ là 65 tỷ 635 triệu đồng (trong đó cho các dự án là 51 tỷ 435, cho các chương trình học bổng và trang thiết bị học tập là 14 tỷ 200 triệu đồng).

Đặc biệt là các nhà tài trợ cho các chương trình học bổng còn có phương thức cấp học bổng lâu dài cho học sinh, sinh viên đến hết cấp học hoặc liên tục tới khi tốt nghiệp đại học.

Để thực hiện các chương trình, dự án nói trên, các trung tâm đã phối hợp với các nhà tài trợ và các cấp chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến huyện, mà cụ thể được triển khai dự án tại gần 70 xã thuộc các vùng trung du, đồng bằng, miền núi của 16 tỉnh, thành phố: Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Hà Tây, Hà Nội, Cần Thơ, An Giang và một số trường đại học nông nghiệp.

Được sự phối hợp chặt chẽ và cùng tham gia tổ chức triển khai các dự án của chính quyền xã, phường, đặc biệt của Hội Phụ nữ huyện, xã cộng tác với tư cách là thành viên của ban quản lý dự án do các trung tâm của Hội làm chủ tiếp nhận dự án của các tổ chức quốc tế. Tất cả các dự án đã được triển khai và hoàn thành đúng tiến độ đã cam kết với các nhà tài trợ. Các dự án được quản lý chặt chẽ về mặt tài chính. Kết thúc dự án, các quyết toán tài chính đều qua kiểm toán quốc tế của nhà tài trợ. Chưa có dự án nào của các trung tâm xảy ra sai sót về mặt quản lý tài chính, tạo được niềm tin cho các nhà tài trợ. Được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân ở các địa phương nơi dự án triển khai đánh giá cao.

Qua việc thực hiện gần 70 dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ, các trung tâm đã góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi lạc hậu và được lòng dân, nhất là ở các vùng nghèo, dân trí thấp được nâng cao nhận thức về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, về chính sách, pháp luật, về bình đẳng giới, về quyền trẻ em … và biết cách tự tạo cuộc sống từ thay đổi nếp nghĩ, đổi mới phương thức lao động và kỹ thuật canh tác, tự tin trong cuộc sống hàng ngày; ngoài ra còn đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ do các trung tâm hoạt động bài bản, có kinh nghiệm và ngày càng mang tính chuyên nghiệp cao.

Kết quả vận động tài trợ trong nước và quốc tế của các đơn vị trực thuộc TW Hội trong 10 năm qua là trên 100 tỷ đồng, đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí và công cuộc phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân...

5. Báo Khuyến học & Dân trí

- Trong giai đoạn từ 1997 - 2004, Báo Khuyến học và Dân trí hoạt động rất khó khăn, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và phóng viên, nhân viên chỉ có 8 người. Mặc dù tập thể toà soạn đã rất nỗ lực trong việc biên tập, in ấn, phát hành để ra báo 2 kỳ/ tháng, 12 trang (trắng - đen), nhưng chỉ phát hành được 2.000 tờ. Hiện nay báo Khuyến học & Dân trí đã trở thành tuần báo, phát hành trung bình mỗi kỳ từ 13.000 – 15.000/tờ với 16 trang, in màu.

Được sự chỉ đạo của TW Hội về đổi mới cơ cấu tổ chức, bộ máy hoạt động của Báo, trước hết là nhân sự Tổng biên tập và chất lượng phóng viên, báo đã chuyển mình và phát triển tổ chức, nội dung, hình thức hoạt động, đáp ứng được tiêu chí của Báo là góp phần nâng cao dân trí, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phục vụ ngày càng đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước.

- Tháng 4/2005, trang tin điện tử Dân trí chính thức được cấp phép hoạt động, đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của bạn đọc và chỉ sau 5 tháng www.dantri.com.vn đã lọt vào Top 3 các báo điện từ hàng đầu Việt Nam. Tháng 8 năm 2008, trang tin điện tử đã được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép nâng lên thành Báo Điện tử Dân trí.

- Tháng 4/2006 Chuyên san Thế giới học đường được phép chính thức phát hành khoảng 10.000 số/ 1 kỳ (tháng 2 kỳ), dày 72 trang, hấp dẫn và bổ ích với học sinh phổ thông các cấp trong việc học tập, mở rộng và nâng cao kiến thức cho các em về giáo dục, văn hoá, xã hội.

Ngoài việc thông tin, tuyên truyền, giáo dục, báo còn có các hoạt động nổi bật gắn với nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập như: Cuộc thi” Nhân tài đất Việt”, Quĩ “Nhân ái”, Quỹ “Vòng tay đồng đội”, được dư luận cộng đồng và Nhà nước đánh giá cao.

Trong 10 năm xây dựng và phát triển, những kết quả đã đạt được trong các hoạt động liên kết đào tạo, hỗ trợ giáo dục, hỗ trợ cơ sở vật chất, tài chính cho học sinh và các thày cô giáo..., các đơn vị đã góp phần không nhỏ vào phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Có thể nói chủ trương xây dựng và phát triển các đơn vị trực thuộc là đúng đắn, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xã hội hoá giáo dục./.

BT: LTS



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài


Thời gian mở trang: 0.480 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.