Phú Thọ: Lan tỏa phong trào học tập suốt đời trong thời đại số
10.2021
“Từ bao đời nay, hiếu học và học tập suốt đời đã trở thành truyền thống quý báu, là nét văn hóa đặc biệt của dân tộc Việt Nam. Học tập suốt đời không chỉ trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho con người mà còn giúp chúng ta sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, việc chuyển đổi số đã mở ra phương pháp tiếp cận mới để thúc đẩy văn hóa học tập suốt đời trong mỗi người dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng trong cộng đồng xã hội” - Bà Nguyễn Thị Kim Hải - Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh khẳng định.
Tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi người dân
Từ ngày con trai lên lớp 4, chị Đỗ Thị Hòa (thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao) đã mua cho con một chiếc máy tính bảng để phục vụ việc học. Đối với chị, đây là một quyết định đúng đắn giúp con học tập tốt hơn và tiếp cận gần hơn với kho tri thức rộng lớn của nhân loại.
Chị Hòa chia sẻ: Trước đây, việc học của con tôi hầu như chỉ “gói gọn” trong sách, vở truyền thống nên có lúc không mang lại hứng thú học tập. Nhưng từ khi được sử dụng máy tính bảng kết nối internet phục vụ học tập, cháu rất hào hứng, chịu khó tìm tòi những ứng dụng học tập bổ ích và khám phá thế giới xung quanh. Đặc biệt, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì thiết bị này đã trở thành người bạn đồng hành của cháu trong những buổi học online, giúp cháu đảm bảo việc học theo quy định của nhà trường.
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi, kích thích sự chủ động, sáng tạo trong học tập cho những thế hệ mầm non tương lai, công nghệ số đã và đang góp phần thu hẹp dần khoảng cách học tập của mọi người dân ở khắp các vùng miền, nhất là đối với người lớn ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Qua đó tạo cơ hội cho người lớn được học tập, trau dồi, tích lũy kiến thức phục vụ lao động sản xuất và cuộc sống.
Anh Nguyễn Văn Chinh (41 tuổi) là chủ cửa hàng sản xuất kinh doanh đồ gỗ Chinh Nga lớn nhất nhì xã Thu Cúc thuộc huyện miền núi Tân Sơn. “Ngày trước, cơ sở sản xuất gỗ của tôi chỉ là một xưởng nhỏ, mẫu mã sản phẩm đơn giản, chủ yếu bán cho bà con xung quanh, thu nhập chưa cao. Vài năm trở lại đây, tôi đầu tư mở rộng quy mô cửa hàng và cải thiện mẫu mã sản phẩm nên lượng khách hàng đến với cửa hàng ngày càng nhiều. Theo tôi, để giữ chân khách hàng và sản phẩm của mình được nhiều người biết đến, ngoài tay nghề giỏi, chất lượng gỗ tốt thì yếu tố quan trọng là tính thẩm mĩ của sản phẩm” - anh Chinh chia sẻ.
Với suy nghĩ đó, anh Chinh đã tự tìm hiểu, học hỏi, tham khảo mẫu sản phẩm đồ gỗ trên internet rồi trao đổi với nhân viên để cùng thực hiện. Đến nay, anh và đội ngũ thợ lành nghề của mình đã cho ra đời nhiều sản phẩm gỗ đẹp, có độ bền và chất lượng tốt để cung cấp ra thị trường với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cuộc sống của gia đình anh ngày càng khấm khá, có của ăn, của để.
Có thể thấy, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin trong thời đại số thì việc học tập của mọi người dân ngày càng trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn. Thông qua việc sử dụng các thiết bị công nghệ và loại hình đa phương tiện như máy vi tính, máy tính bảng, mạng xã hội, các ứng dụng trên điện thoại thông minh…, mọi người đều bình đẳng trong tiếp cận với nguồn học liệu mở, thông tin kiến thức đa chiều, phong phú, luôn được bổ sung, cập nhật mới và đặc biệt là có thể học tập mọi lúc, mọi nơi, học từ xa. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để hình thành nên những công dân học tập toàn cầu, công dân số.
Công nghệ số thúc đẩy học tập suốt đời
Sau 21 năm xây dựng và phát triển, đến nay tổ chức Hội Khuyến học đã phủ kín 100% các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn, khu dân cư trong tỉnh. Phát huy sứ mệnh khuyến học trong thời đại số, những năm qua các cấp Hội đã thường xuyên tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ, hội viên khai thác và sử dụng thông tin trên mạng internet một cách hữu ích phục vụ cho học tập, lao động và cuộc sống hằng ngày. Từ đó, nhiều mô hình học tập được hình thành và phát triển. Phong trào học tập suốt đời đã thật sự lan tỏa, mỗi nhà, mỗi dòng họ, mỗi cộng đồng và toàn xã hội có cái nhìn toàn diện hơn, thấu đáo hơn về học tập thường xuyên, học tập suốt đời.
Phối hợp chặt chẽ với các cấp Hội Khuyến học trong việc thúc đẩy xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý giáo dục, hoạt động dạy học và kết nối với cha mẹ học sinh. Cùng với hoạt động dạy học trên lớp, giáo viên tích cực hướng dẫn học sinh học ở nhà thông qua học tập trên truyền hình, học tập trực tuyến, giao bài tập qua zalo hoặc tham gia các câu lạc bộ, diễn đàn, cuộc thi trực tuyến … Từ đó, khuyến khích tính tự giác, sự sáng tạo của học sinh trong quá trình học; tạo không gian và thời gian học tập linh hoạt cho học sinh, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
“Chuyển đổi số sẽ hỗ trợ đổi mới giáo dục - đào tạo theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, giảm diễn thuyết một chiều, tăng sự tương tác và hướng tới sự tự học, chủ động giao lưu, kết nối tri thức. Đây là kỹ năng cần thiết giúp mọi người học tập suốt đời theo mục tiêu và mong muốn tự thân của mình, góp phần tạo ra xã hội học tập và tạo động lực học tập suốt đời. Tại Phú Thọ, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số đã và đang góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh trong thời kỳ mới. Hiện Phú Thọ là một trong những địa phương có số lượng, chất lượng học sinh giỏi quốc gia hằng năm cao nhất cả nước” - ông Đỗ Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh.
Học tập suốt đời là nhu cầu tất yếu của con người và xã hội. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, nhu cầu đó càng trở nên bức thiết. Qua nhiều năm, phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị… đã trở thành hoạt động thường xuyên, có nền nếp, quy củ, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. Tin tưởng rằng, với sự góp sức đắc lực của công nghệ số và tinh thần “học không bao giờ cùng”, phong trào sẽ tiếp tục được nhân lên và lan tỏa mãi, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nói riêng, xây dựng và phát triển quê hương, đất nước nói chung.
Thanh Hòa |