Phú Thọ: Tổ chức Tọa đàm 'Xây dựng các mô hình học tập trong tình hình mới'
12.2021
|
Bà Nguyễn Thị Kim Hải, UVBTVTW HKH Việt Nam, Chủ tịch HKH tỉnh khai mạc Tọa đàm |
Ngày 24/12/2021, tại Trường Đại học Hùng Vương, Hội Khuyến học tỉnh - Sở Giáo dục & Đào tạo - Trường Đại học Hùng Vương đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm "Xây dựng các mô hình học tập trong tình hình mới".
Dự Tọa đàm có Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Phó Giáo sư,Tiến sỹ Đặng Quốc Bảo, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý cán bộ giáo dục Trung ương cùng nhiều giảng viên, cán bộ quản lý trường Đại học Hùng Vương, trường Chính trị tỉnh, cán bộ quản lý ngành giáo dục từ tỉnh tới cơ sở, cán bộ hội các cấp và các mô hình học tập tiêu biểu địa bàn tỉnh.
Tại tọa đàm, đã có 25 bài tham luận của các tập thể, cá nhân đại diện cho các nhà khoa học, của các cán bộ hội và các mô hình học tập tiêu biểu. Các bài viết và tham luận trực tiếp tại Tọa đàm của Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, của Phó Giáo sư,Tiến sỹ Đặng Quốc Bảo, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý cán bộ giáo dục Trung ương và các tham luận của giảng viên Trường Đại học Hùng Vương, các chuyên gia... với những thông tin rất bổ ích, quan trọng về cơ sở lí luận và hướng tiếp cận với xã hội học tập, học tập suốt đời, tình hình mới và mô hình học tập trong tình hình mới. Những tham luận của các ngành, của cán bộ quản lý giáo dục ở cấp huyện và cơ sở, tham luận của các cán bộ khuyến học và cuả các mô hình học tập tiêu biểu... là những ý kiến xuất phát từ kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo, tổ chức thực hiện , quan tâm nhiều đến thực trạng, cách thức triển khai, kết quả đạt được, khẳng định tầm quan trọng của việc xây dựng các mô hình học tập gắn với đổi mới nội dung, hình thức dạy học, với đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội, nhằm tiếp tục tạo vị thế, sức lan tỏa mạnh mẽ của khuyến học, khuyến tài trong đời sống xã hội, và đề xuất những giải pháp đẩy mạnh việc học thường xuyên, học suốt đời, xây dựng mô hình học tập trong tình hình mới.... Làm rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của cả hệ thống chính trị vì sự học, vì chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển nền kinh tế xã hội và đổi mới.
Ban tổ chức Tọa đàm tặng hoa các Giáo sư và lãnh đạo trường ĐH Hùng Vương
Buổi Tọa đàm đã đạt mục đích đề ra, đó là: nhằm tuyên truyền tới các tổ chức hội, cán bộ, hội viên khuyến học về phòng, chống dịch bệnh COVID -19, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, toàn xã hội, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương và sự phát triển bền vững của cộng đồng trong điều kiện bình thường mới; Làm rõ mối quan hệ hữu cơ giữa học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập nhằm thực hiện có hiệu quả Quyết định số 489/QĐ -TTg ngày 8/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận 49/KL-TW của Ban Bí thư, Chỉ thị số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đẩy mạnh công tác Khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030” và Quyết định 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030”, nâng cao chất lượng các mô hình học tập trong thời gian tới. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong việc xây dựng các mô hình học tập giai đoạn 2013-2020 đề xuất các giải pháp phù hợp với điều kiện của tỉnh Phú Thọ trong tình hình mới nhằm đưa chủ trương của Đảng và Nhà nước về Khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời đi vào cuộc sống đáp ứng với thực tiễn, tình hình dịch bệnh hiện nay.
Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Các đại biểu dự Tọa đàm cũng nhận thức rõ việc thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho Hội Khuyến học thông qua 02 Đề án ”Mô hình Công dân học tập” và ”Mô hình gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập” và nhận thức đúng sự thành công của mô hình ”Công dân học tập” sẽ là mấu chôt, là cốt lõi để xây dựng các mô hình ”gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập”, và đó cũng là nền tảng để xây dựng xã hội học tập mà chúng ta đang hướng tới. Những vấn đề đặt ra với Công dân học tập trong thời kỳ dịch bệnh đó là: cần thức đúng trách nhiệm cuả mình trước bản thân, gia đình, cộng đồng và đất nước, và để thực hiện ”mục tiêu kép” thì mỗi người phải tuân thủ tốt pháp luật, thực hiện tốt các quy định của chính quyền và Bộ Y tế trong phòng, chống Covid-19. Trách nhiệm cá nhân chỉ được nhân lên khi mỗi người có quyết tâm cao trong bồi đắp, tiếp nhận thông tin cần thiết hằng ngày về phòng, chống dịch, để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình, vừa ổn định đời sống và phát triển kinh tế. Trong các cách học thì ”Tự học” được đánh giá là quan trọng nhất, là năng lực đầu tiên phải có đối với mỗi công dân học tập...
Một con đường học tập suốt đời dành cho tất cả mọi người đang rộng mở....
Thu Hồng |