Phú Thọ: Tôi học để làm công tác khuyến học
08.2021
|
Ông Phùng Hữu Nghị - Ủy viên BTV Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Cẩm Khê |
Về nghỉ hưu, tôi lại được giao làm cán bộ khuyến học huyện “chuyên trách”. Tôi vui vẻ, tự tin nhận nhiệm vụ với tâm thế đem nhiệt tình, trách nhiệm và vốn kinh nghiệm công tác đã qua góp vào việc thúc đẩy “sự học” ở quê hương. Thế rồi khi vào việc, tôi nhận ra rằng mình còn phải tiếp tục một “chương trình” học tập mới.
Trước hết là học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, về khuyến học, khuyến tài. Đọc để hiểu, để nhớ và để thực hiện các văn bản là công việc trước hết và thường xuyên. Nhiều chủ trương được đề ra đã qua mấy nhiệm kỳ, song nội dung vẫn là vấn đề “thời sự” (như Chỉ thị 11-CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X). Trong khi đó có văn bản nếu mà không đọc kỹ sẽ không hiểu đầy đủ, sâu sắc những vấn đề lớn và rất mới, rất quan trọng (như Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Bộ Chính trị khóa XII). Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng các mô hình học tập là nội dung phấn đấu của cả quá trình, không thể thực hiện “một sớm một chiều” (như Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014)… Điều lắng đọng trong tôi là chủ trương của Đảng về xây dựng xã hội học tập đã hình thành từ rất sớm gắn với nhiệm vụ xây dựng, phát triển, chấn hưng đất nước. Bắt nguồn từ tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, về sự học trong đó có quan điểm về “học suốt đời”, “học không bao giờ cùng”, “Tự học làm cốt”, “học ở mọi nơi, học lẫn nhau, học dân”, “không học thì không theo kịp công việc, công việc nó gạt mình lại phía sau”… Người làm công tác khuyến học có trách nhiệm trước hết là tuyên truyền. Vậy trước hết là tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh về “sự học”, về học suốt đời, tuyên truyền tới các lực lượng xã hội các chủ trương của Đảng về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Học thường xuyên, học suốt đời là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của cán bộ công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên.
Làm công tác khuyến học ở huyện như thế nào cho đúng vai của Hội và để đạt được kết quả cao là một câu hỏi lớn. Khi Hội Khuyến học được Đảng, Nhà nước giao phần trách nhiệm tham gia vận động xây dựng các mô hình học tập (theo Quyết định 281/QĐ-TTg), được giao nhiệm vụ tuyên truyền, vận động theo dõi kết quả xây dựng mỗi chi bộ là một đơn vị học tập, mỗi Đảng viên là một công dân học tập … (theo Kết luận 49-KL/TW) thì nhiệm vụ khuyến học đã có sự đổi mới rất căn bản. Khuyến học, khuyến tài không còn chỉ ở trong “giới hạn” chủ yếu là khen thưởng, động viên dạy và học trong các nhà trường (mặc dù đây là “đất phát” của hoạt động khuyến học). Khuyến học muốn “cất cách” cùng sự học của quê hương thì phải tham gia có hiệu quả cao vào tuyên truyền vận động “sự học” của người lớn, học thường xuyên, học suốt đời và góp phần cổ vũ, động viên phong trào học tập của con em nhân dân trong các nhà trường. Nhiệm vụ được giao thì rất mới và lớn, song khó khăn, vướng mắc về môi trường và điều kiện hoạt động khuyến học là không nhỏ. Rõ ràng đây là “mặt trận mới, phải biết “vừa làm, vừa học”, “vừa học, vừa làm”, trong đó có cả học cách “vượt khó”.
Thật vậy, các kiến thức, thông tin thu được từ các cuộc hội thảo, sơ, tổng kết, tập huấn… của hội, xem trên các báo, tạp chí, mạng xã hội; quan sát các đơn vị bạn ở trong và ngoài tỉnh; tiếp thu sự hướng dẫn, chỉ đạo của Hội tỉnh và lãnh đạo huyện, thông qua làm việc với Hội Khuyến học cơ sở…là những bài học rất lớn. Điều có thể rút ra là: Làm khuyến học là làm “dân vận khéo”. Phải tuyên truyền sao cho kịp, cho đúng, cho trúng và quan trọng là có “sự hấp dẫn”, có sự lan tỏa. Mỗi “mô hình” nổi bật ở cơ sở, mỗi phần thưởng và quà tặng khuyến học có tác dụng thúc đầy, lôi cuốn hoạt động chung rất lớn và rất có hiệu quả. Cán bộ khuyến học cơ sở là kiêm nhiệm, mọi việc đều là nhờ nhiệt tình và tự nguyện, tâm huyết thì cần làm sao để từng cơ sở đều có những “niềm vui” khuyến học. Hoạt động Hội khuyến học không phải là hoạt động “tự thân” mà để phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập. Do đó Hội không thể “tự làm” mà cần liên kết và phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể và quan trọng nhất là phải tạo được sự “quan tâm” của cấp ủy, chính quyền các cấp. Hội chỉ chiếm được lòng tin và tín nhiệm đối với lực lượng xã hội, các doanh nghiệp khi kết quả khuyến học và khuyến tài là của cả hệ thống chính trị, thể hiện thành công của công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiệm vụ của địa phương.
Đầu năm 2021, Hội khuyến học huyện Cẩm Khê bước sang tuổi 19, với 645 tổ chức cơ sở hội, ban khuyến học, 36.563 hội viên (chiếm 26,1% dân số toàn huyện), các chi hội, ban khuyến học bảo đảm phủ kín địa bàn huyện. Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn huyện Cẩm Khê có 77,2% gia đình học tập; 63,4% dòng họ học tập; 76,6% khu dân cư đạt khu dân cư học tập; cơ quan, đơn vị đạt đơn vị học tập là 87,8%... Triển khai thí điểm xây dựng mô hình công dân học tập tại 02 cơ quan và 03 xã, thị trấn có 243 người đăng ký tham gia, hết thời gian thực hiện thí điểm cả 243 người đều được bình xét, công nhận đạt danh hiệu “công dân học tập”. Trên cơ sở nguồn kinh phí do các doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và các cá nhân ủng hộ, hằng năm huyện đã khen thưởng khuyến học, tặng quà khuyến học, khuyến tài, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó cho trên 1000 đối tượng. Các chương trình của tỉnh đã đầu tư về huyện hàng trăm triệu đồng, hàng trăm xuất quà cho hàng trăm đối tượng được thụ hưởng; thực tế cho thấy nhận thức, sự quan tâm và hành động thực tế về tự học, học thường xuyên của người lớn đã có sự chuyển động mạnh mẽ. Hầu hết mô hình tiêu biểu về học tập thì cũng là điển hình về phát triển kinh tế và xây dựng đời sống văn hóa xã hội. Chúng tôi nghĩ mỗi phần thưởng khuyến học là viên gạch góp phần xây dựng xã hội học tập ở địa phương, cũng là phần thưởng cho những người làm khuyến học./.
Phùng Hữu Nghị |