Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động GDTX đáp ứng yêu cầu HTSĐ của mọi người, hướng tới xây dựng xã hội học tập
11.2018
|
Ông Nguyễn Đình Bưu - Nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa |
Ngành học giáo dục thường xuyên có sự khởi đầu rất vẻ vang và đạt được những thành tựu rất to lớn; bắt đầu là hoạt động chống nạn mù chữ từ năm 1945. Khi đó, đất nước ta trong "bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc". Nhân dân ta mới giành được độc lập nhưng thù trong, giặc ngoài âm mưu lật đổ chính quyền non trẻ nhằm đặt ách thống trị của thực dân trở lại.
Suốt gần 100 năm đô hộ, thực dân pháp đã thi hành chính sách ngu dân để cai trị nên 95% dân số nước ta mù chữ. Bác Hồ đã chỉ rõ: "Một dân tộc dốt là dân tộc yếu" và sẽ gặp muôn vàn khó khăn để giành độc lập dân tộc và kiến quốc nếu như không giải quyết cấp bách các nhiệm vụ chiến lược lúc đó là: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm".
Từ
đó, phong trào toàn dân đi học để thoát nạn mù chữ, người biết chữ dạy cho
người chưa biết chữ; học cả ban ngày và ban đêm, ở khắp mọi nơi, không kể trai
gái, già trẻ, dân tộc, tôn giáo... sôi sục và hăng hái mà nhà nước không phải
đầu tư kinh phí, nhân lực.v.v.
Chỉ
với khoảng gần 2 năm sau phát động, 90% dân số nước ta đã biết chữ, một kỳ tích
như bao kỳ tích khác của cách mạng nước ta. Tiếp sau đó là phong trào bình dân
học vụ để người dân tiếp tục học các lớp sau xóa mù chữ, học các lớp cao hơn. Hầu
hết "Các chiến sỹ bình dân học vụ" lúc đó là người không hưởng lương.
Rồi tiếp đến là phong trào học bổ túc văn hóa (BTVH), mở các lớp vừa làm vừa học,
các lớp học BTVH ban đêm, các lớp học vào ngày chủ nhật…mà người dạy chủ yếu là
giáo viên phổ thông theo chủ trương của Bộ Giáo dục lúc đó: "Một hội đồng
hai nhiệm vụ". Cao hơn nữa là thành lập các trường cấp 2 chức nghiệp, các
trường Bổ túc văn hóa công nông, Thanh niên dân tộc; Các trường Bổ túc văn hóa
cụm xã bán tập trung; các trường Bổ túc văn hóa tập trung ở cấp huyện, tỉnh vv.
Việc nâng cao trình độ dân trí và đào tạo cán bộ các cấp, các ngành lúc đó
chính là nhờ hoạt động giáo dục thường xuyên, chủ yếu bằng phương thức vừa làm
vừa học. Trong đó, có nhiều người được ra nước ngoài học tập rồi có học vị học
hàm cao, các nhà khoa học vv. Nhiều người trở thành cán bộ chủ chốt của các
cấp, các ngành và lực lượng vũ trang vv. Trải qua hơn 70 năm, ngành học Giáo
dục thường xuyên đã thực hiện và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng đại mà sự
nghiệp cách mạng giao phó, một sứ mệnh vô cùng vẻ vang là góp phần rất quan
trọng vào xóa nạn mù chữ, từng bước nâng cao dân trí của cả nước, đào tạo và
bồi dưỡng nhiều thế hệ cán bộ với nhiều trình độ học vấn khác nhau, đáp ứng
được yêu cầu về trình độ, năng lực khác nhau của từng thời kỳ cách mạng, góp
phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và kiến thiết đất
nước. Lẽ ra ngành học này phải được phong tặng danh hiệu anh hùng và được đón
nhận phần thưởng cao quý nhất của Đảng và Nhà nước tư lâu rồi nhưng chưa thấy
cơ quan nào (kể cả Bộ Giáo dục) đề
xuất???
Trong
khoảng 30 năm gần đây do có sự bùng nổ về nhu cầu học tập đạt trình độ phổ
thông trung học của thanh, thiếu niên, cán bộ và người lao động nên các Trung
tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) gần như chuyển hẳn sang dạy bổ túc trung học
còn nhiệm vụ dạy nghề lại chưa được quan tâm đầy đủ. Nhưng đó không phải hoàn
toàn là lỗi của các TTGDTX. Trước hết, đó là lỗi của các cấp quản lý giáo dục
và các cấp chính quyền do chưa đặt đúng vai trò, vị trí của GDTX và không dự
báo được nhu cầu đào tạo, nhu cầu học tập thường xuyên và suốt đời của người
dân, trước hết là người lớn để hoạch
định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ cho các TTGDTX cùng với ban hành các cơ
chế, chính sách phù hợp với yêu cầu mới. Cũng vì thế hầu hết các TTGDTX có cơ
cấu giáo viên hoàn toàn không phù hợp với hiện nay, cơ sở vật chất quá nghèo
nàn, vừa thiếu, vừa lạc hậu, tài chính rất hạn chế... nên khi chuyển đổi nhiệm
vụ, các trung tâm gặp khó khăn, lúng túng là lẽ đương nhiên. Sự bất cập này
trước hết là ở tầm vĩ mô, ở Bộ Giáo dục và đào tạo.
Việc
sáp nhập hai Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm dạy nghề cấp huyện
lại thành một Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp là một chủ
trương đúng và rất cấp thiết. Nhưng không nhất thiết phải đặt một cái tên có
mặt tên của cả 2 trung tâm cũ trước đó, theo kiểu “bình mới rượu cũ”.
Để
làm rõ vấn đề này trước hết phải thay đổi tư duy, không thể theo lối mòn cũ là
Trung tâm này chỉ dạy bổ túc văn hóa và dạy nghề, thậm chí nhiều nơi lại còn coi
là 2 việc khác nhau, không liên quan với nhau.
Trong bối cảnh
khoa học công nghệ thay đổi nhanh chóng; thế giới đã bước sang cuộc cách mạng
công nghiệp 4.0. Đất nước ta đang hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng,
toàn diện và mạnh mẽ hơn. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đòi
hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao hơn, trong đó một bộ phận phải có
chất lượng thực sự cao, ngang tầm quốc tế. Do đó nhu cầu nâng cao trình độ cho
mọi người, mà trước hết là người lao động phải trở thành một yêu cầu cấp bách,
sống còn với dân tộc ta, nếu không muốn tụt hậu và tụt hậu xa hơn. Vì chất
lượng nguồn nhân lực là một trong các yếu tố quan trọng nhất quyết định năng
suất lao động và chất lượng tăng trưởng. Hiện nay vẫn còn quan niệm cứ hễ nói
đến "trình độ" là nghĩ ngay đến "trình độ học vấn" và học
văn hóa. Yêu cầu học vấn chỉ là khởi đầu, là điều kiện tiên quyết để tiếp thu
và nâng cao trình độ các mặt khác. Trình độ ở đây phải hiểu là có kiến thức
trên nhiều mặt mà mỗi người cần có để hoàn thiện bản thân, để đáp ứng yêu cầu
làm một công dân tốt, để có năng suất và hiệu quả lao động hoặc công việc cao
nhất; rồi hướng tới trở thành công dân học tập, công dân toàn cầu. Đồng thời
còn phải chuẩn bị sẵn sàng cho những thay đổi của kỹ thuật công nghệ, cho
chuyển đổi nghề, tiếp cận nghề mới và yêu cầu của cuộc sống hiện đại đòi hỏi… thì
bất cứ ai đều phải vượt ra ngoài trình độ đã có, kể cả những người có trình độ cao
đẳng, đại học trở lên, các học giả, các nhà nghiên cứu... đều cần trang bị thêm
cho mình những tri thức mới, bao gồm cả lý thuyết và những kỹ năng đối với lĩnh
vực, công việc hay chuyên môn của mình. Những người có trình độ cao nhưng nếu
thiếu kỹ năng, nhất là thiếu những hiểu biết thực tế hoặc ứng dụng trong thực
tế cuộc sống và sản xuất thì kết quả nghiên cứu hoặc làm việc sẽ khó đáp ứng
thực tiễn, thậm chí là lý thuyết suông và hiệu quả thấp. Những người trực tiếp
lao động sản xuất nếu không hiểu biết lý thuyết, (nhất là các kiến thức về khoa
học công nghệ) thì giỏi lắm cũng chỉ có kỹ năng thực hành tốt còn khó có thể
sáng tạo dẫn đến nguy cơ bị đào thải bởi kỹ thuật công nghệ mới là rất cao. Nói
cách khác thời đại mới đòi hỏi mỗi chúng ta phải biết kết hợp chặt chẽ giữa
trình độ hiểu biết lý thuyết và kỹ năng nghề nghiệp. Mặt khác việc học trong
các nhà trường (giáo dục ban đầu) cũng chỉ đáp ứng được một khối lượng kiến
thức hạn chế và nhanh chóng sẽ lạc hậu nên phải coi việc học suốt đời là cứu
cánh để tồn tại. Như vậy nhiệm vụ giáo
dục thường xuyên (giáo dục tiếp tục) trong thời kỳ mới là góp phần nâng cao
trình độ nhiều mặt cho mọi người, trước hết là người lao động về cả trình độ lý
thuyết và kỹ năng. Đồng thời phải xác định rõ ràng phương châm học tập trong
học tập suốt đời là mỗi người phải tự học, phải tự nghiên cứu, tìm tòi, tích
lũy… theo yêu cầu của bản thân là chính chứ không nhất thiết cứ phải đến trường
đến lớp.
Nói cách khác:
GDTX phải giúp mọi người chuẩn bị cho cả hiện tại và tương lai. Do đó không cần
phải gắn cụm từ “Giáo dục nghề nghiệp” vào cụm từ “Giáo dục thường xuyên” mà
chỉ cần gọi “Trung tâm giáo dục thường
xuyên” là đủ.
Để
đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ của GDTX trong giai đoạn mới, chúng ta cần phải làm
gì?
Một
là: Trước hết phải đổi mới tư duy về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của
nhiệm vụ Giáo dục thường xuyên trong thời kỳ mới là góp phần chăm lo, đáp ứng
nhu cầu học tập suốt đởi của mọi người... để quy hoạch, xác lập hệ thống GDTX và ban hành các cơ chế, chính sách phù
hợp.
Giáo dục ban
đầu (giáo dục chính quy) chỉ đáp ứng tối đa được 25% dân số, còn GDTX (giáo dục
tiếp tục) chăm lo việc học tập suốt đời cho khoảng 70% dân số. Vì vậy Luật giáo
dục sửa đổi sắp tới mà quốc hội sẽ thông qua rất cấp thiết phải khẳng định rõ
ràng GDTX là vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời cho người lớn
và phải được đặt tương xứng, cân bằng với giáo dục ban đầu. Từ đó, GDTX phải
được đầu tư tương xứng về cả nhân lực, cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu,
học liệu cho các đối tượng khác nhau, tài chính và quản lý nhà nước... Các TTGDTX phải vươn tới để trở thành cơ sở
giáo dục cho người lớn gần như vai trò của các trường Cao đẳng cộng đồng ở
nhiều nước hoặc ít ra ở nước ta phải xây dựng được những TT GDTX hoạt động
tương tự như Cao đẳng cộng đồng ở những vùng thuận lợi.
Hai
là: Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Lao động – Thương binh &
xã hội và các bộ ngành có liên quan tham mưu cho Chinh phủ ban hành một Nghị
định về Hệ thống Giáo dục thường xuyên trong chiến lược chăm lo việc học suốt
đời cho mọi người phục vụ xây dựng xã hội học tập theo tinh thần chỉ thị số 11-
CT/TW ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị khóa X: “Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân; là mục
tiêu cơ bản trong chiến lược chấn hưng và phát triển mới giáo dục ở nước ta” với
các chủ trương nhất quán dài hạn và các cơ chế chính sách đầy đủ...
Ba
là: Phải thật sự đổi mới cả nội dung và phương thức hoạt động của các TT
GDTX:
-
Các TTGDTX không chỉ bó khuôn dạy bổ túc văn hóa và dạy nghề mà phải nắm bắt
nhu cầu học tập của các đối tượng khác nhau trên địa bàn dân cư để xây dựng kế
hoạch mở lớp cho phù hợp, đáp ứng nhu cầu học tập nhiều mặt của người dân.
-
Việc dạy nghề phải gắn chặt với khởi nghiệp, phục vụ cho xây dựng quốc gia khởi
nghiệp, địa phương khởi nghiệp; gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động và giải
quyết việc làm phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương. Ngày nay
khoa học, công nghệ liên tục thay đổi và phát triển nhanh, các công nghệ mới và
thiết bị công nghệ trong sản xuất và đời sống xuất hiện rất nhiều và nhanh
chóng nên đòi hỏi những nguồn nhân lực mới. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
sẽ xuất hiện hàng loạt những ngành nghề mới, sản phẩm mới. Nếu không đón đầu
đào tạo thì nhất định sẽ có một bộ phận lao động mất việc làm và nói rộng hơn
là sẽ khó bắt kịp sự phát triển của nhân loại.
-
Phải chuyển hẳn việc chỉ dạy bổ túc văn hóa (chủ yếu là dạy bổ túc văn hóa cấp
3) cho thanh thiếu niên sang dạy học văn hóa gắn với đào tạo nghề (nghề trung
cấp hoặc sơ cấp) để sau khi học xong PTTH phải có một nghề, vừa giải quyết việc
làm, lập thân lập nghiệp vừa bổ sung vào lực lượng lao động có trình độ nghề.
-
Phải mở rộng việc liên kết chặt chẽ giữa TTGDTX với các trường đại học để họ
tham gia và đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người lớn, như các lớp chuyên
đề, cập nhật kiến thức mới hoặc công nghệ mới … Liên kết với các trường cao
đẳng, trung cấp để mở các lớp dạy nghề tại chỗ, vừa giải quyết nguồn tuyển sinh
(đầu vào) cho các trường CĐ, TC cũng là nguồn đào tạo cho các TTGDTX nhằm cung
cấp lao động có bậc nghề và giải quyết việc làm mà người học không phải đi xa,
giảm bớt sức ép, nơi ăn ở tập trung của các trường cao đẳng, trung cấp...
- Các TTGDTX
phải gắn kết với yêu cầu tập của người dân ở địa phương nên phải liên kết chặt
chẽ với các Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở xã, phường, thị trấn để mở các
lớp ngay tại cơ sở. Đối với người lớn tuổi nhất thiết phải mở lớp ngay tại khu
dân cư thì người dân mới có điều kiện đi học. Việc mở lớp như vậy vừa giải
quyết được kế hoạch mở lớp, nguồn tuyển sinh cho các TTGDTX lại vừa giải quyết
khó khăn cho các TTHTCĐ về kế hoạch mở lớp và giáo viên dạy...
- Các TT cần
mở rộng liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, với các cơ sở sản xuất kinh
doanh… để cùng đào tạo nhân lực cho họ
hoặc họ cử cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lao động giỏi tham gia
đào tạo và trung tâm sử dụng chính cơ sở
sản xuất kinh doanh đó làm nơi thực hành hoặc thực tập cho học viên.
-
Các TT GDTX nhất thiết phải từng bước cơ
cấu lại đội ngũ giáo viên theo hướng chỉ bố trí một số lượng phù hợp giáo viên
cơ hữu ở những ngành, nghề, chuyên môn mà địa phương có nhu cầu cao. Đồng thời
mở rộng liên kết đào tạo, lựa chọn và sử dụng rộng rãi giáo viên kiêm chức,
những người có chuyên môn sâu, có nghiệp vụ tốt, có kỹ năng giỏi, bao gồm cả
các doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất, cán bộ kỹ thuật và người lao động giỏi…
Bốn
là: Rất cấp thiết có một hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp cùng với việc
khẳng định vai trò, vị trí vô cùng quan trọng của các TTGDTX.
Trước
hết cần xác định TTGDTX là cơ sở giáo dục
mở nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân có nhiệm vụ chăm lo và đáp ứng nhu
cầu học tập suốt đời cho mọi người (trước hết là người lao động), kết nối với
giáo dục chính quy (giáo dục ban đầu) và
các thiết chế giáo dục khác như: dạy học trực tuyến, giáo dục từ xa, Đài Phát
thanh – Truyền hình, các câu lạc bộ, nhà văn hóa, thư viện, bảo tàng, các trung
tâm tin học, ngoại ngữ, TTHTCĐ ..v..v...
Nhà
nước phải đảm bảo các điều kiện chủ yếu cho Trung tâm hoạt động có chất lượng
và hiệu quả như cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, thực hành các thiết
bị dạy nghề và xưởng trường; đảm bảo số lượng giáo viên cơ hữu tối thiểu và bộ
máy quản lý Trung tâm…
Nguồn lực tài
chính phải đảm bảo cơ bản cho các hoạt động chủ yếu cùng với cơ chế xã hội hóa
thật rõ ràng để huy động thêm nguồn lực từ các cơ quan, đoàn thể, các doanh
nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, từ người học và sự giúp đỡ của các tổ chức
quốc tế... Cơ chế tài chính không nên quy định cấp định mức cao bằng cho mọi
trung tâm mà phải từ quy mô, nội dung và hiệu quả hoạt động của mỗi trung tâm
mà cấp kinh phí cho phù hợp.
Đề nghị Bộ GD
&ĐT phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh - xã hội ban hành Quy chế và
Điều lệ khung cho các TTGDTX để chính quyền cấp tỉnh còn bổ sung thêm cho phù
hợp với đặc điểm của địa phương. Chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện quản lý nhà
nước trực tiếp hoạt động của các TT nhưng cần và chỉ nên giao cho một ngành chịu
trách nhiệm chính tham mưu và chỉ đạo cụ thể các hoạt động của TT theo nguyên
tắc một nhiệm vụ chỉ để một cơ quan phụ trách, không nên để tình trạng “cha chung không ai khóc”, “lắm cha con khó
lấy chồng”. Theo tôi nên giao chức năng, nhiệm vụ này cho ngành Giáo dục và đào
tạo (Sở và phòng giáo dục & đào tạo cấp huyện) để phối hợp chặt chẽ với
ngành Lao động – Thương binh – Xã hội và các ngành chức năng khác quản lý Trung
tâm.
Đổi mới căn
bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành
Trung ương Đảng lần này chỉ có thể thành công nếu xác định thật rõ ràng giáo
dục chính quy và giáo dục thường xuyên song song tồn tại, hỗ trợ, bổ sung và
liên thông với nhau để đảm bảo cho mọi người được học tập suốt đời.
Nguyễn
Đình Bưu
Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND
tỉnh
Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục
& Đào tạo
Nguyên Chủ tịch Hội
Khuyến học tỉnh Thanh Hóa
|