Giáo dục phổ thông: Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa
11.2018
Bài viết của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.
“Một chương trình, nhiều bộ sách giáo
khoa” là một chủ trương triển khai chương trình giáo dục phổ thông được đông
đảo người dân tán đồng và được Quốc Hội chấp thuận. Tôi đồng tình với việc làm
này, từ lâu cũng đã phát biểu về quan điểm của mình, bởi làm như vậy thì nguồn
tư liệu học tập mới mang tính MỞ.
Tuy nhiên, đứng trước nhiều ý kiến trái
chiều và trước việc chuẩn bị của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho tiến hành triển
khai chủ trương này, tôi cảm thấy có gì đó không ổn, khiến giới truyền thông
xôn xao. Quả thực, chủ trương đúng nhưng chưa chắc đã mang lại một kết quả mong
muốn nếu như thiếu sự cân nhắc kỹ càng.
Trước tiên, theo tôi, Bộ nên khẳng định rằng, Chương
trình giáo dục phổ thông cần có một số Bộ sách giáo khoa đồng bộ các môn học
cho một cấp học, hoặc cho các cấp học, chứ không phải là có từng cuốn sách giáo
khoa riêng lẻ, ví dụ Bộ sách giáo khoa tiểu học phải bao gồm các sách Tiếng
Việt, Toán, Ngoại ngữ, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa
học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) và
các sách về hoạt động trải nghiệm và sách cho các môn học tự chọn.
Ví dụ: Theo Chương trình giáo dục Tổng
thể, tổng số tiết của các môn học trên mà Bộ sách giáo khoa lớp 1 cấp tiểu học
phải chuyển tải là 875 tiết/năm học. Theo tính toán của tác giả đề xuất Chương
trình đã được thông qua, với thời lượng trên đây, các sách giáo khoa mới mang
lại cho học sinh lớp 1 (tiểu học) một tổng số tri thức, kỹ năng, thái độ cần
thiết và tối thiểu. Nếu một nhóm nào chỉ đưa ra một cuốn sách tiếng Việt gồm
420 tiết cho lớp 1 thì không được, nó chỉ là một bộ phận trong cấu trúc tri
thức, kỹ năng và thái độ của lớp 1 mà thôi.
Tóm lại, Chương trình cần một số bộ sách
khác nhau, và có 4 đến 5 bộ là đã là nhiều. Còn nếu một Chương trình là cho
phép đề xuất nhiều quyển sách giáo khoa thì sẽ “loạn” sách, bởi người ta sẽ có
hàng chục sách Tiếng Việt, hàng chục sách Toán... cuối cùng sẽ có vài trăm sách
lớp 1, lúc đó, mọi người sẽ bị rối loạn khi chọn sách giáo khoa.
Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một Bộ sách giáo khoa thể
hiện đầy đủ học vấn phổ thông của cả 3 cấp học. Bộ sách đó là tài liệu chính
thống để làm căn cứ định hướng cho việc biên soạn những bộ sách giáo khoa khác
do các nhóm tác giả biên soạn.
Bộ sách giáo khoa chính thống này phải do
một tập thể các nhà khoa học và giáo dục tiến hàng do Bộ tổ chức như một cơ
quan viết sách giáo khoa trực thuộc sự lãnh đạo của Bộ trưởng. Cơ quan này nằm
ngoài bất cứ Nhà xuất bản nào. Nếu không, việc tổ chức viết sách và in sách
giáo khoa sẽ rơi và tình trạng độc quyền của Nhà xuất bản.
Ba là, các Bộ sách giáo khoa muốn được đưa vào kế hoạch thẩm định
để được dùng làm Bộ sách giáo khoa chính thức được phép của Nhà nước đều phải
trải qua quá trình thực nghiệm. Theo tôi được biết, Chương trình giáo dục phổ
thông tổng thể hiện đã được phép chuyển sang giai đoạn viết sách giáo khoa đã
được thực nghiệm ở nhiều trường. Còn những bộ sách giáo khoa khác hiện chưa
khởi động nên sẽ do từng nhóm biên soạn và sau đó phải dạy thử. Theo thiển ý, tôi cho rằng, không thể mang việc học
của học sinh ra làm thí nghiệm được. Ít nhất, những sách được đưa ra thẩm định
phải có quá trình dạy thử (Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ra quy chế về việc này).
Bốn là, nếu nhóm nào đề xuất Bộ sách giáo khoa mà được chấp nhận
thì Nhà nước nên thanh toán mọi chi phí cần thiết để sau đó, nó thuộc thẩm
quyền quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Làm như vậy thì những bộ sách do tập
thể nào đó biên soạn sẽ được chính thức dùng để thay thế bộ sách chính thống và
sẽ chuyển thành sách giáo khoa điện tử. Bộ sẽ coi đó là nguồn tư liệu giáo
dục mở (Open ducational resource) và Bộ sẽ ban hành giấy phép sử dụng
(Open) mở để địa phương nào đó lựa chọn thì khai thác tài liệu này trên mạng
thông tin. Khi đó, họ có thể in ấn theo nhu cầu riêng, không lo thừa hay thiếu
sách giáo khoa và điều cơ bản là không lãng phí giấy để in hàng nghìn, hàng vạn
bản như cách làm xưa nay.
Hi vọng rằng, Chủ trương “Một chương
trình, nhiều bộ sách giáo khoa” sẽ không làm lãng phí hàng ngàn tấn giấy và
không có bóng dáng độc quyền của một nhà xuất bản nào đấy.
10/2018
|