GS Phạm Tất Dong: Hoan nghênh ý kiến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về thi THPT quốc gia 2019
10.2018
|
Thi THPT quốc gia 2019 tiếp tục tổ chức thi tại địa phương nhưng chấm thi theo cụm |
Hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu về mục tiêu thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Hi vọng, các kỳ thi năm 2020, 2021... sẽ thông thoáng hơn, vui vẻ hơn, chuẩn xác hơn và đỡ tốn kém hơn.
Chúng ta đang từng bước thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học, vì
vậy, học xong cấp Trung học phổ thông hoặc Trung cấp nghề đều được coi
là được phổ cập một trình độ học vấn phổ thông mà người dân nào cũng
phải đạt được.
Trước đây, tốt nghiệp Trung học phổ thông, người học có thể làm được
nhiều việc trong không ít nghề. Vì thế, người có bằng Trung học phổ
thông thường được coi là có trình độ học vấn khá cao trong xã hội.
Ngày nay, tấm bằng Trung học phổ thông chỉ là một hộ chiếu để con
người vào đời, tức là đi tìm cho mình con đường đào tạo nghề để trở
thành người lao động trong một lĩnh vực hoạt động xác định thuộc nền
kinh tế quốc dân.
Nói một cách cụ thể hơn, một người có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông cần nhận thức điều này:
- Trong xã hội hiện đại, học vấn phổ thông không giúp cho người ta
trực tiếp tham gia lao động sản xuất trong những lĩnh vực được trang bị
kỹ thuật hiện đại hoặc nhập một công nghệ mới nào đó.
- Cho dù là sau Trung học phổ thông đã tham dự các khóa học trung cấp
nghề, cao đẳng hoặc đại học thì việc học tập thường xuyên vẫn là bắt
buộc, nếu không sẽ bị công việc sản xuất sớm muộn cũng sẽ đào thải.
- Để không tụt hậu về kinh tế cũng như về khoa học và công nghệ, đất
nước phải từng bước phát triển kinh tế tri thức và tiếp cận nhanh với
thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại. Bất kỳ
người lao động nào đang làm việc trong các lĩnh vực nông nghiệp, công
nghiệp hay dịch vụ đều phải học tập suốt đời mà rồi đây, Nhà nước sẽ ban
hành tiêu chí CÔNG DÂN HỌC TẬP để mọi người phải thực hiện.
Tấm bằng Trung học phổ thông chỉ là một chứng chỉ xác nhận người học
đã hoàn thành vòng giáo dục ban đầu để có được trình độ học vấn mà mỗi
công dân bình thường trong xã hội ngày nay đều phải với tới.
Do tính chất phổ cập của giáo dục trung học, tôi cho rằng, thi tốt
nghiệp Trung học phổ thông cần được đổi mới cách nghĩ về tính chất của
kỳ thi này. Nên tư duy lại một cách nghiêm túc và trên cơ sở cân nhắc
cách hiểu, tôi có mấy ý kiến sau:
- Bỏ kỳ thi Quốc gia tốt nghiệp Trung học phổ thông, tổ chức kỳ thi
này tại địa phương, tốt nhất là học sinh thi tại nhà trường mà các em
đang học. Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn chu đáo việc tổ chức thi ở
mỗi trường, sao cho kỳ thi diễn ra như một sự kiện bình thường, coi như
một cuộc kiểm tra trình độ học vấn phổ thông mà các em đạt được sau 12
năm đèn sách;
- Tách thi tốt nghiệp Trung học phổ thông ra khỏi việc tuyển sinh đại
học, tránh thi tốt nghiệp Trung học thành cuộc cạnh tranh vào đại học.
Làm được điều này sẽ bớt đi những tiêu cực trong thi cử, nhất là người
lớn can thiệp vào việc chấm thi, tạo ra sự thiếu minh bạch và mất công
bằng trong giáo dục.
- Thi tốt nghiệp Trung học phổ thông là để cho những học sinh đạt
được trình độ trung bình trở lên trong thành tích học tập chứ không phải
để sàng lọc tài năng vào đại học. Việc trường đại học tuyển sinh cần có
cách làm riêng của mỗi trường. Họ căn cứ vào mục tiêu đào tạo mà đề ra
tiêu chuẩn lựa chọn đầu vào. Còn việc trường đại học muốn chọn theo kết
quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông thì cũng là một cách tuyển, không
có gì phải bàn, miễn là, trường đại học thấy việc làm của họ đúng với
quyền tự chủ mà họ được trao.
- Giám đốc các sở Giáo dục và Đào tạo là người chịu trách nhiệm chính
về kết quả thi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Không ai hiểu học sinh
trung học phổ thông bằng Hiệu trưởng và các giáo viên đang trực tiếp đào
tạo các em. Do vậy, không nên huy động trường đại học “hỗ trợ” thi tốt
nghiệp cấp trung học phổ thông này.
Tôi tin rằng, Hiệu trưởng và giáo viên trong trường cho thi và xét
tốt nghiệp một cách chính xác, không kém gì cách tổ chức thi hiện nay.
Cũng không nên coi việc chống gian lận trong thi cử của học sinh mà tìm mọi cách đối phó với các em.
Tuyên bố kỳ thi nhằm mục tiêu chống gian lận trong học sinh là một sự
xúc phạm các em bởi lâu nay, những sai phạm trong thi cử dính dáng đến
không ít những người lớn – những người dùng quyền lực hoặc tiền bạc để
gian dối như đã thấy, mà điển hình nhất là những tai tiếng của một số
cán bộ (nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý) ở Hà Giang, Hòa Bình...
Hoan nghênh Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu về mục tiêu thi
tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2019. Hi vọng, các kỳ thi
năm 2020, 2021... sẽ thông thoáng hơn, vui vẻ hơn, chuẩn xác hơn và đỡ
tốn kém hơn.
GS.TS Phạm Tất Dong
|