TPHCM: Họp nghiệm thu cấp cơ sở đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TPHCM giai đoạn hội nhập”
06.2010
|
Quang cảnh buổi họp nghiệm thu sáng 15/6. |
Sáng 15/6/2010, tại hội trường Sở GDĐT TPHCM, Ban Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình xã hội học tập (XHHT) ở TPHCM giai đoạn hội nhập” đã có buổi làm việc với Hội đồng nghiệm thu.
Trước Hội đồng nghiệm thu, ông Nguyễn Văn Cương - Phó Chủ nhiệm đề tài đã tóm tắt nội dung nghiên cứu. Nhìn chung, đề tài nghiên cứu khoa học “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở TPHCM giai đoạn hội nhập” là đề tài mang tính thực tiễn gắn với hoàn cảnh kinh tế văn hóa – xã hội TPHCM đang ở giai đoạn đầu công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Đề tài đã giải quyết được những nhiệm vụ sau:
1. Giúp làm rõ hơn các khái niệm cơ bản như học tập, XHHT, mô hình XHHT, XHH Giáo dục (GD), GD chính quy, GD thường xuyên, GD phi chính quy, kinh tế tri thức, thiết chế GDĐT và ngoài GDĐT, mối quan hệ giữa kinh tế tri thức và XHHT.
2. Hệ thống hóa tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Hệ thống hóa thiết chế GDĐT của thành phố và cơ chế vận hành của nó cũng như cơ hội học tập của người dân thành phố.
4. Qua khảo sát bằng phiếu hỏi, phỏng vấn (Khoảng 5000 phiếu ở 5 Quận, Huyện được chọn làm điểm) các đối tượng là người dân thành phố; Cán bộ (CB) lãnh đạo, quản lý chính quyền và GDĐT; đi thực tế cơ sở và qua 2 cuộc hội thảo rút ra nhận định về: + Nhận thức và hành động của những người có trọng trách trong xây dựng XHHT ở cơ sở, Quận Huyện. + Trình độ học vấn, nhu cầu đi học; nội dung cần học; những khó khăn gặp phải khi đi học, hình thức học tập… của thành phần dân cư thành phố như: nông dân, công nhân, cán bộ công chức – viên chức, lao động tự do, chưa có nghề nghiệp, sinh viên… + Những khó khăn cần được đề xuất giải quyết ở tầm vĩ mô về cơ chế chính sách, về pháp luật để phát huy tiềm năng của cả xã hội để xây dựng XHHT ở TPHCM giai đoạn 2010 – 2015.
5. Qua hoạt động xây dựng XHHT ở 5 Quận (Huyện) được chọn đã phát hiện, củng cố mô hình cấu trúc tổ chức và hoạt động để có thể nhân rộng ra như: phát huy các hình thức khuyến học khuyến tài; xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ); khuyến khích cá nhân, tổ chức tham gia tổ chức cung ứng cơ hội học tập cho người dân. Từ thực tiễn ở 5 Quận (Huyện) đúc kết và đề xuất mô hình chung để kiến nghị, nhân rộng cho toàn thành phố.
Các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đánh giá cao những nội dung nhóm nghiên cứu đã thực hiện trong thời gian qua. Nhìn chung, đề tài có tính khoa học cao, công phu, có trọng tâm, giải quyết được yêu cầu đã đề ra.
Theo TS.Mai Ngọc Luông, đề tài đã đề cập một số cơ sở lý luận về xã hội học tập, học tập suốt đời; nhất là đã nêu được những nét cơ bản của hệ thống tư tưởng học tập suốt đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bài nhận xét của ông Nguyễn Việt Bắc, Ủy viên Hội đồng, có viết: “Các tác giả đã thành công trong việc thu thập nguồn tư liệu và sắp xếp có tính hệ thống, giải đáp các vấn đề lý luận cơ bản về XHHT”…
Bên cạnh đó, Hội đồng nghiệm thu đề tài cũng đóng góp một số ý kiến giúp Ban Chủ nhiệm bổ sung, hoàn chỉnh đề tài. Đồng thời thống nhất cho Ban Chủ nhiệm sửa chữa, hoàn chỉnh đề tài trong vòng 45 ngày trước khi báo cáo với Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM.
Kim Thanh
khuyenhochcm
|