Phát triển nguồn nhân lực CNTT đáp ứng nhu cầu hội nhập
04.2010
|
Ảnh V.A |
Ngày 21/4, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị quốc gia về phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Tại Hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi, bàn biện pháp phát triển nguồn lực công nghệ thông tin (CNTT), chủ yếu tập trung thảo luận làm thế nào để nâng cao chất lượng đào tạo CNTT trong tiến trình hội nhập.
Thống kê sơ bộ cho thấy, cả nước hiện có 35.000 lao động trực tiếp trong lĩnh vực phần mềm, trong đó 95% có chuyên môn CNTT, 20.000 lao động trong các doanh nghiệp nội dung số và dịch vụ CNTT, trong đó 65% có chuyên môn CNTT hoặc điện tử, viễn thông; 100.000 lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp điện tử, phần cứng máy tính; 100.000 lao động trong doanh nghiệp viễn thông; 90.000 nhân lực chuyên trách ứng dụng CNTT trong các ngành nghề;....
Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT) cho rằng: Để thu hẹp khoảng cách cung cầu, đổi mới chương trình đào tạo sát hợp nhu cầu sử dụng nhân lực của doanh nghiệp, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, tăng cường mối quan hệ và trao đổi thông tin giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp bằng việc có đại diện doanh nghiệp trong hội đồng nhà trường, tổ chức doanh nghiệp tham gia và việc phát triển chương trình giảng dạy là các giải pháp căn bản đề đào tạo nhân lực CNTT có chất lượng và hiệu quả.
Ông Quách Tuấn Ngọc, cho biết thêm: Các trường đào tạo CNTT cần chủ động phối hợp với tổ chức, doanh nghiệp CNTT và viễn thông đánh giá các chương trình đang được đào tạo tại cơ sở, điều chỉnh lại nội dung môn học trong khuôn khổ của chương trình khung, cập nhật nội dung mới đưa vào chương trình giảng dạy… Bên cạnh đó, doanh nghiệp CNTT cần phối hợp với các trường thỏa thuận về việc gửi sinh viên đi thực tập và làm luận án tốt nghiệp tại các cơ sở nghiên cứu, sản xuất về CNTT.
Ông Nguyễn Đức Nghĩa, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng: cần đa dạng hóa hình thức đào tạo CNTT. Bên cạnh nguồn đào tạo chính quy, hiện Đại học Quốc gia TP.HCM còn có hình thức đào tạo từ xa qua mạng tin học viễn thông. Đến nay, có khoảng 16.000 học viên theo học. Học viên chỉ học tập trung tối đa 30% thời gian. Việc thi kết thúc môn học được tập trung tại cơ sở đào tạo của trường. Tài liệu học tập được cung cấp cho học viên khá đa dạng: trên web, đĩa CD như bài giảng điện tử; Mbook; băng hình; sách in.
Hiện tại, để nhằm đạt bước đột phá trong đào tạo nhân lực CNTT, Bộ GD-ĐT đã đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp, trong đó trọng tâm là đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp cũng như việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể giai đoạn 2010-2012.
Việt Anh
(Theo dangcongsan.vn) |