TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Trung tâm học tập cộng đồng | Phát triển giáo dục vùng cao
 

 Đánh giá các MHHT 


ĐÁNH GIÁ MÔ HÌNH CDHT

 Công dân Khuyến học 


 Nhà xuất bản Dân trí 

 Hội địa phương 


 


 
Thông tin » Trung tâm học tập cộng đồng 06.2025
Phát triển giáo dục vùng cao
05.2010

Xem hình
Cô và trò trường học vùng cao Pác Nặm vẫn dạy, học trong những lớp tạm
Những khó khăn về kinh tế - xã hội luôn đeo đẳng, ảnh hưởng lớn tới chất lượng giáo dục của các tỉnh miền núi phía bắc. Ðể giáo dục vùng cao có bước tiến mới, bứt phá vươn lên, cần sự chung tay của các cấp, các ngành cùng những giải pháp hữu hiệu. Trước hết, cần chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; khắc phục tình trạng học sinh bỏ học.

Kỳ 1: Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên

Trong hội thảo về nâng cao chất lượng giáo dục các tỉnh miền núi phía bắc mới đây, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) Ðiện Biên Nguyễn Mạnh Quân khẳng định: Giáo viên là lực lượng quyết định sự thành bại của quá trình đổi mới phương pháp dạy và học - nền tảng nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, giáo viên phổ thông vùng cao vẫn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng.

Vừa dạy học vừa vận động đi học

"Chỉ riêng chuyện đường sá đi lại xa xôi, núi đèo cách trở, bất đồng ngôn ngữ, và những phong tục, tập quán lạc hậu khiến các giáo viên nơi đây có quá nhiều lực cản rồi. Việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn với mỗi giáo viên vùng cao lại thêm bài toán không dễ tìm lời giải" - Thầy Hoàng Văn Sắc, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Nhạn Môn, huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) tâm sự với chúng tôi về "nghiệp" gieo chữ của người giáo viên vùng cao. Thầy kể, năm học 2009-2010 này, cả trường có 192 học sinh chia thành 21 lớp, trong đó có bảy lớp ghép rải rác khắp các bản làng heo hút. Do khả năng tiếp thu của học sinh hạn chế, giáo viên vừa dạy vừa phải vận động, dỗ dành các em đến lớp. Nhiều khi, thầy phải leo dốc, đổ đèo hàng chục cây số đến từng nhà vận động các em tới trường. Bên cạnh đó, cứ một hai năm, khi giáo viên cắm bản thông thạo địa bàn, đặc điểm học sinh thì lại phải luân chuyển định kỳ. Cho nên, giờ lên lớp nơi vùng cao vất vả, bộn bề, bảo đảm được số lượng học sinh đến lớp đã là thành công chưa nói đến chuyện nâng cao chất lượng. Phó Trưởng phòng GD và ÐT huyện Mai Sơn (Sơn La) Lê Trung Tấn băn khoăn ở khía cạnh khác: Dù đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo nhưng thực tế năng lực giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn hạn chế, tỷ lệ giáo viên giữa các trường, vùng trong huyện không đồng đều, không cân đối các bộ môn. Trong số hơn 600 giáo viên THCS của huyện vẫn còn 60 giáo viên có trình độ trung cấp.

Không chỉ ở huyện Mai Sơn hay xã Nhạn Môn, thực tế ở các tỉnh miền núi phía bắc, tình trạng giáo viên chưa đạt chuẩn hoặc đạt chuẩn nhưng năng lực hạn chế vẫn còn phổ biến. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, năng lực công tác chưa tương xứng với trình độ đào tạo. Mặt khác, công tác bồi dưỡng tiếng dân tộc cho cán bộ, giáo viên công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Giáo viên giảng dạy thường chỉ chú ý việc truyền đạt kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa mà chưa chú ý đến khả năng tiếp thu của học sinh, không chú ý đến phân loại đối tượng học sinh, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng trong quá trình dạy. Do điều kiện sống khó khăn, một bộ phận giáo viên chưa tâm huyết với nghề, chưa dành nhiều thời gian để tự học, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ... Tại tỉnh Sơn La, trong số hơn 21 nghìn cán bộ, giáo viên vẫn còn 4,7% số giáo viên THCS, 3,2% số giáo viên mầm non chưa đạt chuẩn kiến thức. Tỉnh Bắc Giang, qua các kỳ kiểm tra của ngành giáo dục, tỷ lệ giáo viên đạt yêu cầu (đạt điểm trung bình trở lên) mới chỉ chiếm 87,16%. Ðáng chú ý, tỉnh Cao Bằng có tới 50% số giáo viên đứng lớp được đào tạo theo địa chỉ, làm cho chất lượng tay nghề yếu... Trưởng vùng thi đua giáo dục các tỉnh miền núi phía bắc Trần Xuân Hưng trao đổi ý kiến với chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận: vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, năng lực công tác chưa tương xứng với trình độ đào tạo.

Chất lượng giáo viên nhìn từ hai phía

Những hạn chế của đội ngũ giáo viên là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho chất lượng giáo dục vùng cao chưa được cải thiện. Thực tế thời gian qua, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn đang từng bước được các địa phương và ngành giáo dục thực hiện quyết liệt. Ngành GD và ÐT Bắc Giang tập trung bàn các giải pháp mang tính đột phá trong đổi mới quản lý chỉ đạo với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua việc tổ chức kiểm tra kiến thức giáo viên. Kế hoạch kiểm tra được thông báo ngay trong kế hoạch nhiệm vụ năm học và công khai trên website của ngành. Nội dung kiểm tra tập trung vào kiến thức cơ bản của chương trình cấp học, môn học theo chuẩn kiến thức quy định (chiếm 70%-80%) và kiến thức nâng cao, mở rộng từ kiến thức cơ bản. Mặt khác, phương pháp giảng dạy và vận dụng kiến thức sao cho phù hợp đối tượng, phát huy tính tích cực của học sinh. Kết quả kiểm tra đã chỉ ra được chất lượng thật của đội ngũ giáo viên. Thông qua các kỳ kiểm tra kiến thức đã góp phần tạo thêm động lực để giáo viên tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chống tư tưởng an phận, tự mãn; đồng thời chấn chỉnh nhằm xây dựng tác phong, lề lối làm việc khoa học và những giải pháp mới đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Giám đốc Sở GD và ÐT Bắc Giang Nguyễn Văn Thọ cho biết: Qua kiểm tra, những giáo viên chưa đạt chuẩn phải xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng và sau đó ngành tổ chức kiểm tra lại. Cũng thông qua các đợt kiểm tra này, năm 2010 Bắc Giang đã dành gần một tỷ đồng đầu tư cho việc đào tạo lại, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo.

Tỉnh Ðiện Biên lại có cách làm khác: Các huyện đã tổ chức cho các đơn vị giáo dục vùng thuận lợi và vùng đặc biệt khó khăn kết nghĩa hỗ trợ lẫn nhau. Kết quả của việc làm này mang lại hiệu quả về nhiều mặt. Ngoài việc giúp nhau về chuyên môn, các trường còn tổ chức để học sinh tự nguyện quyên góp giúp học sinh vùng khó khăn, nâng cao ý thức cộng đồng. Thành lập tổ nghiệp vụ của ngành giáo dục hỗ trợ giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và khuyến khích quá trình tự học, tự bồi dưỡng thông qua tổ, nhóm chuyên môn.

Giáo viên luôn giữ vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng GD và ÐT. Ðể thực hiện mục tiêu "muôn thuở" ấy phải vững bước từ "hai chân". Ngành GD và ÐT cần đẩy mạnh công tác bồi dưỡng đội ngũ giáo viên theo từng cấp học, năm học, nhưng đồng thời cũng đặt yêu cầu cao đối với trách nhiệm tự bồi dưỡng của mỗi người thầy cô. Cần khuyến khích và giao nhiệm vụ cho giáo viên giỏi viết các chuyên đề khoa học, chủ nhiệm lớp giỏi viết sáng kiến kinh nghiệm để trao đổi, học hỏi vận dụng ở các cơ sở giáo dục, địa phương và trong toàn ngành. Mặt khác, các cơ sở giáo dục tăng cường sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để giao lưu học hỏi nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, nhất là phương pháp giảng dạy mới cho giáo viên. Ðiều không kém phần quan trọng là, trên cơ sở dự báo nhu cầu về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, mỗi tỉnh, thành phố, các cơ sở giáo dục cần được giao chỉ tiêu đào tạo và cấp ngân sách. Từ đó xây dựng quy hoạch và kế hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có đủ năng lực, trình độ chuyên môn và nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục. Ðồng thời, giữa các địa phương và các cơ sở đào tạo cần tăng cường phối hợp, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

(Còn nữa)

"... Mục tiêu là xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được chuẩn hóa, bảo đảm chất lượng, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đặc biệt chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất, lối sống, lương tâm, tay nghề của nhà giáo; thông qua việc quản lý, phát triển đúng định hướng và có hiệu quả sự nghiệp giáo dục để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...".
(Chỉ thị 40-CT/T.Ư)

(Theo Xuân Kỳ - nhandan ĐT)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 




 Tin mới cập nhật 
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gần dân hơn - học Bác từ điều giản dị nhất
Dòng họ học tập tiêu biểu - dòng họ Huỳnh ở Đồng Tháp
Thái Bình tổng kết công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2020-2025
Khuyến học - Hành trình tri thức: Tri thức cộng đồng
Thái Bình tổ chức Hội thảo “Nhà bác học Lê Quý Đôn – Di sản trí tuệ Việt Nam”
Hội Khuyến học tỉnh Hoà Bình bàn giao 2 khu "nhà khuyến học" - nhà ở công vụ cho trường học
Dòng họ Mùa khơi ngọn lửa tri thức miền biên viễn
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan dự lễ trao học bổng Samsung Thái Nguyên cho 122 học sinh giỏi quốc gia
Hà Nam: Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội thảo Khuyến học xanh
Khuyến học - Hành trình tri thức: Hành trang học tập suốt đời
Người phu chữ một đời làm khuyến học
Tp Hồ Chí Minh: Vinh danh 'Mỗi Chi hội khuyến học – Một gương điển hình người lớn vượt khó học tập, học tập suốt đời'
Cụm thi đua khuyến học các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức giao ban
Hội Khuyến học Việt Nam và Khan Academy Vietnam thúc đẩy bình dân học vụ số
Hội Khuyến học Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Mở Hà Nội
Hà Nội biểu dương gương sáng cán bộ khuyến học tiêu biểu nhiệm kỳ 2020-2025
Tư tưởng Hồ Chí Minh về 3 quan điểm giáo dục vận dụng trong bối cảnh hiện nay
Học tập Bác làm một đảng viên tốt trong kỷ nguyên mới
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - yêu cầu mới trong kỷ nguyên mới
Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức tọa đàm Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

 Tiêu điểm 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về 3 quan điểm giáo dục vận dụng trong bối cảnh hiện nay
Hà Nội biểu dương gương sáng cán bộ khuyến học tiêu biểu nhiệm kỳ 2020-2025
Khuyến học - Hành trình tri thức: Hành trang học tập suốt đời
Hội Khuyến học Việt Nam ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Mở Hà Nội
Hội Khuyến học Việt Nam và Khan Academy Vietnam thúc đẩy bình dân học vụ số
Cụm thi đua khuyến học các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên tổ chức giao ban
Tp Hồ Chí Minh: Vinh danh 'Mỗi Chi hội khuyến học – Một gương điển hình người lớn vượt khó học tập, học tập suốt đời'
Người phu chữ một đời làm khuyến học
Khuyến học - Hành trình tri thức: Tri thức cộng đồng
Hà Nam: Hội Khuyến học tỉnh tổ chức Hội thảo Khuyến học xanh


Thời gian mở trang: 0.137 giây. Số lần truy cập CSDL: 9
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.