Tuyên Quang: Lớp học “vỡ lòng” tuổi 50
10.2009
|
Cô giáo Thêm đang cầm tay luyện chữ cho học trò. |
Tranh thủ thời gian nghỉ trưa sau công việc đồng áng, chị em phụ nữ dân tộc Dao (thôn Văn Nham, xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên) lại rủ nhau đều đặn đến lớp để “nhặt chữ” - thứ mà một thời đã bị cho là "xa xỉ" vì cái đói nghèo, lạc hậu.
Lớp học “Xoá mù chữ Văn Nham” với 25 học viên đều là chị em trong thôn, có độ tuổi từ 25 đến 50, được khai giảng vào ngày 16 và học chính thức từ ngày 20/7/2009, tại phòng học lớp 1, trường Tiểu học Hùng Vân. Để thời gian học không ảnh hưởng đến công việc của các chị, lớp học được duy trì đều đặn 4 buổi/tuần (thứ 3, 4, 6, 7) từ lúc 12h30 đến 14h30.
Cô giáo phụ trách lớp Nguyễn Thị Thêm - người có hơn 30 năm dạy học cho biết, có tới 2/3 các chị em học viên là mù chữ còn lại là tái mù chữ nên công việc lên lớp gặp rất nhiều khó khăn từ học thuộc bảng chữ cái, tập tô, tập viết, ghép vần, làm tính...
Học sinh Tướng Thị Vinh (50 tuổi) vừa háo hức khoe điểm 10 chính tả vừa tâm sự với chúng tôi: “Nhà nghèo, lại đông anh em nên từ nhỏ đã phải theo bố mẹ đi nương cả ngày mà cái bụng vẫn đói chứ làm gì dám mơ được đi học. Khi vừa nghe nói sắp có lớp dạy chữ tại thôn là cô rủ thêm mấy chị em nữa đến ngay nhà bác Trưởng thôn đăng ký”.
Chị Vi Thị Thuận (40 tuổi), một trong những học sinh khá của lớp học (theo đánh giá của cô giáo - PV) chia sẻ: “Ngoài giờ học tại lớp, mỗi tối ở nhà mình lại bảo ông xã và con gái dạy thêm, học thấy hiểu bài lại càng làm mình ham học hơn.
Giờ đi chợ bán yến thóc, con gà... không phải nhờ người khác tính hộ nữa. Hôm trước lên Ngân hàng vay vốn về sản xuất đã tự ký được tên mình không còn phải điểm chỉ như trước nữa...”.
Chứng kiến cảnh các chị em chăm chú, say mê vừa đọc vừa tập viết theo cô giáo tôi lại càng đồng tình với lời nhận xét của cô Thêm về “các trò” của mình: “Các chị ấy có ý thức học rất tốt”.
“Khi được Ban thường vụ Hội phụ nữ xã phân công phụ trách lớp học mình vui vẻ đồng ý ngay phần vì mình có chuyên môn giảng dạy phần là vì mình thấu hiểu được nỗi khổ của chị em không biết chữ” - cô Thêm tâm sự.
Với phụ cấp xăng xe 300.000 đồng/tháng cho cô giáo, hỗ trợ 2 quyển vở cho “các trò” trích từ nguồn quỹ ít ỏi của Hội phụ nữ xã nhưng lớp học vẫn được duy trì đều đặn và đạt được mục tiêu là giúp chị em có thể đọc, viết và làm những phép toán đơn giản phục vụ đời sống hàng ngày.
Thế mới biết sự học bắt đầu ở bất cứ độ tuổi nào cũng không bao giờ muộn…!
Bài, ảnh: Kỳ Dao
(Theo dantri.com.vn) |