XÃ THẠNH AN TUYÊN DƯƠNG GIA ĐÌNH HIẾU HỌC

Đăng lúc: Thứ năm - 21/04/2011 15:44 - Tác giả bài viết: Hội Khuyến học Vĩnh Thạnh
XÃ THẠNH AN TUYÊN DƯƠNG GIA ĐÌNH HIẾU HỌC

XÃ THẠNH AN TUYÊN DƯƠNG GIA ĐÌNH HIẾU HỌC

Xã Thạnh An là một xã vùng sâu thuộc huyện Vĩnh Thạnh, kinh tế chính là sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Dân số 8.405 khẩu với 2.134 hộ, trong đó 132 hộ nghèo chiếm tỷ lệ 6,18%. Xã có 13 chi hội khuyến học gồm 7 chi hội ấp, 5 chi hội trường học và 1 chi hội cơ quan, số học sinh trong xã thống kê được: tiểu học: 653 em; THCS: 320 em; THPT: 515 em; sinh viên đang theo học ở các trường: 400 sv.

Vào ngày 15 tháng 4 năm 2011 Hội Khuyến học xã tổ chức Tuyên dương gia đình hiếu học trong xã có sự hiện diện gần 70 đại biểu gồm: Hội Khuyến học huyện Vĩnh Thạnh, Bí thư Đảng ủy, phó CT. UBND xã, một số ban ngành đoàn thể xã và đại diện 37 GĐHH cùng 1 số học sinh tham dự.

Ngoài phần hình thức như tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đại biểu nghe báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động của hội Khuyến học, gia đình hiếu học và Trung tâm học tập cộng đồng của xã, kế tiếp là tham luận của 01 gia đình hiếu học: ông Hoàng Đức Thắng ấp F1 có 3 con đang đi học phát biểu trong tham luận “Tôi luôn ý thức được: muốn có cuộc sống ấm no thì phải có kiến thức, muốn có sự nghiệp thì cần phải học, muốn hiểu biết được về xã hội và hòa nhập với cộng đồng thì phải biết thông tin hàng ngày, và tôi cũng hiểu rằng kiến thức là 1 tài sản vô giá, sức khỏe là cuộc sống của con người, cả 2 đều rất quan trọng và có sự mật thiết với nhau. Nếu mọi người có đủ 2 yếu tố đó cùng với nghị lực thì chăc chắn sẽ thành đạt trong cuộc sống. Riêng gia đình ông với những khó khăn chồng chéo khó khăn, mặc dù chúng tôi đã tần tảo xoay vần đủ cách nhưng vẫn không thể đủ để nuôi các cháu học tại các trường đại học. Song nhờ có công tác khuyến học ở địa phương, hội Khuyến học đã vận động và hội viên giúp mỗi người cho vay một ít, cùng anh em dòng họ giúp đỡ. Kết quả đã được bù đắp hiện con lớn đang học năm thứ 2  Đại học Công nghiệp Tp. HCM; con thứ 2 học trường chuyên lý Thoại Ngọc Hầu, Long xuyên; con thứ 3 đang học tại xã”. Ông nói đây là niềm tự hào, niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình chúng tôi.

Tiếp theo là phần trao Giấy chứng nhận cho 37 GĐHH và tuyên dương khen thưởng 07 GĐHH tiêu biểu, đồng thời phát quà cho 14 học sinh nghèo vượt khó.

Cuối cùng là phần phát biểu của các cấp lãnh đạo:

- Ông Phạm Ngọc Trác - Chủ tịch hội Khuyến học huyện: Nói về ý nghĩa, mục đích của công tác khuyến học, tổ chức gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học để tiến tới xã hội học tập.

- Ông Trần Minh Trung - Bí thư Đảng ủy xã: khẳng định còn nhiều GĐHH nhưng vì tổ chức lần đầu, hơn nữa điều kiện không gian hội trường không cho phép nên số GĐHH bị hạn chế. Tiềm lực còn nhiều, hội Khuyến học xã chưa vận dụng phát huy nên kết quả còn hạn chế.

Trong hội nghị Tuyên dương GĐHH xã Thạnh An, linh mục Đỗ Minh Hiến giáo xứ Hiếu Hiệp ấp H1 gởi tặng 500 cuốn tập và 01 bài viết đến hội nghị để chia xẻ:

KHUYẾN HỌC – KHUYẾN TÀI

Linh mục Đỗ Minh Hiến

Sách Tam Tự Kinh có dạy: “ Ngọc bất trắc bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý.”( Hòn ngọc mà không giũa không thành được đồ dùng. Người mà không có học, không biết được lẽ phải).

Nhân loại phát triển được như ngày hôm nay không đi con đường nào khác ngoài con đường học tập và nghiên cứu không ngừng. Các nền văn minh cổ đại, các công trình khoa học kỹ thuật tân tiến hiện đại, tất cả chính là thành quả của quá trình giáo dục không ngừng. Đó là quy luật phát triển của nhân loại hay của bất kỳ quốc gia, dân tộc và cá nhân nào. "Muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài." Tự ngàn xưa điều ấy tất cả các dân tộc đều biết. Chẳng có một dân tộc nào tồn tại cho đến ngày nay lại không quan tâm chính yếu đến việc trau dồi tri thức, nâng cao và tìm kiếm tri thức không ngừng. Muốn làm chủ đất nước và bản thân, muốn phát triền xã hội điều quan trọng trước tiên là chú trọng nâng cao hệ thống giáo dục. Gia đình quan tâm, xã hội quan tâm, cá nhân quan tâm đến giáo dục thì chúng ta sẽ phát triển.

Nếu chúng ta muốn con em mình làm chủ được bản thân, số phận và cuộc đời của chúng thì không có con đường nào khác ngoài việc học tập, học thầy, học bạn, học không biết mệt mỏi. Bởi vì "ai làm chủ giáo dục có thể thay đổi thế giới." (Leibniz). Người nào biết tự học và học không biết mệt mỏi người ấy sẽ biến đổi số phận của mình cũng như sẽ biến đổi thế giới này. Các em có muốn thay đổi số phận của mình không, có muốn trở thành người tốt, hữu ích cho gia đình và xã hội không, hãy học tập, đó là con đường tốt đẹp mà cha ông ta và biết bao nhiêu người tài giỏi đã đi qua. Ngạn ngữ Trung Quốc có câu "Bé chẳng học, lớn làm gì?" Ngạn ngữ Nga thì nói, "Bộ lông làm đẹp con công, học vấn làm đẹp con người." Chúng ta khác con vật chính là vì ta đã biết khoác lên người ta bộ lông đẹp đẽ ấy. Nếu thiếu tri thức ta chỉ còn biết cặm cụi qua ngày chẳng khác gì con vật đi kiếm ăn.

Các bậc phụ huynh cùng toàn thể thầy cô kính mến.

Trang Tử có nói "Đời sống có hạn mà sự học thì vô hạn." Đời này có vô vàn những thứ ta cần phải học, ta học ở trường học, ta học ở trường đời, ta học nơi thiên nhiên và ta học nơi con người. Vì vậy cần phải học, học nữa, học mãi như Lê-nin đã nói. Bởi vì "học tập là hạt giống của kiến thức, kiến thức là hạt giống của hạnh phúc. Hạnh phúc là giấc mơ và động lực cho đời sống con người." Chính vì vậy, "mục tiêu của giáo dục không phải chỉ là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện để đạt được hạnh phúc."

Một người không có ý chí cố gắng muốn vươn lên những tầm cao mới của tri thức thì không thể học và làm được gì. Thầy cô là những người chỉ ra cho chúng ta những con đường khác nhau để tìm kiếm tri thức. Chính yếu là tự bản thân của ta phải có ý chí tự học và tự vươn lên. Thế hệ sau phải giỏi hơn, tiến xa hơn thế hệ trước thì xã hội đất nước chúng ta mới phát triển cao hơn được. Tuy nhiên, nếu gia đình là mái trường đầu tiên không quan tâm đến giáo dục con em mình thì ai sẽ quan tâm. Gia đình quan tâm giáo dục con cái trưởng thành, nhà trường và xã hội cộng tác chắp cho các em đôi cánh để bay vút lên trời xanh bao la.

Ngạn ngữ Trung Quốc có viết rằng, "một gánh sách không bằng một người thầy giỏi." "Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học". Người thầy chính là nền tảng của tất cả mọi sự phát triển. Cá nhân, dân tộc, và toàn thể nhân loại này đứng thẳng được là do công sức của biết bao người thầy đã từng không ngừng tìm kiếm tri thức, lưu truyền và phổ biến tri thức cho các thế hệ sau. Người thầy chính là người quản gia bảo quản kho tàng nhân loại, kho tàng ấy chính là tri thức. "Giáo dục như ánh thái dương phản chiếu cả đến những gian nhà cỏ thấp bé, mái tranh của con nhà nghèo." Thầy cô chính là người phân phát kho tàng vô giá ấy cho những con người bé nhỏ, đơn sơ. Thầy cô là những người soi sáng tâm hồn và trí óc cho các thế hệ sau này của chúng ta. Tục ngữ Việt Nam có câu "Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy." Vì thế "không thể trồng cây ở những nơi thiếu ánh sáng, cũng không thể nuôi dạy trẻ với chút ít nhiệt tình."

Vì đất nước quê hương, vì tương lai của nhân loại và của mỗi người, kính chúc tất cả quý thấy cô tràn đầy nhiệt huyết trên con đường giáo dục. Chúc các em học sinh hăng hái làm giàu kho tàng kiến thức cho bản thân mình và cho xã hội. Chúc gia đình mọi người có những con ngoan trò giỏi và hữu ích. Chúc tất cả chúng ta thành công.

 

 

  

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lời nói đầu

Lời nói đầu Được thêm vào: 20:55 ICT Thứ ba, 30/11/2010 Thực hiện chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội...

Thăm dò ý kiến

Có nên ra đời tờ Tạp chí Khuyến học

Cần thiết

Không cần

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 35
  • Hôm nay: 132
  • Tháng hiện tại: 368353
  • Tổng lượt truy cập: 12829650