KHUYẾN HỌC-KHUYẾN TÀI-KHUYẾN ĐỨC

Đăng lúc: Thứ tư - 09/02/2011 10:25 - Tác giả bài viết: HOÀNG VĂN LUYỆN
Bài chia sẻ của Linh mục Hoàng Văn Luyện giáo xứ Môi Khôi xã Thạnh Quới với ngày họp mặt sinh viên huyện Vĩnh Thạnh

KHUYẾN HỌC  – KHUYẾN TÀI – KHUYẾN ĐỨC

Một đất nước muốn phát triển nhanh và mạnh trong thế kỷ 21 này, phải tùy thuộc vào nền kinh tế tri thức. Trong đó, con người là trọng tâm và mặt bằng dân trí là yếu tố quyết định cho một đất nước đi lên về mọi phương diện.

Khởi đi từ chân lý này, chính sự nghiệp giáo dục của Nước nhà: khuyến học, khuyến tài đã đang được hình thành và phát động trên khắp mọi miền đất nước, nhất là tại các vùng sâu vùng xa.

Tuy nhiên, giáo dục con người không chỉ dừng lại ở tri thức, mà còn phải vươn lên và đạt đến tầm cao của đạo đức làm người. Ngoài sức mạnh tri thức, con người còn có một sức mạnh tinh thần, đó là đạo đức. Đây là vùng đất đầy tiềm năng, cần được khám phá để con người sống làm người đúng nghĩa. Cái Đức chính là mảnh đất tốt làm cho những tài năng con người được sống lâu dài và phát triển bền vững. Cái Đức sẽ truyền cảm hứng cho những sáng tạo của các nhân tài, nhằm phục vụ lợi ích chung cho nền hòa bình nhân loại. Đó cũng là chủ trương của Huyện hội Khuyến học Vĩnh Thạnh: khuyến Học, khuyến Tài và khuyến Đức. Thực vậy, khuyến Đức chính là đỉnh cao trong việc kiện toàn tiến trình “Học Làm Người” của mỗi một con người, đặc biệt cho lớp người trẻ, trong đó có các Sinh viên Học sinh, để trở thành những người tài đức mà một đất nước đang trên đà phát triển như Việt Nam hiện nay rất cần. Lời kêu gọi này phải được toàn dân tham gia thực hiện cách chủ động và tích cực. Nếu được vậy, chúng ta đang cùng nhau góp phần tháo gỡ những ách tắc trong cuộc sống về mặt đạo đức nơi thế hệ trẻ đang xuống cấp mà các nhà giáo dục đã lên tiếng báo động.

Ngoài ra, khuyến Đức cũng còn là vốn quý về nhân lực của tương lai Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Hoặc nói cách khác, Khuyến Đức chính là cái hồn của khuyến học. Nó tô đậm thêm mỗi ngày và làm cho câu châm ngôn “Tiên học Lễ, hậu học Văn” luôn hiện thực trong cuộc sống con người.

Ta cùng nhau nhìn lại: một em bé được mẹ sinh ra, thân nhân đến chúc mừng và mong cho em sau này được ‘nên người’. Rồi khi đưa con đến trường, cha mẹ gửi con cho thầy cô cũng ước mong thầy cô dạy dỗ con mình cho ‘nên người’. Giờ đây, khi đã có được sự hiểu biết, các bạn phải góp phần mình để nên người tài đức thực sự hữu ích cho xã hội sau này. Tương lai đang ở trong tay các bạn. Nếu các bạn có tâm hướng thượng và nhiệt tình với sự nghiệp giáo dục mà chính các bạn đang được ưu đãi bởi Quý ân nhân giúp đỡ và những vị có tâm huyết trong Huyện hội Khuyến học Vĩnh Thạnh đồng hành, thì các bạn hãy biến ước mơ của Huyện Hội thành hiện thực nơi chính bản thân các bạn. Vì điều tốt đẹp sẽ tạo ra những thay đổi tích cực nhờ tâm hướng thượng. Không phải chỉ có khả năng về tri thức là đủ, mà còn phải lựa chọn sống đúng với phẩm chất của một người đạo hạnh: biết yêu công bằng và trọng nhân ái.

Mong rằng đừng có ai trong các bạn Sinh viên Học sinh tự nghĩ: thực hành khuyến Đức sẽ chỉ là ngôi sao cô đơn trong bầu trời con người. Nhưng nếu mỗi bạn biết thắp lên cho cuộc đời mình một điểm sáng về Đức, thì cả bầu trời tại địa phương Huyện Vĩnh Thạnh sẽ rực sáng lên những vì sao Tài Đức. Quê hương đang chờ câu trả lời thiết thực của các bạn. Điều này có thể là một thách đố đối với các bạn, vì các bạn phải kiên tâm lội ngược dòng chảy, khi mà có nhiều người sống chỉ chủ trương lấy lợi nhuận vật chất làm quan trọng.

Như  một lời kết, sự nghiệp giáo dục được ví  như việc xây dựng một công trình trọng điểm của  Đất Nước, cần được những ai có tâm huyết tiếp tục hoàn thiện mỗi ngày. Đồng thời, chủ trương của Huyện hội Khuyến học Vĩnh Thạnh: khuyến Học, khuyến Tài và khuyến Đức cần được nhân rộng lên. Và khi được nhiều người đồng tình thực hiện với quyết tâm cao, thì chúng ta có quyền hi vọng một tương lai tươi sáng cho Huyện nhà và đi lên cho Đất Nước. Vì chính chúng ta đang cùng nhau đưa chủ trương lên đúng với vị trí của nó trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo thế hệ trẻ cho tương lai./.

Tác giả bài viết: HOÀNG VĂN LUYỆN
Nguồn tin:
Từ khóa:

n/a

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lời nói đầu

Lời nói đầu Được thêm vào: 20:55 ICT Thứ ba, 30/11/2010 Thực hiện chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội...

Thăm dò ý kiến

Có nên ra đời tờ Tạp chí Khuyến học

Cần thiết

Không cần

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 39
  • Khách viếng thăm: 28
  • Máy chủ tìm kiếm: 11
  • Hôm nay: 10048
  • Tháng hiện tại: 378269
  • Tổng lượt truy cập: 12839566