TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Gương sáng khuyến học & GD | Chuyện cổ tích về cô giáo da cam
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Gương sáng khuyến học & GD 04.2024
Chuyện cổ tích về cô giáo da cam
08.2009

Xem hình
Thầy giáo chúc mừng Nga đã hoàn thành khoá học Thạc Sỹ
Nhìn Nga trên bục giảng của trường Đại Học, người ta không thể tưởng tượng rằng cô giảng viên trẻ tài năng ấy đã phải trải qua một tuổi thơ đầy bất hạnh. Nga là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Cuộc đời Nga như một câu chuyện cổ tích thời hiện đại được viết bằng niềm tin, nước mắt và sự nỗ lực không ngừng.

Bi kịch

Chiến tranh kết thúc, ông Đồng Kim Lý xuất ngũ trở về quê hương ở thôn Phù Ninh, xã Phù Lưu, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng và lập gia đình với người hàng xóm là Nguyễn Thị Phương. Trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Đồng Kim Lý đã nhiễm chất độc màu da cam điôxin do kẻ thù rải xuống nước ta. Khi vợ ông sinh đứa con đầu lòng thì đau khổ thay nó là một quái thai. Đứa bé ấy không có mắt, không mũi, không miệng. Vợ ông dường như không tin vào mắt mình, bà đã đau đớn mà ngất đi. Chẳng bao lâu sau khi cất tiếng khóc chào đời, hài nhi ấy đã tử vong.

Nén lại nỗi đau, năm 1980, bà Phương mang thai lần thứ hai và sinh ra một bé gái, nhưng đó lại là một hài nhi không bình thường. Toàn thân bé được bao bọc bởi một lớp da sần sùi, xếp chồng lên nhau như vảy cá, nứt nẻ, rỉ nước vàng lở loét, da đen xẹm, đầu trọc lốc và mưng mủ bốc mùi rất khó chịu. Tiếng khóc của con khiến cho bà Phương không thể dằn lòng. Thương con bà đã đem bán tất cả của cải trong nhà, tìm đủ mọi phương thuốc để chữa trị cho con nhưng căn bệnh quái ác ấy không hề thuyên giảm. Nó khiến cho vợ chồng ông Lý lâm vào hoàn cảnh khánh kiệt.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, bà Phương lại hạ sinh thêm năm lần nữa, nhưng trong đó bốn lần ông Lý phải đem chôn những đứa con không thành hình của mình. Vì chưa hiểu được tác hại của di chứng chất độc màu Da cam, ông Lý đã đổ tội cho bà Phương là “ăn ở thất đức nên trời trừng phạt”. Từ đó ông lao vào rượu chè, đánh chửi bà Phương và đập phá đồ đạc. Sau 9 năm chung sống với bà Phương, chán chường, ông Lý đã viết đơn ly dị vợ. Bà Phương vì quá đau khổ và uất ức nên đã ký vào đơn. Thương con, thương thân mình, đêm đêm không khóc mà nước mắt của bà cứ rớt xuống gò má.

Hành trình tìm đến tri thức

Thấm thoắt Nga đã lên 6 tuổi. Không có cha bên cạnh, tuổi thơ của Nga là những tháng ngày côi cút đến tội nghiệp. Nhìn bạn bè đến trường, cô bé cũng muốn được như các bạn. Để thoả lòng con, bà Phương mua sắm dụng cụ học tập để Nga được đi học. Ngày đầu đến trường, bạn bè đã không có tình cảm với Nga, họ nhìn Nga với sự kỳ thị, cay nghiệt khiến thầy giáo chủ nhiệm không giám nhận cô vào lớp. Dắt con về nhà mà lòng người mẹ đau như xé, những giọt nước mắt lại rơi để vợi bớt điều không thể nói bằng lời. Bà đã trở thành cô giáo bất đắc dĩ của Nga. Với sự hướng dẫn tận tình của mẹ, lên 7 tuổi, Nga đã đọc thông viết thạo. Một lần nữa, bà Phương lại đến trường, tiếp tục xin cho con được đi học. Xúc động trước sự kiên trì của người mẹ bất hạnh, ban giám hiệu đã nhận Nga và cho đặc cách vào học lớp 2. Cô bé reo lên sung sướng và rất chăm chỉ học tập. Nhưng giữa một tập thể, Nga vẫn trở nên cô độc và bơ vơ trước sự xa lánh của của bạn bè cùng lớp. Rồi một ngày mưa phùn gió bấc, cô giáo Hiệu trưởng phải gọi bà Phương lên để thông báo việc có một số phụ huynh viết đơn mong nhà trường đình chỉ học tập đối với Nga, vì họ lo sợ con họ sẽ bị lây nhiễm căn bệnh kỳ quái ấy. Bà Phương đã quỳ xuống van xin “Tôi xin cô, cô đừng đuổi học con tôi. Không cho cháu cái chữ để kiếm cái nghề, sau này tôi chết đi cháu nó sinh sống bằng gì hả cô?”. Với tấm lòng nhân ái của một nhà giáo, cô Giáng Hương đã bảo lãnh cho Nga tiếp tục học tập.

Cuộc sống khó khăn, bà Phương phải rời quê, mang con lên thành phố kiếm sống. Nga bắt đầu làm quen với môi trường sống và những người bạn mới. Sau đó ít lâu, bà Phương tái giá với người đàn ông goá vợ đã có 4 con riêng. Bên tổ ấm mới, hạnh phúc đã trở lại với bà Phương, rồi bà lần lượt sinh ra những người con hoàn toàn bình thường. Bên cạnh việc làm kế toán cho ngành lương thực ở Thuỷ Nguyên- Hải Phòng, bà Phương còn xoay nhiều việc khác như: nuôi lợn, làm đá lạnh, làm kem, giao gạo… để kiếm thêm đồng ra đồng vào. Nga đã tự nhủ phải học tập tốt để báo đáp công ơn của mẹ và cha dượng.

Năm 1998, Đồng Thị Nga tốt nghiệp loại giỏi Trường THPT năng khiếu Trần Phú. Sau đó, cô bé muốn tiếp tục được học đại học nên xin phép mẹ lên Hà Nội để ôn thi. Trong cái nắng hề oi bức, ngột ngạt của căn nhà trọ nơi đất khách, bệnh của Nga ngày càng trầm trọng hơn, mụn sùi lên, móng chân móng tay nứt nẻ, rỉ máu. Thương con, bà Phương phải bỏ dở công việc để lên chăm sóc con. Sau những tháng ngày miệt mài đèn sách, không phụ công mẹ, Nga đã đỗ 2 trường: Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Công đoàn.

Hồi kết có hậu

Do sức khoẻ không đảm bảo, Nga đành phải từ bỏ việc học ở trường mà cô yêu thích. Đó cũng là thời điểm Trường đại học Dân lập Hải Phòng tuyển sinh khoá đầu tiên, bà Phương liền đến nộp nguyện vọng 2 cho con. Thấy hoàn cảnh và sự nỗ lực của Nga, Giáo sư, tiến sỹ, nhà giáo ưu tú Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng nhà trường đã nhận Nga vào lớp Quản trị kinh doanh khoá 1998- 2002. Dù đã là sinh viên đại học, nhưng Nga vẫn không tránh khỏi ánh mắt kỳ thị và xa lánh của các bạn cùng lớp. Trong khi các bạn bè tung tăng với những bộ quần áo mới, kiểu tóc thời trang thì lúc nào Nga cũng mặc quần dài, áo dài tay kín cổ, mái tóc dài để che đi dị tật trên cơ thể. Sau giờ học trở về nhà, hai mẹ con lại ngồi ôm nhau mà khóc.

Đầu năm 1998, thầy Nghị nhận được 2 bức thư không ghi tên người gửi. Sau khi đọc xong 2 bức thư đặc biệt đó, ông mới biết bức thư thứ nhất của một nam sinh học cùng lớp với Nga. Hàng ngày chứng kiến cảnh Nga bị châm chọc, mặc dù rất thương, nhưng cậu không đủ dũng khí để đứng ra bảo vệ cô. Bức thư thứ 2 là lời sám hối của một người đàn ông với những dòng như sau: “Thưa ông! Tôi là một người bất hạnh. Tôi cam đoan với ông rằng, đời tôi là một vở kịch có hồi kết đau thương nhất. Bất hạnh này, một phần do chính tôi gây ra. Tôi đã hành hạ vợ tôi và bỏ cô ấy một cách tàn nhẫn vì nghi ngờ cô ấy ăn ở thất đức nên mới sinh ra những đứa con dị dạng. Bây giờ thì tôi vô cùng ân hận và đau khổ vì biết đích xác mình đã bị nhiễm chất độc màu da cam. Thưa ông! Con gái tôi đang học ở trường Đại học do ông làm hiệu trưởng. Cháu bị nhiễm chất độc màu da cam. Các bạn trong lớp không hiểu nên sợ hãi và xa lánh cháu. Có bạn còn đề nghị đuổi cháu ra khỏi lớp. Ông ơi tôi van ông, ông hãy giúp con tôi để cháu yên tâm học tập. Nó là niềm hy vọng cuối cùng của cuộc đời tôi...”.

Những dòng thư trên đã khiến thầy Nghị thật sự xúc động. Cảm phục trước sự vươn lên của cô học trò ấy, thầy quyết định miễn toàn bộ học phí trong 4 năm học (khoảng 10 triệu đồng) cho Nga. Cuối năm học thứ nhất, Nga là một trong ba sinh viên xuất sắc nhất trường với điểm tổng kết 7,6 và nhận được học bổng khuyến khích của trường là 800.000đ. Với tấm lòng nhân ái, Nga đã trích 300.000đ để ủng hộ đồng bào lũ lụt ở miền Trung. Rồi Nga được tín nhiệm bầu làm lớp phó học tập của lớp Quản trị kinh doanh 206 từ đầu năm thứ 2 cho đến hết khoá học.

Tháng 7 năm 2002 Nga tốt nghiệp loại giỏi Trường đại học Dân lập Hải Phòng, tháng 12/2002 Nga được nhà trường nhận vào làm giảng viên, đồng thời cô cũng là người đầu tiên của trường đủ tiêu chuẩn cử đi du học ngành Kế toán kiểm toán ở Trường đại học Charler Stus (Malaysia) với học phí khoảng 9.000USD. Trước lúc Nga lên đường, bà Phương nói với con gái: “Mẹ rất hạnh phúc và thầm cảm ơn ông trời đã cho mẹ sinh ra con. Mỗi người có một số phận khác nhau. Nhưng con đừng ỷ lại để trông chờ hay chùn bước. Hãy biết lo lắng cho mình, biết thương mình. Nếu con không hợp với khí hậu nơi đó, con về với mẹ, không ai trách con đâu”.

Khi nhận xét về Nga, thầy Hoàng Xuân Thung- Phó bí thư Đảng Uỷ - Trường Đại học dân lập Hải Phòng rớt nước mắt “Nga là một sinh viên mẫu mực trong ý chí chiến đấu chống bệnh tật và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, trong học tập và là niềm tự hào của nhà trường đối với nhiều thế hệ sinh viên sau này”. Thầy Thung còn cho biết thêm “Có thể nói Nga là người không may mắn do di chứng của chiến tranh để lại, nhưng Nga lại là người rất may mắn so với những nạn nhân khác của chiến tranh. Chỉ có thể qua cuộc sống Nga mới nhận biết được sự may mắn của chính mình”.

Với ý chí chiến đấu chống lại bệnh tật, vươn lên học tập, ngày 18/4/2003 Nga đã được nhà trường kết nạp vào hàng ngũ của Đảng.

Đằng sau sự thành công của Nga, ngoài sự cố gắng của bản thân, còn có bóng dáng tảo tần của người mẹ, sự dìu dắt của thầy cô. Có thể nói Nga giống như một cây xương rồng xù xì mọc trên xa mạc nhưng đã nở hoa thơm cho đời. Cô đã bước qua ranh giới của khổ đau, nước mắt và mặc cảm để chiến thắng định mệnh khắc nghiệt.

Nga cho biết “Để có được ngày hôm nay em, em rất cảm ơn cuộc sống này. Cảm ơn mẹ, dượng em, các thầy cô đã tận tình dạy dỗ và tạo điều kiện cho em được học tập và cống hiến, những người đã đem đến cho em ánh sáng, đem đến cho em cuộc đời hôm nay”. Hạnh phúc hơn nữa là ngày 27/3/2009 Nga đã lập gia đình với Tưởng, một người bạn từ thời niên thiếu. Đồng thời Nga cũng được bố mẹ, chồng và gia đình nhà chồng hết sức thông cảm và yêu quý. Trước khi kết hôn, bố chồng Nga đã nói với bố mẹ Nga rằng “Đời không cho ai tất cả và cũng không lấy của ai tất cả”. Chỉ với một câu nói đó, Nga đã tìm được một bến đậu an toàn trong vòng tay nhân ái của những người làm cha mẹ. Chia tay với các thầy cô của trường Đại học dân lập Hải Phòng trong một chiều nắng gắt, tôi thầm chúc cho cuộc sống, hạnh phúc của Nga sẽ tròn như vầng trăng cổ tích.

Đăng Hùng- Đức Anh

(Theo giaoducthoidai.vn)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.211 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.