TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Gương sáng khuyến học & GD | Tấm lòng ông giáo
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Gương sáng khuyến học & GD 04.2024
Tấm lòng ông giáo
07.2009

Xem hình
Vợ chồng thày Lê Công Diễn
Hôm đón nhận Huân chương Lao động hạng ba tại nhà khách UBND tỉnh, báo cáo kết quả hoạt động của Hội khuyến học tỉnh Nghệ An có đoạn viết: “Ông Lê Công Diễn ở xã Tân An, huyện Tân Kỳ đã hiến hơn 10.000m2 đất giúp mở rộng Trường THCS Tân An”. Cả hội trường lúc ấy... giật mình! Dám hiến cả diện tích đất có lẽ rộng bằng khuôn viên nhà khách UBND mà mọi người đang ngồi họp, hẳn ở tỉnh này khó có người thứ hai.

Trồng cây để rồi... chặt bỏ

Mấy hôm sau, giữa cái nắng oi bức, chúng tôi ngược đường miền tây tìm về Tân An. Quá giờ trưa chúng tôi mới tìm được đường vào nhà ông Diễn. Thú thật, theo mách bảo, khi nhìn thấy cổng Trường THCS Tân An, chúng tôi cũng mang máng đoán ra ngôi nhà ngay cạnh là của ông. Cây xanh rủ bóng từ ngoài cổng. Ngôi nhà ba gian mát rượi, chỉ còn hai ông bà ở nhà. Vợ ông, bà Chu Thị Hoa nhường chỗ cho ông ra tiếp.

Vầng trán cao, dáng người vẫn còn khỏe mạnh, dù đã bước sang tuổi 73, nhưng ông Diễn nói chuyện nhẹ nhàng, minh mẫn. Hỏi qua, mới biết ông vốn là giáo viên dạy văn. Chỉ mới ở độ tuổi ngoài 30 mà ông đã là một trong những người đầu tiên lãnh đạo Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong nổi tiếng ở tỉnh Nam Định. Hơn 40 năm dạy học, chuyển qua nhiều trường gần xa rồi về dạy ở đất Tân Kỳ, đến năm 1993 ông mới nghỉ hưu. Về nhà là về với mảnh đất hoang hóa cỏ mọc che lấp cả chỗ đặt chân bước, ông với bà thay nhau cầm cuốc, thay nhau đưa nước đến từng gốc cây, chẳng bao lâu đã phủ một vườn cây um tùm sau ngôi nhà của mình. Cả một diện tích hơn 1,5ha với hơn một ngàn cây ăn quả, cứ sinh sôi nảy nở lớn dần lên.

Nhưng đến khi cây đã cao gần đến đầu người, chỉ chờ độ vài năm nữa thu hoạch thì ông lại thấy cần phải... chặt bỏ. Lý do nghe qua, có lẽ đến dân Tân An cũng chẳng ai hiểu nổi. Số là Trường THCS Tân An vừa mới xây dựng một dãy nhà hai tầng dành cho việc dạy học, nhưng không biết thiết kế thế nào mà dãy lớp học đặt theo hướng đông-tây. Dạy cả buổi sáng lẫn buổi chiều, nắng cứ thông thống rọi vào phòng, chỉ khổ cho các em học trò không biết tránh sao cho hết nóng. Nắng lên là học trò nhìn cứ vẹo vẹo, xiên xiên, ông nghĩ ngồi thế thì cũng chẳng ra ngồi, làm gì còn tâm trí mà nhớ bài vở. Thế là ông Diễn kiến nghị lên nhà trường nỗi khổ con trẻ đó, mà ông khổ tâm thật, nhưng trường thì đã đưa vào sử dụng rồi. Lãnh đạo chỉ còn biết chép miệng, có trường học là đã tốt, không xoay trường lại được thì phải xoay mình mà tránh nắng.

Khi cả thầy giáo, cô giáo và học trò đang dần chấp nhận học cùng cái “nắng” thì ông nhìn thấy cái góc đất của nhà mình sát trường. Chỗ đó mà xây phòng, đặt theo hướng bắc-nam thì rất hợp lý. Ông nghĩ thế nhưng chưa biết vợ con có đồng ý không? Nghe ông rủ rỉ tâm sự nỗi khổ, bà Hoa vợ ông lúc đầu còn so so tính tính, nhưng hiểu tính chồng, lại nghĩ là việc đáng làm, thế là bà phất tay cho ông làm tới.

Nhưng khi nhìn vào đám cây trong vườn, ông mới thấy mình cả gan. Góc vườn mấy trăm gốc cam, nhãn đang ở độ lớn, từ tay mình chăm sóc, nay lại cũng từ tay mình phá bỏ, ông bà đau lắm. Nhát dao nào nhắm vào thân cây cũng thấy run run. Đợt ấy là năm 1995, ông bà hiến cho nhà trường gần 5.000m2 đất, nhờ vậy một dãy phòng học cấp bốn mọc lên, không còn nắng xiên xiên lên má học trò nữa. Ông vui, bà vui, lũ học trò còn trẻ dại lại càng vui. Mấy ông lãnh đạo trường bắt tay ông rối rít. Ông cứ đứng im vậy, nhìn dãy phòng học mà cười. Vậy là ông cũng đã giúp được cho đám học trò nhà quê này một điều gì đó.

Băn khoăn cái chuyện... “gân cốt”

Từ bận ấy đến lần hiến đất thứ hai, vừa tròn một giáp (12 năm), lại một lần nữa ông bức xúc trong lòng vì cái điều mà ai cũng nói: Có vác tù và hàng tổng thì đến thế cũng là cùng. Vốn là trên đất nông trường An Ngãi cũ có một sân thể thao dành cho lớp thanh niên và bà con vui chơi luyện tập, nhưng khi xã “kéo” về được một trường cấp ba thì địa điểm nhắm tới là sân thể thao vì vị trí đẹp nằm ngay trung tâm cả xã. Giáo dục luôn là ưu tiên số một, dẫu sao thể thao cũng chỉ là chuyện vận động gân cốt. Mà dân ở đây toàn “lực điền”, cả ngày quần quật với đất, với cây, không có chữ thì sự nghiệp không thành, chứ không có sân bóng, bà con ta vẫn chả sứt mẻ gì. Thế là đất sân bóng nhanh chóng được duyệt, nhường đất làm trường học.

Cũng sẽ chẳng có gì để nói nếu như ông Diễn không công tác trong ngành giáo dục, mà giáo dục là hướng thiện, hướng tới sự toàn diện của con người. Cho nên ông mới băn khoăn cái chuyện “gân cốt”, cái chuyện khỏe mạnh cho những cô cậu thanh niên ở vùng đất này. Có trường mà không có sân bóng cho bọn trẻ, 7 năm liền như thế, đáng lo lắm chứ!”. Hơn nữa, ông còn mong ước khác như lời tâm sự với thầy Kỳ, Hiệu trưởng Trường THCS Tân An hồi đó: “Tau cho mi cái chỗ đất ấy, làm cho thoải mái đi, làm cho nó thành trường chuẩn quốc gia luôn”.

Thế là 5.600m2 đất trong trang trại nhà ông lại tiếp tục được cắt ra, dành làm sân bóng cho nhà trường. Lại thêm một lần nữa ông và bà đốn hạ hàng trăm gốc cam, bưởi, vải, mơ... đã từ 4 đến 7-8 năm tuổi. Xót xa lần này gấp nhiều lần trước, vì cây nào cũng đã sum suê um tùm, cũng chỉ chờ đến kỳ thu hoạch. Đã quyết, nên xót mà ông không dám nói ra, sợ vợ con lúc đó vì thế mà xuôi luôn. Tổng cộng cả hai lần năm 1995 và 2007, ông bà đã cắt một diện tích đất hơn 10.000m2 cho Trường THCS Tân An không cầm một đồng tiền đền bù nào. Trên đất ấy, gần 900 gốc cây đã không chờ được đến ngày hái quả; về tài sản, số tiền thu hoạch hằng năm cũng không dưới trăm triệu đồng.

“Tôi xem đó cũng là công việc của mình”

Chúng tôi tò mò: “Sao ông bà làm được như vậy?”, “Tôi nghĩ, những người lãnh đạo trường lúc ấy cũng là đồng nghề, đồng nghiệp với mình, có người còn là học trò của tôi, cho nên tôi xem việc của trường cũng là việc của mình”-ông trả lời với giọng mà chúng tôi biết là ông phải bình thản lắm mới nói ra được, trong lòng không hề nuối tiếc.

Quyết định chung của cả hai người, bà Hoa cũng góp ý: “Nói thật, hiến cho trường, bọn tui không tiếc đâu. Thậm chí nếu đất này mà cho tui bán, tui bán rẻ một phần cho giáo viên. Ông nhà tui đi dạy, tui biết, giáo viên ở đây không có nhiều tiền đâu, nhiều người còn phải ở nhờ cả đấy. Cho nên, tụi tui thống nhất chứ có chi mô chú”.

Để trường có được như ngày hôm nay, hẳn không đơn giản là chỉ có một tấm lòng tốt. Được biết, ông bà có hai người con hiện đang đi học đại học, một người ở Hà Nội, một người dưới Vinh. Lo cho con học hành, với hai vợ chồng già, chỉ nương vào vườn cây còn lại, khó khăn không còn là nhỏ nữa. Vậy mà, hiện giờ trong đất nhà ông còn có một phòng học nhỏ. Ông bảo, xây cho giáo viên có dạy gì cho bọn trẻ, ông sẽ cho dùng thoải mái. Còn biết thêm, trước kia khi giáo viên ở xa đến dạy tại trường Tân An, ông bà không nề hà cho ở ngay trong nhà mình. Hiện giờ, phần đất còn lại của ông Diễn chỉ hơn 4.000m2, diện tích đó so với nhiều gia đình ở Tân An chỉ còn là số lẻ.

Điều mà chúng tôi mong muốn là được gặp các thầy lãnh đạo trường thời mà ông bà hiến đất, nhưng nay có người đã nghỉ, người chuyển đi nơi khác. Bước qua hàng rào sang phần đất giờ thuộc Trường THCS Tân An, tiếng trống tan trường đã điểm được một hồi, chỉ gặp được thầy Phó hiệu trưởng Nguyễn Xuân Nam, một người trẻ tuổi: “Tôi mới về trường, cũng chỉ biết việc làm của thầy Diễn qua lời của các thầy lớp trước. Tôi không chỉ nói hành động của thầy Diễn là cao cả, mà tôi còn thấy mối quan hệ giữa thầy Diễn và các thầy, cô lớp trước, không chỉ vì sự nghiệp chung mà còn rất ân tình. Từ khi có thêm diện tích, hoạt động của trường thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài phòng học, phòng cho giáo viên, trường đã sử dụng một số cây có sẵn trong vườn của thầy Diễn để xây dựng vườn sinh học. Còn sân vận động, đúng là có nó, học sinh, thanh niên cả xã có chỗ vui chơi, giờ nhìn chúng lành mạnh hơn hẳn”.

Thế còn kế hoạch trường chuẩn quốc gia? Được biết, do điều kiện nên vẫn chưa đạt được như dự kiến. Thầy Diễn vẫn im lặng nghe chúng tôi nói chuyện, ước mong về một mái trường chuẩn quốc gia của người thầy giáo già này, cũng không biết là chờ đến lúc nào mới có được.

Sắp ra về, khi thấy tôi chú ý về cây thế đặt ở trước cổng, thầy im lặng rồi nói giọng trầm trầm: “Tôi chỉ gọi nó là cây đẻn, dáng nó chắc chắn, vững chãi, sum suê trên tán. Dáng cây này ngụ ý là khi đã lên đến một độ nào đó, mình phải giúp phúc cho mọi người”.

Đến lúc này, tôi nhận thấy một điều mơ hồ mà giờ mới nhìn rõ: Với người thầy giáo già này, có lẽ cả cuộc đời, những cái gì là vụ lợi vật chất, hẳn sẽ dừng bước trước cửa ngõ nhà ông.

Bài và ảnh: THÀNH VINH

(Theo Quân đội Nhân dân ĐT)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.250 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.