TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Gương sáng khuyến học & GD | Chuyện thầy trò ở Phình Giàng
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Năm 2024
T2T3T4T5T6T7CN
    1 2 3 4 5
6 7 8 9 10 11 12
13 14 15 16 17 18 19
20 21 22 23 24 25 26
27 28 29 30 31    
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Gương sáng khuyến học & GD 05.2024
Chuyện thầy trò ở Phình Giàng
05.2009

Phình Giàng, một xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Ðiện Biên Ðông, tỉnh Ðiện Biên, giao thông đi lại cách trở, chưa có điện, nước khan hiếm, cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Sự nghiệp trồng người vì thế cũng lắm gian nan.

Chuyện thầy, cô giáo

Phình Giàng có hai dân tộc Mông và Khơ Mú sinh sống. Do sự hiểu biết của họ còn quá nhiều hạn chế khiến việc vận động học sinh đến trường là gánh nặng lớn nhất đè lên vai các thầy cô giáo nơi đây. Chuyện thầy cô Phình Giàng lội bộ băng rừng, vượt suối mười lăm, hai mươi cây tới bản thuyết phục bố mẹ cho học sinh đến lớp là chuyện thường ngày... ở xã. Thuyết phục phụ huynh đã khó, giữ học trò ở lại trường còn khó hơn. Ðể tránh tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, nhà trường đã phối hợp với chính quyền xã ra quy định, nếu gia đình để học sinh bỏ một buổi học, sẽ phải nộp phạt mười cân thóc. Nhưng theo ông Cháng Chứ Sao, Bí thư Ðảng bộ xã: "Cứ đề ra thế, nhưng từ trước tới giờ chưa nỡ phạt trường hợp nào. Ða số các hộ thuộc diện nghèo đói, thóc ăn còn chả có lấy đâu ra nộp phạt".

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó hiệu trưởng trường tiểu học kể lại kỷ niệm lần cô được phân công xuống bản Phi Cao vận động học sinh đến trường. Phải khéo ăn khéo nói lắm, phụ huynh mới đồng ý cho con đi học. Cô giáo đưa ngay bản cam kết thảo sẵn cho gia đình ký. Khổ nỗi, phụ huynh không biết chữ, đành điểm chỉ. Nhưng lấy đâu ra mực trong khi các thầy cô toàn dùng bút bi. Cuối cùng, ai đó nảy ra sáng kiến, mượn hộp si đánh giày của thầy giáo để bôi vào ngón tay cho phụ huynh điểm chỉ.

Hầu hết các thầy cô giáo ở Phình Giàng có tuổi đời dưới 30 tuổi. Họ đã cống hiến cả tuổi thanh xuân đầy nhiệt huyết để làm công việc gieo chữ đầy nhọc nhằn ở nơi vùng sâu vùng xa này. Thầy giáo Nguyễn Ðức Hải, giáo viên dạy giỏi cấp huyện tăng cường về Trường THCS Phình Giàng cho biết: "Ngày đầu về nhận nhiệm vụ, thấy trường lớp, nơi ở của cả thầy và trò toàn tranh tre, nứa lá, đêm nằm trên giường ngắm trăng sao qua mái nhà khiến ai cũng chạnh lòng. Nhiều cô giáo ngày đầu lên nhận nhiệm vụ cứ ôm gối khóc trắng đêm. Nhưng hằng ngày, đứng trên bục giảng, nhìn những em học sinh quần áo rách nát nhưng ánh mắt lại toát lên niềm khát khao học hỏi tri thức, chúng em càng thương học sinh và vững lòng hơn".

Ngoài dạy học, các thầy cô vùng cao còn có thêm nhiệm vụ dỗ học trò. Thầy Hải cho biết: "Hở ra là chúng đòi ăn lá ngón tự tử. Lần đầu bị học trò dọa, nhiều thầy cô cuống quýt lo sợ mất ăn, mất ngủ. Sau có kinh nghiệm, những lúc đó, thầy cô "nhịn" là kế hoãn binh thượng sách để tìm cách dỗ dành".

Sau mỗi dịp Tết của người Mông, lớp học lại vắng đi vài học sinh. Thầy cô biết những em đó bỏ học lập gia đình. Mỗi lần nhận được thiệp mời dự đám cưới học trò, không phải là chia vui mà để dỗ dành chúng quay trở lại trường. Nhưng chỉ có một nửa trong số đó quay lại lớp, đa phần là học trò nam. Dù đã là vợ, là chồng nhưng chúng vẫn là những đứa trẻ con, vẫn thích ăn kẹo. Bởi vậy mỗi lần trở về nhà lấy lương thực, bao giờ các thầy cô cũng phải nhớ đem theo mấy gói kẹo để dỗ học sinh.

Nếu như ở thành phố, những học sinh cấp hai vẫn được cha mẹ đưa đón thì những đứa trẻ mẫu giáo ba, bốn tuổi ở Phình Giàng phải tự đi bộ tới trường. Những học sinh nhà quá xa, cô giáo sẽ đón. Cô giáo Nguyễn Thị Nhung, giáo viên tại điểm bản Sa Vua A nói: "Năm giờ sáng, bọn em đã ra khỏi nhà để đón trẻ tới trường". Tại điểm mẫu giáo bản Sa Vua, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy những đứa bé mới một, hai tuổi ngồi bên những đứa lớn hơn. Cô Nhung giải thích: "Muốn cho trẻ đến lớp, chúng em chấp nhận để chúng mang theo em đến trường. Mỗi khi "những cái đuôi nhỏ" ị đùn, tè dầm, các cô giáo kiêm luôn bảo mẫu phục vụ".

Cuộc sống thiếu thốn đến từng ngọn rau, hạt muối, khó khăn vất vả kéo dài là vậy nhưng các thầy cô giáo ở đây vẫn tận tâm ngày đêm thầm lặng gieo chữ cho bà con các dân tộc vùng cao nơi thượng nguồn sông Mã. Công sức ấy đã được đền đáp, tháng 12-2008 xã Phình Giàng được công nhận đạt chuẩn phổ cập THCS.

Và chuyện của trò

Bước chân xuống xe ô-tô, ấn tượng đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là một dãy dài những túp lều xơ xác, nếu không được giới thiệu có lẽ những vị khách thành phố khó tin nổi đó là nơi ở của các em học sinh Trường PTCS Phình Giàng. Thầy hiệu trưởng Hoàng Quốc Huy cho biết: "Tổng số học sinh của trường THCS Phình Giàng là 158 học sinh, trong đó có 100 em ở bán trú dân nuôi".

Chỉ nghe được thế, chúng tôi vội vã tiến tới dãy nhà đặc biệt này. Mỗi một túp lều rộng chỉ đủ ghép một tấm ván sơ sài cho bốn, năm em nằm và một chỗ nấu ăn. Cô bạn đồng nghiệp chứng kiến cảnh sống tạm bợ của các em, nước mắt lưng tròng, ghé tai tôi nói nhỏ: "Thế này mà cũng ở được ư? Nó không bằng cái túp lều chăn vịt ở dưới xuôi". Những túp lều trống huơ trông hoác, những tấm chăn mỏng manh không thể giữ ấm cho những tấm thân gầy gò vì thiếu dinh dưỡng khi nhiệt độ mùa đông luôn ở mức bốn, năm độ. Tôi hỏi Lò Văn Pa, học sinh lớp 9 "Trời mưa thì làm thế nào?", em cười: "Mưa rừng bất ngờ lắm, bọn em chỉ kịp cất sách vở vào túi ni-lông và tìm chỗ nào không dột, nấp vào đó chờ tới sáng thôi". Thầy Huy thông báo tin vui: "Mùa mưa này, những túp lều đỡ dột nát và ấm cúng hơn khi nhà trường vừa được tiếp nhận hai triệu từ Quỹ Vì đồng nghiệp của Phòng Giáo dục huyện Ðiện Biên Ðông mua bạt để căng lều cho học sinh khỏi mưa rét".

Chúng tôi phải cúi mình thật thấp mới vào được túp lều của Thào A Chay, học sinh lớp sáu, dân tộc Mông. Giờ tan học, em trở về lều cùng các bạn nấu cơm. Nhà em ở bản Phì Sua, bản xa nhất cách đây 15 km. Cuối tuần, Chay cùng bạn bè trở về nhà lấy lương thực. Hành trang trở lại trường chỉ vẻn vẹn hai cân gạo và ít muối ăn dè sẻn trong một tuần. Những bữa cơm chỉ có măng rừng hoặc muối trộn ớt. Tôi nếm thử món măng rừng lõng bõng với ớt, thấy mắt cay xè, hình như không phải do vị cay của ớt.

Buổi sáng, bọn trẻ vác bụng đói đến lớp, trưa về góp gạo thổi cơm chung ăn cho cả ngày. Suốt buổi trưa, cả dãy lều vẫn tấp nập, đứa nấu cơm, đứa tranh thủ làm bài tập để chiều lên lớp. Tối thì chịu rồi vì không có điện. Tiền ăn còn chẳng có, lấy tiền đâu mua dầu, mua nến.

Trước đây, số lượng lều nhiều hơn hai chục chiếc so với thời điểm hiện nay nhưng từ khi dãy nhà tập thể bằng gỗ của giáo viên được dựng lên, học trò nữ được nhà trường ưu tiên cho ở cùng. Cái giá lạnh sẽ qua đi khi năm học tới đến gần, khi đó, dãy nhà nội trú dân nuôi sẽ được khánh thành dưới sự tài trợ của hai nhà hảo tâm Ngọc Sương và Phúc An quyên góp thông qua quỹ Tấm lòng vàng của báo Ðiện Biên Phủ.

Chủ tịch xã Lầu Giống Vàng cho biết: "Khi khu nhà nội trú hoàn thành, sẽ có những dãy giường tầng, bảo đảm mỗi học sinh một giường có chỗ cho các cháu ăn ngủ và học hành. Có khu bếp riêng, chúng tôi sẽ huy động người dân và thầy cô giáo nấu cơm cho các cháu".

Hiện nay, toàn tỉnh Ðiện Biên có khoảng 16% học sinh bán trú dân nuôi, những công trình đậm chất nhân văn như ở Phình Giàng sẽ giúp học sinh dân tộc vùng cao không phải ở trong điều kiện tạm bợ. Trong điều kiện ngân sách địa phương còn hạn chế thì việc huy động nguồn lực đầu tư của xã hội, sự hỗ trợ của các tổ chức và các nhà hảo tâm là hết sức cần thiết và quý báu, đó là vì một tương lai tương sáng hơn cho bức tranh giáo dục vùng cao.

Thái Sơn

(Theo nhandan.com.vn)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh


Thời gian mở trang: 0.159 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.