NHỮNG KINH NGHIỆM TRƯỞNG THÀNH

Đăng lúc: Thứ tư - 23/02/2011 15:44 - Tác giả bài viết: TRẦN VĂN TƯƠI

NHỮNG KINH NGHIỆM TRƯỞNG THÀNH

                                          Trần Văn Tươi

UVTV – PCT Thường trực UBND huyện

 

          Nhân trong buổi họp mặt truyền thống sinh viên huyện Vĩnh Thạnh lần thứ VII Xuân Tân Mão năm 2011. Các chú – với tư cách vừa là người đang giữ trọng trách lãnh đạo ở địa phương; đồng thời cũng là những người đã từng trải nghiệm trong môi trường học tập, cuộc sống đời thường và môi trường công tác. Chính vì vậy chú muốn viết lên những dòng suy nghĩ của chính bản thân mình về những kinh nghiệm trưởng thành để được chia sẻ, cảm thông và trao đổi cùng các cháu sinh viên, với mong muốn các cháu tiếp nhận với những tình cảm ưu ái nhất.

          Các cháu sinh viên thân mến!

          Phần lớn trong mỗi con người chúng ta dù công tác, lao động, học tập ở lĩnh vực nào trong đời sống xã hội, ai cũng mong muốn được phấn đấu, rèn luyện và được trưởng thành. Tuy nhiên, trong thực tế sự phấn đấu, rèn luyện và được trưởng thành hay không nó còn tùy thuộc vào điều kiện, môi trường, hoàn cảnh sống và ý chí phấn đấu ở mỗi cá nhân con người. Nều điều kiện, môi trường sống thuận lợi cộng với ý chí phấn đấu tốt thì con người ấy chắc chắn sẽ được trưởng thành nhanh chóng. Ngược lại, trong điều kiện, môi trường sống không thuận lợi, nhưng nếu mỗi chúng ta lại không chịu phấn đấu, rèn luyện khắc phục trước những khó khăn đó, thì không thể nói có điều kiện và cơ hội để được trưởng thành. Song, trong đời sống xã hội, mọi thứ không diễn ra như công thức rèn luyện có sẵn, mà nó đòi hỏi ở mỗi con người chúng ta phải xây dựng cho mình một phong cách sống có bản lĩnh, có ý chí lập trường, có ý chí vượt khó để vươn lên; đó là yếu tố quyết định nhất cho sự thành đạt ở mỗi cá nhân. Thực vậy, cho dù trong quá trình học tập, công tác, cuộc sống có xảy ra biến cố đi chăng nữa làm cho chúng ta đứng trước nguy cơ vấp ngã, sụp đổ tinh thần thì chính ý chí, nghị lực và niềm tin sẽ giúp cho chúng ta vượt lên chính mình để thành đạt trong cuộc sống.

          Trong thực tế cuộc sống có khá nhiều tấm gương vượt khó vươn lên bằng chính trí óc và sức lực của họ. Có lần chú được xem bộ phim tư liệu dự thi sáng tác phát thanh – truyền hình thành phố Cần Thơ lần thứ I năm 2010 – bộ phim đạt giải nhất. Thật cảm động khi nói về một hoàn cảnh thật của một chú thương binh cụt cả hai chân; dù tuổi cao, sức yếu, sinh hoạt không được bình thường như mọi người, nhưng không chịu khuất phục trước cuộc sống khiếm khuyết vô tâm ấy, điều kiện chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã để lại cho chú nhưng chú đã quyết tâm học tập, rèn luyện cho mình có đủ nghề như: thợ mộc, lặn đất mướn, làm ruộng, hái dừa, đặt trúm bắt lươn… để bươn trải với cuộc sống, làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha với các con thơ. Vậy mà, từ đời sống nghèo khó chú đã có được ngôi nhà khang trang, các con đều được đến trường. Hay đáng thương tâm hơn, khi chúng ta chứng kiến những cảnh đời bất hạnh của các em bị khiếm thị, khuyết tật nhưng họ vẫn tham gia các lớp học văn hóa, học nghề, học hát, học đàn giành cho người khiếm thị, khuyết tật ở khắp nơi trong cả nước; và hiện tại đã có nhiều em thành đạt trở thành nghệ nhân, nghệ sĩ, ca sĩ và những nghề khác đã và đang phục vụ xã hội và nuôi sống bản thân, gia đình. Có thể nói còn rất nhiều, rất nhiều tấm gương nữa mà chúng ta học tập ở họ chỉ có 6 chữ: “Ý chí – niềm tin và nghị lực”.

          Như vậy, làm thế nào để có ý chí – niềm tin và nghị lực? Ý chí – niềm tin và nghị lực được hình thành ở mỗi cá nhân luôn gắn liền trong đời sống thực tiễn, nó do mỗi cá nhân phấn đấu học tập, rèn luyện mà có, chứ không phải do ai ban phát. Điều đó càng không cho phép mỗi chúng ta thụ động, trông chờ, ỷ lại để mơ ước có được “Ý chí – niềm tin - nghị lực” mà nó đòi hỏi chúng ta phải có sự chủ động, năng động xác định đúng động cơ và kế hoạch để phấn đấu, rèn luyện. Hiện tại, các cháu đang có được môi trường thuận lợi chung là đã trở thành sinh viên trên các lĩnh vực học tập; nhưng đồng thời cũng đang có những hoàn cảnh khó khăn khác nhau trong cuộc sống, học tập; đang có những động cơ, suy nghĩ khác nhau về tương lai nghề nghiệp của mình. Song dù khác nhau là thế, nhưng các cháu sẽ gặp nhau ở điểm chung để thành đạt, nếu như các cháu tự trả lời và hành động thật đúng những câu hỏi ở chính bản thân mình rằng: Học cho ai? Học như thế nào? Và học để làm gì?

Những câu hỏi trên thật khó trả lời phải không các cháu! Nhưng cũng có thể trả lời dễ dàng hơn khi các cháu sẽ đồng tình với những nội dung lý giải của chú. “Học cho ai? ” - đều chắc chắn là học cho chính bản thân của các cháu; những khổ luyện trong môi trường học tập sẽ chính là hệ quả tốt cho tương lai sự nghiệp của các cháu sau này. “Học như thế nào?” - Có thể nói có nhiều phương pháp truyền đạt học tập ở trường, ở thầy, ở bạn bè; tuy nhưng yêu cầu chung nhất là phải siêng năng cần mẫn, năng động, độc lập trong học tập, nghiên cứu, khắc phục bệnh lười biếng, chủ quan, lơ là, thụ động trong học tập, đặc biệt không được “giấu dốt” mà phải quyết tâm nghiên cứu, tìm hiểu để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc, chưa rõ, chưa thông. “Học để làm gì?”- Sẽ có nhiều câu trả lời phong phú, đa dạng cho mục đích học tập của mỗi sinh viên, song chung quy yêu cầu xác định được động cơ học tập cho đúng - Học để trở thành những người thầy, người thợ giỏi thật sự để mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Cần tránh các hiện tượng “học giả bằng cấp thật”, sẽ rất nguy hại cho xã hội và ảnh hưởng đến danh dự, uy tín cá nhân. Hoặc vì hoàn cảnh khó khăn nào đó mà “học nữa vời”  sẽ là người “vô dụng” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đối với những người không có tài. Bên cạnh rèn luyện “chữ tài” thì cần phải rèn luyện “chữ đức” bởi đạo đức là cái gốc, cái rễ của con người, người có đức mới tạo ra “tài” - người có đức đúng sẽ tạo ra tài đúng, bởi thế mỗi sinh viên phải tích cực rèn luyện đạo đức để hoàn thiện cho mình về nhân cách sống, kỹ năng sống; xác định mục đích sống là để phục vụ quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh; phương châm sống là hướng đến “chân – thiện – mỹ” và chỉ có “ý chí – niềm tin - nghị lực” thì mới giúp chúng ta thực hiện đạt được yêu cầu cả “tài” lẫn “đức”.

Nhân dịp năm mới, chúc các cháu vui, khỏe có đầy đủ ý chí – niềm tin và nghị lực để thành đạt trong học tập và tương lai cuộc sống./.

Tác giả bài viết: TRẦN VĂN TƯƠI
Nguồn tin:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Lời nói đầu

Lời nói đầu Được thêm vào: 20:55 ICT Thứ ba, 30/11/2010 Thực hiện chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội...

Thăm dò ý kiến

Có nên ra đời tờ Tạp chí Khuyến học

Cần thiết

Không cần

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 17
  • Hôm nay: 193
  • Tháng hiện tại: 379099
  • Tổng lượt truy cập: 12840396