Thái Bình: Nét đẹp truyền thống của các Dòng học học tập huyện Đông Hưng
11.2019
Đông Hưng là huyện có truyền thống văn hiến, cách mạng và hiếu học. Các dòng họ của huyện Đông Hưng cũng mang đậm những truyền thống tốt đẹp, mà rõ nét và nổi bật nhất là truyền thống hiếu học, khoa bảng.
Trong số 119 vị đỗ đại khoa thời phong kiến quê Thái Bình, Đông Hưng đã có 13 vị, tiêu biểu là Bùi Sỹ Tiêm sinh năm Canh Ngọ (1690) ở làng Kinh Lũ huyện Đông Quan nay là xã Đông Kinh huyện Đông Hưng, người học giỏi nhất huyện Đông Quan thời bấy giờ. Ông đã đỗ Nhị giáp tiếp sỹ thời vua Lê Dụ Tông, giữ chức Đông các học sỹ của triều đình nhà Lê. Thời ấy kinh sư đã có câu "Đông Quan Kinh Lũ đương kim độc bộ" nghĩa là người họ Bùi làng Kinh Lũ học giỏi nhất huyện Đông Quan. Ông đã soạn ra 10 biện pháp canh tân đất nước sớm nhất Việt Nam mang tên "Khải thập điều" dâng lên vua, nhưng không được trọng dụng, vì không hợp ý chúa.
Nhiều dòng họ thôn làng trong huyện đã đưa việc khuyến học, khuyến tài vào tộc ước, hương ước như ở xã: Bạch Đằng, Đông Hoàng, An Mỹ, Đông Xuân... Nhiều dòng họ có bề dày truyền thống của quê hương Đông Hưng, còn phát huy tốt các truyền thống của dòng họ mình như: Tri ân tiên tổ, thờ phụng tổ tiên, thương yêu, đùm bọc giúp đỡ nhau trong cuộc sống, chăm lo việc học hành của con cháu, vinh danh những người thành đạt...Đến nay toàn huyện có khoảng trên 1.200 dòng họ lớn nhỏ có các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Năm 2019 đã có 805 dòng họ đăng ký phấn đấu xây dựng mô hình dòng họ học tập theo 3 tiêu chuẩn của tiêu chí "Dòng họ h ọc tập" là: Đạt tỷ lệ "Gia đình học tập" hàng năm theo quy định - Có các điều kiện để các thành viên học tập thường xuyên, học tập suốt đời - Tác động, hiệu quả của việc học tập - Kết quả đã có 720 dòng họ đạt danh hiệu "Dòng họ học tập" theo Đề án 281 của Chính phủ, bằng 53,4% số dòng họ trong huyện. Các dòng họ học tập của huyện Đông Hưng đã góp phần tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. Có thể kể ra một số dòng họ tiêu biểu của huyện. Đó là:
Họ Tô xã Đông Hoàng có 30 tiến sỹ, 5 giáo sư, 600 cử nhân, tủ sách của dòng họ có trên 1.000 đầu sách, có câu lạc bộ văn nghệ dòng họ, tổ chức vinh danh những người thành đạt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Có quỹ khuyến học 145 triệu đã gửi tiết kiệm. Họ đã ủng hộ xã Đông Hoàng 40 triệu đồng xây dựng nông thôn mới.
Họ Nguyễn Văn xã Bạch Đằng có 85% số người lớn tham gia học tập bằng nhiều hình thức, có quỹ khuyến học dòng họ là 193 triệu đồng, bình quân đầu người đạt 897.000 đồng, số gia đình trong dòng họ đạt "gia đình học tập" năm 2019 là 89%. Con cháu trong dòng họ đã ủng hộ xây dựng nông thôn mới 500 triệu đồng, hiến 12 mét vuông đất làm đường.
Các gia đình họ Nguyễn Văn thôn Hữu xã Mê Linh đã hiến 200 mét vuông đất làm đường giao thông nông thôn. Họ Nguyễn Văn xã Đông Xá hiến 397 mét vuông đất làm đường. Họ Đào xã Chương Dương ủng hộ 56 triệu đồng làm đường, gia đình ông Đỗ Quý Bang họ Đỗ Quý xã Đông Cường ủng hộ 2 tỷ đồng để xây nhà văn hóa xã.
Ở Đông Hưng còn có nhiều dòng họ nổi tiếng về học hành, thành đạt như họ Đặng xã Đông Xuân, họ Nhâm xã Đông Hoàng, họ Bùi xã Đông Tân, họ Phạm Huy xã Đông Sơn, họ Trần xã Thăng Long, họ Đỗ Quý xã Đông Cường, họ Trần xã Chương Dương, họ Lại xã Trọng Quan... Điều đó đã khẳng định phong trào khuyến học dòng họ ở Đông Hưng phát triển rộng khắp, bền vững, đạt hiệu quả cao. So với mục tiêu Đề án 281 của Chính phủ về xây dựng "Dòng họ học tập" đến năm 2020 đạt mục tiêu 50% số dòng họ, thì Đông Hưng đã vượt mục tiêu 20% và trước thời hạn 1 năm.
Được hỏi về mục tiêu phấn đấu trong những năm tới của Đông Hưng về xây dựng "Dòng họ học tập" ông Vũ Xuân Đáng Chủ tịch hội khuyến học huyện cho biết: Trong những năm tới chúng tôi phấn đấu xây dựng phong trào ở 30% số dòng họ chưa đạt "Dòng họ học tập", tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí "Dòng họ học tập" ở các dòng họ đã được công nhận và động viên các dòng họ trong toàn huyện tích cực xây dựng xã hội học tập và tham gia cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới".
Đặng Văn Cao |