Cần đổi mới cách thức cấp học bổng
01.2008
BBT-Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Ngô Hà từ TP Đà Nẵng gửi ra để bạn đọc cùng tham khảo:
Hiện nay, ngày càng có nhiều tổ chức nhân đạo, các nhà hảo tâm trong và ngoài nước tiến hành việc cấp học bổng cho học sinh nghèo. Chi phí của xã hội vào việc cấp học bổng hàng năm, tuy chưa có những tổng kết cụ thể, nhưng chắc chắn phải lên đến hàng chục tỷ đồng.
Đây là một biểu hiện cao đẹp của lòng nhân ái, một nghĩa cử hết sức quý cần được hoan nghênh và phát huy.
Tuy nhiên, để hành động cao quý này đáp ứng đúng lòng mong mỏi của các tổ chức nhân đạo và các nhà hảo tâm, đạt được những hiệu quả mong muốn, tránh được sự lãng phí của cải xã hội, cần có những đổi mới về nhận thức và cách thức cấp học bổng. 1- Trước hết, cần nhận thức rõ việc cấp học bổng cho trẻ em nghèo không thuần tuý chỉ có tính chất từ thiện. Đây còn là một hoạt động nhằm mục đích, cũng không kém phần quan trọng nhưng thường chưa được quan tâm đầy đủ, là góp phần thực hiện Luật “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” (1) của Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện cho trẻ em thực hiện có hiệu quả cả hai mặt “quyền” và “bổn phận” học tập đã được ghi rõ trong điều 10, chương II: “Trẻ em có quyền được học tập và bổn phận học hết chương trình giáo dục phổ cập”, góp phần thực hiện sự công bằng trong giáo dục và việc nâng cao dân trí. Do đó, tổ chức việc cấp học bổng cũng như đánh giá thành tích không nên chỉ dừng lại ở khâu cấp và số lượng mà cần phải đối chiếu với hiệu quả thực hiện các “quyền” và “bổn phận” học tập của các trẻ em nghèo được nhận học bổng. 2- Để đạt được hiệu quả đó, trước hết, thời hạn cấp học bổng không nên ngắn hạn theo từng năm một, được năm nào biết năm đó. Điều đó chỉ có tác dụng giải quyết những trường hợp tình thế, không giúp cho việc học tập của trẻ em nghèo đi vào thế ổn định và trẻ em nghèo vẫn luôn luôn bị đe doạ phải bỏ học nửa chừng. Trong mối tương quan giữa số lượng và thời hạn nên quan tâm nhiều hơn đến yếu tố thời hạn. Thứ hai, về tiêu chí cấp học bổng, không nên ngay từ đầu đòi hỏi phải “vượt khó, học giỏi”. Như vậy, rõ ràng, vô hình trung, một số đông có thể rất đông học sinh nghèo “chưa” vượt khó, học giỏi đã bị gạt bỏ ra khỏi diện được cấp. Học bổng là một khoản hỗ trợ giúp học sinh nghèo có điều kiện thực hiện được “quyền” học tập và vươn lên vượt khó học giỏi. Cấp học bổng nên nhằm mục đích “để” vươn lên vượt khó, học giỏi chứ không phải bắt buộc “đã” vượt khó, học giỏi. Nếu cần, có thể phân thành hai loại học bổng: học bổng khuyến tài và học bổng khuyến học. Học bổng khuyến tài hỗ trợ những học sinh đã vượt khó học giỏi tiếp tục vươn lên học giỏi hơn, học bổng khuyến học hỗ trợ những học sinh nghèo chưa thể vượt khó học giỏi có điều kiện để vươn lên vượt khó học giỏi. Trong hoàn cảnh hiện nay cần quan tâm nhiều hơn đến loại học bổng khuyến học. Thứ ba, về định suất học bổng không nên dàn đều theo kiều “hoa thơm, mỗi người hưởng một ít” mà cần đáp ứng “trọn gói”, đủ cho các chi phí học tập tối thiểu như chi phí về đồng phục, sách giáo khoa, các dụng cụ học tập, các loại phí chính thức phải đóng góp, v.v… và nếu có khả năng có thể cung cấp thêm các phương tiện hỗ trợ việc học hành, chẳng hạn, như xe đạp cho những học sinh ở xa trường, vv…. Tất nhiên, trong cuộc sống học sinh nghèo vẫn còn có thể gặp khó khắn cần được hỗ trợ bằng những nguồn khác vì học bổng chỉ có thể đáp ứng những nhu cầu học hành, nhưng cũng chỉ là nhu cầu tối thiểu, chứ chưa thể bao gồm cả nhu cầu nuôn dưỡng. 3- Để phát huy được hiệu quả của học bổng cũng cần phải có trách nhiệm những người thụ hưởng: phụ huynh học sinh và bản thân học sinh. Trước hết, các bậc phụ huynh cần nhận thức rõ học bổng không phải là một thứ “của trời cho” hoặc một khoản “đương nhiên được hưởng” mà đấy chúnh là sự chắt chiu của những tấm lòng nhân ái hỗ trợ cho con em mình. Do đó, phải biết trân trọng những đồng tiền nhận được, phải biết tri ân những tấm lòng nhân ái đã hỗ trợ cho mình, chi dùng đúng mục đích, không phó mặc cho con cái và có trách nhiệm chăm lo cho việc học hành của con cái được tốt hơn, góp phần làm cho học bổng phát huy được hiệu quả tốt nhất. Nhiều nơi đã thực hiện việc phụ huynh, trước khi nhận học bổng, phải có bản cam kết không sử dụng học bổng vào những nhu cầu khác và phải quan tâm giúp đỡ con cái học tập tốt. 4-Một đối tượng cũng không kém phần quan trọng để đảm bảo hiệu quả của học bổng là bản thân học sinh. Cần làm cho học sinh nhận thức rõ học bổng là những tấm lòng ưu ái muốn giúp cho mình học tập tốt cho nên bản thân phải có “bổn phận” vươn lên khắc phục khó khăn học tập tốt. Đây chính là một biện pháp giáo dục cho học sinh tinh thần biết ơn đối với xã hội và trách nhiệm đối với việc nhận học bổng đồng thời cũng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vì vậy, một yêu cầu bắt buộc là cuối mỗi năm học, bản thân học sinh phải viết thư cảm ơn, báo cáo tình hình và kết quả học tập trong năm cho nhà hảo tâm. Nếu chưa đạt được kết quả tốt khá hơn thì phải có lời tạ lỗi và lời hứa cố gắng trong năm học sắp tới. Đồng thời với việc giáo dục cho học sinh lòng tri ân cũng cần giáo dục cho học sinh (và ngay cả với phụ huynh học sinh) tinh thần tự tọng, tự tôn dân tộc không lợi dụng thư từ để chủ động cầu xin bất cứ điều gì, nhất là đối với các tổ chức và nhà hảo tâm nước ngoài. 5- Do nhận thức và cách thức cấp học bổng đã được đổi mới nên việc tổ chức và quản lý việc cấp học bổng cũng phải đổi mới. Cấp học bổng không thể chỉ dừng lại ở khâu cấp phát mà cần phải theo dõi cả khâu sử dụng và hiệu quả của việc sử dụng. Có như vậy, những tầm lòng ưu ái của xã hội mới thực sự hữu ích, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và góp phần tích cực và có hiệu quả vào việc thực hiện Luật “Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em” của Nhà nước. Ngô Hà(Hội KH TP Đà Nẵng)
----------------------------------------------------------------------------------------------------- (1) Luật đã được Quốc hội nước CHXHCNVN khoá VIII, kỳ họp thứ 9, ngày 12 tháng 08 năm 1991, thông qua.
BBT |