HOA ANH ĐÀO NỞ TRÊN ĐẤT VĨNH THẠNH

Đăng lúc: Thứ năm - 18/04/2013 07:56 - Tác giả bài viết: Đặng Phúc Minh

 

 

HOA ANH ĐÀO

NỞ TRÊN ĐẤT VĨNH THẠNH TP CẦN THƠ

 

          Tôi nhớ mãi vào một buổi sáng đầu tháng năm, năm 2012, khi miền Nam những con mưa đầu mùa đổ xuống và vụ lúa hè thu đang bắt đầu. Bác Năm Trác, chủ tịch Hội khuyến học, và tôi trên một chiếc xe Honda đi trong mưa ra huyện Vĩnh Thạnh để xem xét hồ sơ du học Nhật, và chuẩn bị việc phát thưởng cho những học sinh và sinh viên ưu tú năm học 2011-2012.

 

           Khi xe vừa qua chợ Láng Sen, ở bên đường hai vợ chồng chú Hiện, bán cháo lòng, cứ vời chúng tôi ghé lại, hình như vợ chồng chú đã chờ đón chúng tôi từ rất sớm, vì vợ chồng chú biết, ngày nào anh em chúng tôi cũng đèo nhau đi qua đoạn đường này.

 

          Vợ chồng em mời bác Năm và thầy Minh ghé ăn sáng để em báo tin vui: cháu Hoài Vũ, con của chúng em vừa điện về cho biết cháu đã đậu đại học Utsunomiya bên Nhật rồi, cháu Trí lớp trước đã đậu cao học trường Miyazaki. Chúng em cám ơn Hội khuyến học hết sức.

 

           Ồ! Chúng tôi ăn sáng cả rồi. Cháu Hoài Vũ đậu đại học, gia đình mừng bao nhiêu, chúng tôi cũng mừng bấy nhiêu, có khi còn nhiều hơn nữa, mình cùng mừng chung cả, có gì mà ơn với huệ. Bác Năm và tôi cùng nói như thế.

 

           Rồi năm nay, năm 2013 vào đầu tháng tư, chúng tôi lại được nghe tin vui dồn dập từ Nhật gởi về: cháu Tuyên đậu hai trường đại học là Akita và Shinshu; cháu Nhung vừa tốt nghiệp đại học Gifu ở Shizuoka; các cháu Tươi, Hiệp đang học tốt ở đại học; cháu Cầm, Giang, Thanh Vũ đang chuẩn bị thi đại học; cháu Khánh, Tuấn, Ngọc, Đức Vũ vừa sang Nhật tháng tư năm 2013 đã có việc làm ổn định (khoảng từ 35 triệu đến 45 triệu đồng VN một tháng) để yên tâm ôn thi vào đại học trong năm tới.

 

           Như thế là huyện Vĩnh Thạnh hiện có 13 sinh viên đang theo học bên Nhật Bản, 2 em là Ngọc Điệp và Thanh Phong đang học Nhật ngữ tại trung tâm du học sinh tại Bình Mỹ ở TP Hồ Chí Minh cũng sẽ sang Nhật trong năm nay.

 

          Một điều trùng hợp thú vị là hoa Anh đào nở rộ khắp đường phố trên đất Nhật vào khỏang tháng tư và tháng năm hàng năm, thì cũng vào thời điểm này, huyện Vĩnh Thạnh TP Cần Thơ đón nhận dồn dập những tin vui, về kết quả học tập của các du học sinh từ Nhật gởi về. Chính vì thế, chúng tôi hay nói đùa: “Hoa Anh Đào đang nở trên đất Vĩnh Thạnh TP. Cần Thơ”.

 

           Còn gì vui hơn, khi đón nhận những kết qủa học tập tốt của các cháu du học từ Nhật! những đứa con thân thương của quê hương! Các cháu thật kiên cường, giầu nghị lực; dám sống trung thực; đoàn kết, hết mình vơí anh em bè bạn; vượt bao khó khăn để học tập nơi xứ lạ quê người; cố gắng thực hiện bằng được ước mơ bay cao, bay xa để sau này khi trở về nước có đủ năng lực, tài đức phục vụ quê hương. Các cháu đã học thuộc lòng, và sống theo ba lời nguyền của sinh viên Đông Du, mà Hội khuyến học huyện Vĩnh Thạnh đã căn dăn kỹ càng các cháu, ngay từ những ngày đầu gặp các cháu bên trường THPT Thạnh An. Đây là một trong những điều căn bản về đạo đức, quyết định các cháu có được đi du học hay không.

 

Điều 1  Cố gắng học tập, trau dồi tài đức để mai sau phục vụ Quê Hương Tổ Quốc.

Điều 2  Sống hết mình, trung thực, ngay thẳng là bạn của mọi người.

Điều 3  Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

 

          Trong số mười ba cháu đang du học bên Nhật, Hội khuyến học rất ấn tượng với cháu Võ Thị Hồng Nhung, lớp đầu tiên được tuyển đi Nhật, cháu vừa tốt nghiệp Đại học. Thường trực hội thường lấy gương của cháu Nhung làm điển hình để nói chuyện với các lớp sau này. Vì cháu hầu như hội đủ các yếu tố cần thiết phù hợp với chương trinh Đông Du do Thầy Nguyễn Đức Hòe làm Hiệu trưởng. Đúng là người thật việc thật.

 

          Cháu Nhung là con nhà nghèo học giỏi, có nghị lực, có ước mơ, có ý chí và tinh thần tập thể rất cao, cháu sống trung thực thẳng thắn, sẵn sàng giúp đỡ bạn bè. Nhà cháu không có một hòn đất chọi chim, không một tấc đất cắm dùi. Cha mẹ cháu cất một cái chòi tre lá trên phần đất của bà ngoại ở ngoài đồng. Ba cháu đi làm thuê cho hãng nước đá, mẹ cháu hay đau yếu. Mỗi lần anh em khuyến học đến thăm đều ngồi trên cái gường bằng tre. Khi sang Nhật, ba tháng đầu, cháu đã tích góp gởi về 2000 dola để cha mẹ trả nợ.

 

          Quả thật, đi du học theo con đường Đông Du ngày nay không cần nhiều tiên, chỉ cần học giỏi; có ý chí lớn; có ước mơ bay cao bay xa; có lối sống trung thực thẳng thắn, và có sức khỏe là đủ, còn lại việc làm ở bên Nhật đã được trường Đông Du chuẩn bị chu đáo cho từng cháu.

 

          Sau nhiều năm tìm hiểu để giới thiệu chương trình Đông du, tôi có thể nêu một số điều cần thiết giúp học sinh lớp 12 muốn đi du học tại Nhật được biết.

 

          Điêu kiện: học sinh nộp đơn cho Hội khuyến học huyện địa phương, sau khi đã được nhà trường nơi em học hướng dẫn. Các cháu phải thi đậu vào trường Đại học tại Việt Nam đạt từ 18 điểm trở lên. Tại trường Đông Du ở TP Hồ Chí Minh, các cháu qua một kỳ thi gồm các môn: Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh văn. Khi đậu viết các cháu qua kỳ thi vấn đáp cũng tại trường Đông Du. Kết quả biết ngay trong ngày. Trúng tuyển, các cháu được học 6 tháng tại trường Đông Du ở Việt Nam, thời gian này các cháu phải đóng tiền ăn và học phí. Nếu chứng minh được thực sự là quá nghèo, nhưng đủ nghị lực và ý chí, nhà trường sẽ tìm cách giúp đỡ. Trong sáu tháng, các cháu luôn được sát hạch trình độ, nếu đủ năng lực sẽ được đi du học. Cháu nào chưa đạt sẽ học tiếp.

 

          Khi sang Nhật, các cháu được trường Đông Du gởi vào những nơi tin cậy, thường là ba cháu một nơi. Nơi đây các cháu vừa học vừa làm để ôn thi chuẩn bị vào đại học Nhật.

 

          Thực ra, phong trào Đông Du đã có ở Việt Nam vào năm 1905 do hai nhà cách mạng Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh khởi xướng. Hai cụ đã thực hiện theo lời  khuyên của nhà cách mạng Lương Khải Siêu: “Thực lực của Quốc gia là dân trí, dân khí, nhân tài. Qúi quốc đừng lo không có cơ hội độc lập, mà chỉ sợ không có nhân tài…”. Ngày đó đã có hơn 200 sinh viên Việt Nam được du học tại Nhật.

 

          Còn phong trào Đông Du ngày nay là do công sức khai lập của thầy Nguyễn Đức Hòe từ năm 1991 và đội ngũ thầy cô giáo của trường Đông Du đầy nhiệt tâm,  cùng với sự giới thiệu giúp đỡ của các cấp Hội khuyến học và các trường THPT trên toàn quốc, tất cả với ước mơ đào tạo nhân tài cho đất nước.

 

          Trong lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập trường Nhật Ngữ Đông Du 1991 – 2011, cô hiệu phó Quang Tịnh Nghi của trường cho biết trong 20 năm trường đã có 1.124 sinh viên được du học tại Nhật. Tính đến nay trường đã có hơn 1300 sinh viên du học tại Nhật, đa phần các em ở miền Bắc và miền Trung, miền Nam chưa được 200 em, còn rất khiêm tốn so với hai miền ngoài.

 

          Ai đã tham dự một buổi lễ tiễn sinh viên đi du học đều công nhận sự tâm huyết của thầy Hiệu Trưởng. Thầy căn dặn các du học sinh từ chân tơ kẽ tóc; Thầy truyền bầu nhiệt huyết và những kinh nghiệm sống của đời thầy cho các cháu với mong ước duy nhất giúp các cháu thành người hữu ích cho gia đình và xã hội.

 

          Trong lời căn dặn sinh viên du học tháng 4 / 2013 phần kết thầy Hiệu Trưởng đã nói: “Thầy đã chuẩn bị cho các con đầy đủ những hành trang cần thiết để du học thành công. Nhưng các con có du học thành công hay không, tùy thuộc tất cả ở các con. Hãy kiên định, với mục đích học hỏi kiến thức, kinh nghiệm của người mang về xây dựng quê hương. Hãy chấp nhận mọi gian khổ vì tương lai. Những người thân yêu, bố mẹ,anh chị em, thầy, bạn đang dõi theo từng bước chân của các con. Chúc các con lên đường mạnh khỏe, học hành thật tốt, để việc du học của các con thành công”.

 

                                                                   Vĩnh Thạnh ngày 09/04/2013

                                                                            Đặng Phúc Minh

                                                                 PCT Hội khuyến học Vĩnh Thạnh

                                                                            DT: 0916707274

                                                               Email: phucminhdang2@gmail.com

Tác giả bài viết: Đặng Phúc Minh
Nguồn tin:
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

 

Lời nói đầu

Lời nói đầu Được thêm vào: 20:55 ICT Thứ ba, 30/11/2010 Thực hiện chủ trương của Hội Khuyến học Việt Nam nhằm tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân về phong trào khuyến học, khuyến tài xây dựng xã hội...

Thăm dò ý kiến

Có nên ra đời tờ Tạp chí Khuyến học

Cần thiết

Không cần

Bộ đếm

  • Đang truy cập: 36
  • Hôm nay: 4907
  • Tháng hiện tại: 362177
  • Tổng lượt truy cập: 12823474