Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa: Khuyến học phải xây dựng những giá trị căn cốt của con người Việt Nam
10.2022
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương |
Website Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xin đăng tải bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa- Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, tại cuộc gặp mặt Kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam 2/10 và Phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt chiều 27/9/2022.
Hôm nay, trong những ngày mùa thu lịch sử mừng Quốc khánh 2/9, trong không khí khởi đầu của năm học mới, tôi vui mừng tới dự Hội nghị gặp mặt Ngày khuyến học Việt Nam 2/10 và phát động giải thưởng Nhân tài Đất Việt.
Về dự hội nghị, thay mặt Ban Bí thư, tôi xin gửi tới các đồng chí lời chào, lời chúc sức khỏe nồng nhiệt, chúc tinh thần trọng học, khuyến học, khuyến tài sẽ lan tỏa rộng khắp, tới mỗi cá nhân, từng gia đình, địa phương, trở thành động lực khuyến khích, bồi đắp tinh thần học tập không ngừng của toàn xã hội, nuôi dưỡng tạo nên nguồn động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đi lên của đất nước.
Trên tấm bia tiến sĩ đầu tiên dựng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám khắc ghi dòng chữ: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn". Truyền thống hiếu học của dân tộc qua hàng ngàn năm lịch sử đã kết tinh nên những giá trị tốt đẹp, hiếu học, tôn sư trọng đạo, là nhân tố quan trọng kiến tạo nên trí tuệ, đạo đức, nền văn hóa Việt Nam, góp phần quan trọng làm nên chiến công hiển hách, giữ gìn độc lập và xây dựng phát triển đất nước.
Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã nhắc chúng ta rằng: "Nên thợ nên thày nhờ có học, no ăn no mặc bởi hay làm". Nhà giáo Chu Văn An cũng đã từng khuyến cáo: "Ta chưa thấy nước nào coi nhẹ sự học mà khá lên được". Chủ tịch Hồ Chí Minh – Nhà giáo dục vĩ đại – Người khai sinh và đặt nền móng cho nên giáo dục của đất nước Việt Nam thời đại mới đã dành sự quan tâm to lớn đến công tác giáo dục, đến sự học của mỗi người dân cả nước. Người đã khẳng định: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu". Ngay khi nước nhà giành được độc lập, đầu tháng 10/1945, Người đã ra lời kêu gọi toàn dân chống nạn thất học, nêu rõ: "Tất cả mọi người Việt Nam đều phải biết chữ quốc ngữ. Chính phủ đã lập ra một Nha Bình dân học vụ để trông nom việc học của dân chúng".
Trong định hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội những năm tới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới; phát triển giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu". Con đường đưa đất nước đi lên phát triển nhanh và bền vững sánh vai với các cường quốc năm châu phải là con đường học tập, bằng sự học của mỗi người dân và toàn xã hội.
Cùng với bước chuyển mình trong công cuộc đổi mới những năm qua, sự nghiệp giáo dục đã đạt được nhiều thành quả tích cực, có đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Nền giáo dục của toàn dân được mở rộng đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân, chất lượng giáo dục và đào tạo từng bước được nâng lên, cơ hội học tập cho mọi công dân được mở rộng, quy mô giáo dục tăng nhanh nhất là ở bậc đại học và đào tạo nghề, đội ngũ nhà giáo ngày càng được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục từng bước được hiện đại hóa, thông tin hóa. Giáo dục thường xuyên, giáo dục ngoài nhà trường được quan tâm và phát triển mạnh mẽ hơn.
Thực hiện đường lối và định hướng phát triển giáo dục của Đảng, kết nối và phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống hiếu học của dân tộc. Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm vừa qua đã xác lập triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học. Tôi rất vui mừng ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ từ bước đầu chỉ có tổ chức hội ở 21 tỉnh, thành, đến nay đã phủ kín 100% địa bàn cấp huyện và trên 98% cấp xã với 22 triệu hội viên chiếm hơn 21% dân số cả nước, đã trở thành một lực lượng đông đảo, lớn mạnh, đi đầu thực hiện nhiệm vụ vận động toàn dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Tôi đánh giá cao những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực của Hội như: "Học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị", "Tiếp sức cho em đến trường", "Vì em hiếu học", "Chắp cánh ước mơ", "Mái ấm khuyến học", "Trao gửi yêu thương"; các mô hình "Nuôi heo đất khuyến học", "Gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập", "Tiếng trống, tiếng kẻng khuyến học", "Giờ vàng khuyến học"…đã bắt nguồn khơi dậy được tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo.
Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp hội; sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bắt rễ vào mỗi gia đình, thôn bản, làng xã, cộng đồng dân cư tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục – đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển rộng và mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Hội đã thực hiện có hiệu quả, cấp học bổng đúng mục tiêu, địa chỉ cho hàng chục ngàn sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành, các trường. Vận động các lực lượng xã hội các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa trường học, nhà nội trú giúp giáo viên bám lớp, bám trường…
Thông qua đó các suất học bổng khuyến học, đã kết nối các lực lượng xã hội, thắp lên ngọn lửa nghị lực, giúp nhiều em học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện trên con đường lập thân, lập nghiệp. Đặc biệt trong hai năm vừa qua trong đại dịch COVID – 19, các cấp hội đã thực hiện có hiệu quả chương trình "Máy tính cho em" và hỗ trợ các em mất cha mẹ do đại dịch để duy trì cuộc sống và tiếp tục được đến trường.
Bên cạnh những thành công như vậy chúng ta cũng thấy nhiều khó khăn của công tác giáo dục, khuyến học như nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với yêu cầu; cơ hội tiếp cận giáo dục không đồng đều giữa các vùng miền trong cả nước, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi…
Ở nhiều nơi, công tác giáo dục được triển khai vẫn chưa thực sự đổi mới căn bản toàn diện như Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về giáo dục đào tạo đã đề ra. Bệnh thành tích trong dạy và học vẫn còn cao, công tác giáo dục được triển khai vẫn học lý thuyết nhiều nhưng tính thực hành, thực tiễn và rèn luyện kỹ năng, bồi dưỡng phẩm chất năng lực còn hạn chế.
Báo chí gần đây có bài viết đặt ra câu hỏi vì sao người Việt Nam luôn tự hào là thông minh, học giỏi nhưng hiện nay các doanh nghiệp công nghệ lớn như Samsung, Intel, Apple khi đầu tư vào Việt Nam thì luôn khát, không tìm đủ đội ngũ người lao động tại chỗ có trình độ cao? Vì sao nhiều giảng viên băn khoăn, không vui với những điểm số cao như vậy? Vì sao nhiều học giả nêu ra trong gia đình Việt Nam không nhiều gia đình có tủ sách? Có tới 78% trẻ em dưới 6 tuổi sử dụng thiết bị công nghệ, trong khi trẻ em Việt Nam chỉ đọc trung bình 3 -4 đầu sách/năm mà 2,8 đầu sách đó đã là sách giáo khoa….
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh rõ hơn mục tiêu của "Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục" trong giai đoạn mới là "Tạo đột phá trong đổi mới cản bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài". Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 đề cập trực tiếp việc "Phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế".
Nhân dịp này Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì tiếp tục phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt với chủ đề "Tôn vinh tài năng – Khơi nguồn sáng tạo". Trải qua 16 kỳ giải thưởng đã có tác động to lớn đến phát hiện, tôn vinh tài năng, nhiều sản phẩm, công trình có giá trị đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
Thực trạng công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực con người gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước những năm tới đây đang đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi mới đối với công tác khuyến học. Tôi cho rằng trước hết cần bám sát, làm theo, thực hiện tốt những bài học từ tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò sức mạnh của nhân dân, về tầm quan trọng của công tác giáo dục và sự nghiệp trồng người, công tác khuyến học trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân, được triển khai đồng bộ, trở thành ý thức, giá trị hướng đến và có sự tham gia của mỗi người dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Cần tiếp tục phát huy vai trò của công tác khuyến học như là cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường mà Đảng đã chỉ ra với nhu cầu học tập của mỗi người dân.
Công tác khuyến học bên cạnh việc chú trọng làm lan tỏa theo chiều rộng, gắn với nâng cao chất lượng chiều sâu triển khai có hiệu quả hơn nữa các phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập, mở rộng tăng cường số lượng thành viên tham gia để lan tỏa, truyền tải, hình thành nhận thức đúng, cách hiểu đúng về việc học trong thời đại mới, học tập suốt đời, học đi đôi với hành, học gắn với phát triển hoàn thiện năng lực nghề nghiệp, phẩm chất của mỗi người, cá nhân, học đáp ứng những đòi hỏi của bối cảnh, tình hình đổi mới xây dựng đất nước, đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực cao đang đặt ra bức thiết gắn mới mục tiêu phát triển đất nước từ nay đến những năm 2030 và 2045.
Công tác khuyến học cũng cần được triển khai song hành gắn liền với công tác khuyến tài, tạo điều kiện cho phát triển Nhân tài Đất Việt, để việc khuyến học có đóng góp quan trọng trong đổi mới, sáng tạo và là động lực cho quá trình đổi mới giáo dục, xây dựng phát triển đất nước. Với ý nghĩa như vậy, công tác truyền thông, xây dựng hình ảnh mẫu công dân mới, các giá trị học tập mới cũng cần được quan tâm đầu tư; trọng học, hiếu học, học đi đôi với hành, học tập suốt đời… phải trở thành những giá trị căn cốt, cơ bản của hệ giá trị con người Việt Nam. Chúng ta cũng cần dành nhiều hơn các điều kiện, các nguồn lực cho công tác khuyến học, khuyến tài, quan tâm chia sẻ, để các hoạt động khuyến học nói chung, hoạt động của Hội Khuyến học nói riêng được triển khai ngày càng rộng, lan tỏa.
Nhân dịp này, tôi đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể, các cơ quan đơn vị, lực lượng vũ trang và mỗi người dân quán triệt và thực hiện tốt hơn nữa và xác định là nhiệm vụ thường xuyên trong thực hiện Kết luận 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và Quyết định 1373/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 – 2030 và các nghị quyết, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giáo dục – đào tạo xây dựng xã hội học tập.
Tôi đánh giá cao những cống hiến, đóng góp và cũng xin gửi lời chúc mừng nồng nhiệt nhất tới các đồng chí lãnh đạo, cán bộ và toàn thể hội viên Hội Khuyến học Việt Nam, chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe, công tác tốt, giữ vững nhiệt huyết và ngọn lửa khuyến học, khuyến tài, đem Việt Nam sớm trở thành một quốc gia học tập, trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 gắn với mốc 100 năm thành lập nước như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra.
Tôi cũng xin chúc cuộc thi Nhân tài Đất Việt được phát động năm nay sẽ thu hút đông đảo người tham gia, tạo môi trường khuyến khích, tôn vinh và phát triển cho những sáng tạo và trí tuệ Việt Nam.
|