Bồ công anh dùng để làm gì ?
06.2007
 |
|
Mô tả cây Bồ công anh là một cây nhỏ, cao 0,6 đến 1m, có thể cao tới 3m. Thân mọc thẳng, nhẵn, không cành hoặc rất ít cành. Lá có nhiều hình dạng; lá phía dưới dài 30cm, rộng 5 - 6cm. Gần như không cuống, chia thành nhiều thùy hay răng cưa to thô, lá phía trên ngắn hơn, nguyên chứ không chia thùy, mép có răng cưa thưa
Bấm lá và thân đều thấy tiết ra nhũ dịch màu trắng đục như sữa, vị hơi đắng. Cụm hoa hình đầu, màu vàng, có loại tím. Có người gọi cây hoa vàng là Hoàng hoa địa đinh và loại hoa tím là Tử hoa địa đinh (tử là màu tím). Cả hai loại đều được dùng làm thuốc.
Phân bố, thu hái và chế biến Bồ công anh mọc hoang tại nhiều tỉnh miền Bắc nước ta; ít thấy trồng. Việc trồng rất dễ dàng bằng hạt. Mùa trồng vào các tháng 3 - 4 hoặc 9 - 10. Có thể trồng bằng mẫu gốc, sau 4 tháng có thể bắt đầu thu hoạch. Thường nhân dân ta dùng lá, lá hái về dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô dùng dần. Thường hay dùng tươi. Không phải chế biến gì đặc biệt. Một số người hái cả cây, cả rễ cắt nhỏ phơi khô để dùng.
Công dụng và liều dùng Bồ công anh Việt Nam là một vị thuốc kinh nghiệm trong nhân dân để chữa bệnh sưng vú, tắc tia sữa, mụn nhọt đang sưng mủ, hay bị mụn nhọt, đinh râu. Còn dùng uống trong chữa bệnh đau dạ dày, ăn uống kém tiêu. Liều dùng hàng ngày: 20 đến 40g lá tươi hoặc 10 đến 15g lá khô hay cành và lá khô. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác. Thường dùng dưới dạng thuốc sắc có thêm đường cho dễ uống. Còn dùng giã nát đắp ngoài.
Bài viết này của Giáo Sư Đỗ Tất Lợi đăng trên tạp chí về Dược liệu & sức khỏe cộng đồng. Chuyên mục Sức khỏe - Đời sống của website này là nơi sưu tầm và tổng hợp các bài thuốc quý trong dân gian để giới thiệu lại với các Hội viên. Rất mong được sự cảm thông của tác giả. Chúng tôi mong muốn nhận được nhiều bài viết của tác giả và những kinh nghiệm chữa bệnh trong dân gian của các Hội viên. Hãy ủng hộ chúng tôi, vì sức khỏe cộng đồng. |
Lại Thành Đức |