Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ chiến lược
12.2020
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, xây dựng mô hình học tập là "chiến lược phát triển bền vững" cho các địa phương trong cả nước, đây cũng là nhiệm vụ của toàn hệ thống chính trị.
Chiều 30/11, Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết "Đề án
đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng
đến năm 2020" theo Quyết định 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận
và biểu dương những nỗ lực của Hội Khuyến học Việt Nam trong thực hiện
Đề án 281.
Phó Thủ tướng nhận định: Giáo dục có được ngày hôm nay có sự đóng góp
tích cực của hệ thống khuyến học cả nước và sự đồng tình của nhân dân
trong việc hưởng ứng tham gia xây dựng các mô hình học tập.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã
hội học tập, Phó Thủ tướng cho hay, từ khi lập nước đến giờ, đẩy mạnh
học tập đã luôn nằm trong tư tưởng lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ: "Chúng
tôi trong nhiều lần làm việc với bạn bè quốc tế, có nhắc đến niềm tự
hào tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam. Đó là biểu tượng của xã hội
học tập.
Khi giải phóng miền Nam, nước ta còn khoảng 30% người Việt mù chữ,
chúng ta lại làm cuộc xóa mù lần thứ hai. Sau này, Đảng và Nhà nước có
các chỉ thị đẩy mạnh toàn dân học tập, điều này không chỉ phù hợp truyền
thống đất nước mà còn phù hợp với xu thế của thế giới. Các quốc gia
trên thế giới đều nhấn mạnh việc đẩy mạnh phát triển đất nước nhờ nguồn
lực con người, nhờ học và học tập suốt đời".
Ngày 20/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số
281/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong
gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020" và giao cho Hội Khuyến học
Việt Nam chủ trì (gọi tắt là Đề án 281).
Đề án của Chính phủ có mục tiêu chung là triển khai đẩy mạnh các hoạt
động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ,
cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình: Gia đình
học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập và đơn vị học tập, góp phần
xây dựng xã hội học tập từ cơ sở.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, các kết quả không chỉ là số liệu
của gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập… mà còn là kênh thăm dò ý kiến
của nhân dân về gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội học tập trong nhân
dân. Nhân dân đều đánh giá Đề án 281 nếu tiếp tục thực hiện không chỉ
giúp cho đất nước phát triển mà còn giúp đoàn kết tình làng, nghĩa xóm,
cộng đồng và trật tự an toàn trên địa bàn tốt hơn.
Phó Thủ tướng cho rằng, sự đồng tình tâm huyết hệ thống khuyến học cả
nước, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, giới truyền thông và toàn dân góp
phần tạo nên thành công của đề án này.
Phó Thủ tướng cũng đặt câu hỏi: "Tại sao một số địa phương trong cả
nước đạt các tiêu chí về gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập nhưng một
số địa phương lại không đạt?".
Theo Phó Thủ tướng, lý do căn bản nhất là ở nơi ấy, cấp ủy và chính
quyền chưa quan tâm sát. Theo Phó Thủ tướng, chúng ta phải thẳng thắn
nhìn nhận rằng, lãnh đạo chính quyền ở những nơi đó chưa nhận thức sâu
sắc được ý thức trách nhiệm sự phát triển bền vững của địa phương mình
nói riêng và của cả nước nói chung.
"Nói quan trọng nhưng tỉnh không chỉ đạo, không dành nguồn lực thì
điều đó chứng tỏ, anh nhận thức chưa được như anh nói. Tôi lên mạng tìm
tất cả phát biểu của các đồng chí lãnh đạo các tỉnh chưa đạt tiêu chí ở
các đại học, các đồng chí nói rất tốt nhưng lời nói chưa đi đôi với hành
động" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng đặt vấn đề băn khoăn về thực trạng, các vùng rất
khó khăn dường như lại đạt chỉ tiêu cao hơn các vùng có điều kiện ít khó
khăn hơn. "Dường như các đô thị lớn kinh tế phát triển thì phong trào
xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, xã hội học tập lại không sôi động
bằng các tỉnh nông thôn, thậm chí là miền núi, vùng sâu vùng xa.
Đây là câu hỏi mà giai đoạn tới chúng ta phải xem xét, điều chỉnh,
quán triệt. Phải chăng, do có nhận thức rằng, khuyến học, khuyến tài chỉ
thường dành cho đối tượng có trình độ thấp thôi, còn những đô thị,
thành phố phát triển lại không chú ý", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta nhất định phải tiếp tục phát triển
mạnh hơn nữa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
nói chung và làm sao thúc đẩy, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị mở
rộng quy mô từ xã đến huyện đến tỉnh, từ trung ương đến địa phương. Bởi
lẽ việc xây dựng xã hội học tập không phải là việc riêng của Bộ
GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam mà là nhiệm vụ của cả hệ thống
chính trị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Hội Khuyến học Việt Nam tiếp tục
thực hiện đề án cho đến trước khi có sự điều chỉnh mới. Đồng thời, yêu
cầu các đơn vị, địa phương thống nhất nhận thức về việc triển khai phong
trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô
hình học tập; coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Giai đoạn
2021 - 2025, cùng với việc tiếp tục triển khai phong trào học tập suốt
đời, Hội Khuyến học Việt Nam xây dựng Đề án mô hình công dân học tập và
xã hội học tập.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ ghi
nhận, qua tổng kết Đề án 281 đã phần nào nói lên tâm huyết của các cấp
Hội Khuyến học Việt Nam trong công tác khuyến học, khuyến tài. Bộ
GD&ĐT luôn trân trọng kết quả đã đạt được của Hội Khuyến học Việt
Nam, đặc biệt là những tấm gương tâm huyết về công tác này.
Thời gian qua, dù còn nhiều khó khăn nhưng các cấp Hội Khuyến học
Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều chương trình, hoạt động và đã đạt
được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ GD&ĐT cũng phối hợp với Hội
Khuyến học Việt Nam tổ chức nhiều hội thảo có ý nghĩa trong nước và quốc
tế.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ luôn lắng nghe và mong muốn ngày càng nhận
được nhiều ý kiến đóng góp của cán bộ làm công tác khuyến học, khuyến
tài đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Đồng thời sẵn sàng tiếp tục phối
hợp với Trung ương Hội Khuyến học để tổ chức các hoạt động khuyến học,
khuyến tài có chất lượng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, xây dựng và triển khai mô hình
"công dân học tập" trong các trường đại học đang được Bộ triển khai tích
cực. Đồng thời chú trọng xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên có
tính liên thông, mở đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Ngành Giáo dục đang tiên phong xây dựng chuyển đổi số; đặc biệt trong
dịch Covid-19 vừa qua, ngành Giáo dục đã triển khai thực hiện tốt việc
dạy học trực tuyến.
Trao đổi về xây dựng tài nguyên mở, Bộ trưởng khẳng định, Bộ sẽ tích
cực tham gia nội dung này. Việc tổ chức học tập thường xuyên của các
loại hình cán bộ, công chức, viên chức không chỉ nhằm mục đích lấy chứng
chỉ mà điều quan trọng là nâng cao kiến thức và trình độ, nhằm đáp ứng
yêu cầu phát triển của xã hội chuyển đổi số.
Thời gian mở trang: 0.170 giây. Số lần truy cập CSDL: 11 Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014 của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam. Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.