Bắc Ninh: Bác Viên "Máu" làm khuyến học
02.2020
|
Bác Nguyễn Xuân Viên |
Dòng họ Nguyễn Xuân ở xã Mão Điền hiện nay có đến 3.300 khẩu, số khẩu bằng một làng to thời xưa. Tuy nhiên, công tác khuyến học của dòng họ hiện nay hoạt động rất bài bản và hiệu quả. Công đầu của hoạt động này phải kể đến cá nhân bác Nguyễn Xuân Viên, Phó chủ tịch Hội đồng gia tộc, Trưởng ban khuyến học dòng họ.
Bác Viên là giáo viên nghỉ hưu. Thời làm giáo viên, bác Viên là người có sự trưởng thành nhanh chóng. Năm 1976 tốt nghiệp Sư phạm bác về dạy học ở huyện miền núi Lục Nam. Bác luôn tự học hỏi từ kiến thức đã học ở trường cũng như thực tế giảng dạy, đặc biệt là kinh nghiệm của các bậc đàn anh đi trước để nâng cao trình độ chuyên môn của mình, với tâm nguyện mỗi bài học trên lớp đều là một niềm vui dành cho học sinh, thế hệ tương lai của đất nước. Hai năm sau, năm 1978 bác đã trở thành giáo viên giỏi cấp tỉnh và được đề bạt vào cương vị quản lí, giữ chức Hiệu phó. Năm 1979 bác là một trong hai người được kết nạp đảng của ngành giáo dục huyện Lục Nam sau hơn mười năm không phát triển được đảng viên mới.
Năm 1985 bác Viên được chuyển về xã An Bình, huyện Thuận Thành quê nhà giữ chức Hiệu trưởng trường PTCS xã. Ngay năm đầu quản lí, Trường đã chuyển mình tốt đẹp, đạt danh hiệu Tiên tiến xuất sắc cấp huyện.
Năm 1987 bác Viên được chuyển về làm Hiệu trưởng trường THCS Mão Điền quê nhà. Đây là một xã đông dân nhất huyện, tuy là xã nông nghiệp nhưng bình quân ruộng đất lại thấp nhất huyện, chỉ 240m2/định suất. Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, nhưng không vì thế mà trường không nâng được chất lượng giáo dục lên. Bác Viên luôn cùng tập thể sư phạm của trường khắc sâu lời dạy của Bác, dù khó khăn đến đâu cũng vẫn dạy tốt học tốt. Bên cạnh các biện pháp chuyên môn, bác Viên còn chú ý đến mối quan hệ xã hội và gia đình tác động đến chất lượng giáo dục. Đến năm 1998 mối quan hệ này đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là công tác xã hội hóa giáo dục trong Nghị quyết Trung ương 2 (khóa 8). Bác Viên tích cực làm tham mưu cho Đảng ủy xã trong việc lập chương trình hành động thực hiện Nghị quyết ở địa phương. Mão Điền là xã đầu tiên tổ chức Đại hội giáo dục, thành lập Hội đồng giáo dục, Quỹ khuyến học. Các ban ngành đoàn thể trong xã và từng gia đình đều được phân công nhiệm vụ cụ thể để phát triển giáo dục. Quỹ khuyến học còn được phát triển tới các dòng họ và hoạt động có hiệu quả, tiêu biểu như các họ Nguyễn Duy, Nguyễn Chí … Bác Viên được bầu làm phó chủ tich Hội đồng giáo dục xã đã luôn học và vận dụng các bài khuyến học hiệu quả ở các địa phương khác về xã nhà, hoặc nghĩ ra các cách làm hay, như tổ chức hội nghị người Mão Điền thành danh, hội nghị sinh viên, gửi thư cho người Mão Điền xa quê quan tâm giáo dục ở quê hương, tuyên truyền rộng rãi trong hội nghị, trên loa đài về các hoạt động giáo dục. Những hoạt động sôi nổi của công tác xã hội hóa giáo dục nhanh chóng có tác dụng sâu sắc, thực tế. Toàn xã luôn coi giáo dục là hàng đầu, đó là thay đổi nhận thức lớn nhất mà công tác của Hội đồng giáo dục xã đã làm được. Cả xã là một xã hội học tập không chỉ còn là khẩu hiệu nữa. Từ già đến trẻ, mối quan tâm hàng đầu là giáo dục, là ai đỗ cao, nhà nào đỗ nhiều chứ không phải là mánh mối làm ăn, ai vào cầu hơn ai. Gia đình cụ Nguyễn Duy Tích có mười con thì chín con đỗ đại học, công việc ổn định là tấm gương sáng chói lôi cuốn phong trào học tập, đầu tư cho con học lên, khác hẳn với những năm trước mong con lớn để đi cá xuôi ngược (bán cá con) kiếm ăn. Có người từng đi cá, lấy vợ sinh con 10 năm rồi, nay đóng cửa ăn cơm vợ ở nhà dùi mài kinh sử như các thầy khóa ngày xưa chờ đến kì thi đại học, và thi đỗ. Có nhà phải bán đất nuôi con học đại học. Có nhà quanh năm đi làm mướn nuôi con ăn học, ở nhà đứa lớn trông đứa bé mà đều đỗ đạt. Hàng năm số học sinh Mão Điền đỗ đại học cao đẳng ngót trăm người, gần bằng số đỗ của một huyện đồng bằng đã làm kinh ngạc nhiều người. Người Mão Điền ngầm bảo nhau li nông bằng học nghiệp, lấy đô thị làm đích đến. Hàng năm số đỗ đều tăng. Có số học sinh đỗ đại học cao trước hết phải có đông học sinh trung học cơ sở đỗ vào trung học phổ thông. Muốn vậy cần có nền vững. Kể từ khi bác Viên làm hiệu trưởng, trường THCS Mão Điền luôn ở tốp đầu về chất lượng giáo dục của huyện.
Năm 2014 bác Viên nghỉ hưu và tích cực tham gia hoạt động dòng họ. Bác được cử giữ chức Phó chủ tịch Hội đồng gia tộc. Nghỉ hưu thì cũng nghỉ chức Phó chủ tịch Hội đồng giáo dục xã, nay bác Viên vận dụng kinh nghiệm hoạt động khuyến học của xã và các dòng học khác vào làm khuyến học của gia tộc một cách chuyên tâm. Về nhận thức, Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Xuân luôn tuyên truyền vận động mọi nhà, mọi người đều hiểu đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Gia đình, dòng họ, quê hương có vinh hiển hay không đều dựa vào thành tích học tập của con cháu dòng họ. Đúng như Bác Hồ đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.” Muốn vậy thì phải đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục, coi là ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình và của cả dòng họ. Về tổ chức thành lập Ban khuyến học dòng họ gồm 16 thành viên đại diện cho các chi, các xóm do chính bác Viên, Phó chủ tịch HĐGT làm Trưởng ban. Mỗi gia đình đều có người đại diện tham gia làm thành viên. Ban khuyến học dòng họ đã xây dựng Quỹ khuyến học từ sự đóng góp của các thành viên và ủng hộ cá nhân, bước đầu đạt 170 triệu đồng. Hằng năm HĐGT tổ chức trao thưởng khuyến học 2 lần và vinh danh cá nhân có thành tích xuất sắc 1 lần vào dịp giỗ Tổ và trước khi bước vào năm học mới. Đối tượng được trao thưởng khuyến học là học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh thi đỗ vào các trường cao đẳng và đại học, học sinh giỏi đạt giải các cấp… Nghi thức trao thưởng và vinh danh trang trọng tại Nhà thờ đại tông, gắn với dâng hương kính cáo tiên tổ. Trong 5 năm qua HĐGT Nguyễn Xuân đã trao thưởng cho 103 cháu đỗ đại học, 12 cháu đỗ cao đẳng, 58 cháu đạt giải cấp huyện và cấp tỉnh, 2 cháu đỗ thủ khoa đại học và đã vinh danh cho 16 tiến sĩ, 3 Phó giáo sư, 1 Tổng biên tập báo Nhi đồng. Ban khuyến học còn biên soạn công phu cuốn sách lưu danh toàn bộ số người đỗ đại học, cao đẳng của dòng họ, gồm 922 người, trong đó có 695 đỗ đại học, 237 đỗ cao đẳng. Các tấm gương tiêu biểu của dòng họ có: 1 người nguyên là Giám đốc Nhà xuất bản Hội nhà văn (nhà văn Nguyễn Phan Hách), 1 người là Tổng biên tập báo Nhi đồng (nhà báo Nguyễn Phan Khuê), 1 người là Viện trưởng, 3 người là Phó giáo sư, 16 người là tiến sĩ, 4 người là cán bộ quân đội cao cấp... Các gia đình có thành tích học tập tiêu biểu là: gia đình ông Nguyễn Xuân Việt có 3 tiến sĩ (1 Phó giáo sư), gia đình ông Nguyễn Xuân Quảng có 3 tiến sĩ, gia đình ông Nguyễn Xuân hải có 2 tiến sĩ (1 Phó giáo sư), gia đình ông Nguyễn Xuân Hiểu có 2 tiến sĩ…
Đặc biệt, Ban khuyến học dòng họ Nguyễn Xuân xã mão Điền còn xác định rõ nhiệm vụ khuyến học khuyến tài lâu dài. Đó là mỗi gia đình đều có người tham gia làm khuyến học, những gia đình có con trong độ tuổi học phổ thông đều phấn đấu thi đỗ đại học và động viên con em trong gia đình, dòng họ có ý thức học tập suốt đời, học để trở thành công dân tốt, người lao động có tri thức để lập thân lập nghiệp.
Là người thắp lửa khuyến học ở địa phương, nay bác Nguyễn Xuân Viên lại say mê thắp lửa khuyến học trong dòng họ với mong muốn có nhiều tấm gương sáng hiếu học và gia đình hiếu học, góp phần xây dựng truyền thống hiếu học, thành đạt hơn nữa của quê hương Mão Điền.
Phạm Thuận Thành |