Cậu học trò nghèo trở thành Phó giáo sư, Tiến sỹ
01.2020
|
Phó Giáo sư Hoàng Văn Dũng thời điểm bảo vệ luận án tiến sĩ tại Trường Đại học Ulsan, Hàn Quốc |
Làng Minh Lệ quê tôi có rất nhiều người phải ăn đói, mặc rách để đi học mà vẫn thành danh, trở thành Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sỹ. Trong số đó có một học sinh nhà quá nghèo, tưởng chừng phải bỏ học giữa chừng mà vẫn cố “bươn” để sau này trở thành Phó giáo sư, Tiến sỹ.
Sau khi xuất ngũ, về dạy ở một vài trường trong huyện, năm 1994, tôi về trường làng (trường THCS Quảng Minh, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) dạy toán khối 9. Chi bộ nhà trường giao cho tôi phụ trách mũi nhọn học sinh giỏi. Hồi đó có em Hoàng Văn Dũng lớp 9B, bố bị trọng bệnh, chạy chữa nhiều năm nhưng không qua khỏi. Cửa nhà khánh kiệt, một bàn tay bà mẹ nuôi 8 đứa con. Các anh chị người đang trong quân ngũ, người vào rừng hái củi, đốt than, bứt chổi, người phải bỏ học giữa chừng kiếm sống phụ giúp mẹ và các em.
Dũng nằm trong đội tuyển học sinh giỏi toán. Nói là đội tuyển cho oai chứ ngày ấy mạnh ai chạy nấy. Giáo viên tự chọn học sinh, tìm được cuốn sách nào có bài hay thì dạy chứ không có chương trình, thầy kèm các em thêm ngoài giờ chẳng có một buổi nào được trừ tiết như bây giờ. Những năm đó đời sống giáo viên quá khó khăn, bỏ cặp xuống là phải ra đồng làm ruộng, hay nấu rượu, nuôi lợn “tự cứu mình trước khi trời cứu”.
Một buổi chiều tôi đang đúc gạch táp lô để xây chuồng lợn thì Dũng đến. Có một bài toán tìm tập hợp điểm mà em làm mãi không ra. Dũng đã bó tay thì chắc là hóc búa đây. Hồ trộn xong một đống to, không thể dừng lại giữa chừng. Để có hai tạ xi măng tôi đã phải đổi bằng một tạ lúa. Vả lại làm một bài toán quỹ tích đâu phải dễ. Không thể vừa làm việc mà giải được. Thế là hai thầy trò, người xúc hồ đổ vào khuôn, người đầm cho nhanh. Công việc xong xuôi thì làng xóm đã lên đèn. Bảo ở lại ăn cơm thì em nói phải về nhà để nấu cám cho lợn ăn. Bây giờ tôi mới biết em đang ở nhà một mình, mẹ theo “tàu chợ” đi bán rượu trên ga Kim Lũ ngày mai mới về. Thì ra ngồi trong lớp em hay nhai nhóp nhép là ăn gạo sống. Em phải nấu rượu rồi cho lợn ăn, không kịp ăn sáng. Sau mỗi buổi học em lại về ăn vội bát cơm để cùng các anh chị trong xóm lên rừng hái củi hoặc ra đồng làm ruộng để có điều kiện tiếp tục đến trường.
Năm 1998 Dũng thi đậu 3 Trường đại học. Cuối cùng em đã chọn theo học ngành sư phạm Tin học, Trường Đại học sư phạm Huế. Năm 2002 tốt nghiệp ra trường là một trong hai sinh viên đạt điểm cao nhất của khóa. Dũng về giảng dạy ở trường Cao đẳng sư phạm Quảng Bình (nay là trường Đại học Quảng Bình). Người thì cao to mà ngồi trên chiếc xe đạp mi ni đã cũ (không biết ai cho), sinh viên trông thấy ai cũng bật cười. Ba năm sau, năm 2005, Dũng lại tiếp tục thi cao học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và lấy bằng Khoa máy tính vào năm 2008. Để thực hiện mơ ước được đi du học ở nước ngoài, dù công việc bận rộn Dũng vẫn sắp xếp nghiên cứu và học ngoại ngữ. Đến năm 2011, Dũng nhận được học bổng toàn phần nghiên cứu sinh ở Trường Đại học Ulsan (thuộc tập đoàn Hyundai- Hàn Quốc). Dũng nghiên cứu về kỹ thuật điện tử và hệ thống thông tin thuộc dự án phát triển xe hơi không người lái do Hyundai tài trợ. Năm 2014, Dũng hoàn thành luận án về lĩnh vực phát triển các hệ thống thông minh ứng dụng trong xe không người lái. Trong đợt Nghiên cứu sinh, Dũng đã xuất bản nhiều công trình khoa học, đặc biệt có 2 công trình đạt giải báo cáo xuất sắc tại hội thảo quốc tế và 1 bài báo được Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Hàn Quốc công nhận là công trình xuất sắc.
Phó Giáo sư Hoàng Văn Dũng (bên phải) tham gia Hội thảo tại Bồ Đào Nha năm 2013
Khi trở về quê hương tiếp tục công tác tại Trường Đại học Quảng Bình, Dũng luôn ý thức nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, hoạt động nghiên cứu, phát triển ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ. Dũng đã đề xuất nhà trường thành lập nhóm nghiên cứu ISLab (các hệ thống thông minh) để tạo môi trường và động lực nghiên cứu cho sinh viên và giảng viên công nghệ thông tin. Đồng thời, tham gia tổ chức nhiều khóa học thuật chuyên sâu của các tổ chức khoa học quốc tế, như khoa học Trí tuệ nhân tạo và Trí tuệ nhóm do Hiệp hội kỹ thuật thế giới IEEE tài trợ. Dũng đã nỗ lực trao đổi, hợp tác với các đồng nghiệp trong và ngoài nước đạt kết quả tốt. Từ năm 2015 đến nay, Dũng đã thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó nổi bật là chủ nhiệm 1 đề tài cấp quốc gia (NAFOSTED). Đến nay, Dũng đã công bố hơn 60 bài báo khoa học quốc tế danh mục SCI, SCIE và SCOPUS. Dũng đã tham gia trình bày các công trình nghiên cứu tại các hội thảo khoa học chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, các hệ thống thông minh của các hiệp hội Điện và Điện tử quốc tế (IEEE) tại nhiều nước như Canada, Pháp, Áo, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore... Dũng đã lựa chọn hướng nghiên cứu về thị giác máy tính. Đây là lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, có nhiều triển vọng trong tương lai. Kết quả đạt được của lĩnh vực này đang được ứng dụng trong các hệ thống thông minh phục vụ dân sự, quân sự, hàng không vũ trụ, chẩn đoán bệnh trong y học và một số giải pháp tiện ích phục vụ dân sự khác.
Trong quá trình giảng dạy tại Trường Đại học Quảng Bình, Hoàng Văn Dũng vừa tham gia hợp tác nghiên cứu với Viện Telecom SudParis (Pháp), Trường Đại học Ulsan (Hàn Quốc), hợp tác nghiên cứu và giảng dạy sau đại học với nhiều trường đại học trong nước như Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Đà Nẵng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Duy Tân….
Vừa rồi, ngày 27 tháng 11 năm 2019, Hoàng Văn Dũng đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2019 và được Trường Đại học Quảng Bình bổ nhiệm làm Phó giáo sư của trường. Dũng là một trong hai cựu sinh viên đầu tiên trở thành Phó giáo sư Công nghệ thông tin của Trường Đại học sư phạm Huế, và là một trong ba giảng viên của trường Đại học Quảng Bình được phong Phó giáo sư.
Noi gương em trai, các anh chị Dũng đều học hết phổ thông và tiếp tục học xong đại học. Đa số đều công tác trong ngành giáo dục. Đáng nói hơn cả là người chị gái Hoàng Thị Ngân, đã có 2 con (con gái lớn học lớp 5) vẫn tiếp tục học lên trung học phổ thông rồi tốt nghiệp đại học, nay đang công tác ở Sở Giáo dục tỉnh Khánh Hòa.
Nhớ về Trường THCS Quảng Minh, nơi chắp cánh cho Dũng bay lên để trở thành Phó giáo sư- Tiến sỹ, Hoàng Văn Dũng đã cùng một người em họ (là tiến sỹ) tặng 2 tủ sách cho “Thư viện xanh” của nhà trường. Không những thế Dũng còn cùng các giáo sư, tiến sỹ xa quê ủng hộ tiền xây nhà văn hóa thôn Tây, góp phần hoàn thành 19 tiêu chí “xây dựng nông thôn mới”.
H.M.Đ |