Chính sách học phí phải thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa
07.2007
 |
|
Sáng 11 tháng 7 năm 2007, tại trụ sở Hội Khuyến học Việt Nam, Giáo sư-Tiến sỹ Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Thường trực Hội đồng Tư vấn chính sách Giáo dục và Khuyến học đã chủ trì cuộc hội thảo nhằm trao đổi và thảo luận về việc Ngành Giáo dục & Đào tạo dự kiến trình Đề án tăng học phí đối với Giáo dục đại học và phổ thông các cấp và việc TP Hồ Chí Minh trình Hội đồng nhân dân Thành phố Đề án tăng học phí, TP Hà Nội đang dự kiến trình Đề án chuyển 5 trường Mẫu giáo thành trường tư thục (trong đó có việc tăng học phí).
Tới dự có Phó GS-TS Nguyễn Hữu Chí, Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Đặng Quốc Bảo, Học viện Quản lý giáo dục; GS-TSKH Nguyễn Xuân Hãn, Đại học quốc gia; Đồng chí Vũ Mạnh Kha, Chủ tịch Hội Khuyến học Hà Nội, phóng viên Báo Nhân Dân và các đồng chí Uỷ viên thường vụ và Uỷ viên Ban chấp hành Hội Khuyến học Việt Nam trong Hội đồng Tư vấn chính sách Giáo dục và Khuyến học.
Các đại biểu tham dự đã phát biểu trên tinh thần xây dựng, trách nhiệm và tâm huyết với công tác giáo dục đào tạo, tập trung vào một số vấn đề:
- Điểm mấu chốt là Nhà nước cần xây dựng phương án đổi mới chính sách tài chính cho giáo dục trên cơ sở quan điểm của Đảng Giáo dục là quốc sách hàng đầu, nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc tạo ra nguồn lực cho giáo dục và quản lý giáo dục; thể hiện rõ định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục và đào tạo. Dù theo phương án nào về chính sách học phí, cũng phải thể hiện được bản chất ưu việt của chế độ XHCN là không ngừng tăng cường phúc lợi cho người dân, không để người dân đóng góp quá nhiều so với khả năng của họ.
- Tập trung vốn đầu tư của Nhà nước cho các trường công lập, phục vụ đông đảo nhân dân (nhất là nông dân, người nghèo, vùng sâu vùng xa, miền núi); củng cố các trường công lập trọng điểm đào tạo nhân tài; đồng thời hình thành hệ thống các trường tư thục chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của những gia đình có điều kiện.
- Đối với các trường phổ thông công lập nói chung, nếu chưa giảm được thì duy trì mức học phí như hiện nay, tiến tới miễn học phí; cần miễn học phí ngay đối với bậc phổ thông cơ sở như đang thực hiện với bậc tiểu học, vì bậc phổ thông cơ sở đang là bậc học phổ cập ở nước ta.
Các Đại biểu nhất trí cho rằng việc tăng học phí là một chính sách nhạy cảm, tác động đến mọi tầng lớp nhân dân, vì vậy cần có qui trình phù hợp, cần có sự tham gia ý kiến của các tổ chức xã hội liên quan, như Hội Khuyến học, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ..., phải công khai và lấy ý kiến nhân dân trước khi chuẩn bị trình Chính phủ. Không thể cùng một lúc tăng học phí lên gấp mấy lần ở tất cả các cấp học, bậc học, gây thêm khó khăn cho nông dân, dân tộc thiểu số, dân nghèo thành thị.. Nhà nước cần có biện pháp phát triển các Ngân hàng tín dụng và tạo điều kiện cho các học sinh, sinh viên nghèo được vay vốn để học tập.
Được biết ý kiến và bài viết của các đại biểu tham dự hội thảo sẽ được Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam trình lên Thủ tướng Chính phủ.
Lương Thanh Sở |