Gương sáng về một gia đình dân tộc Hà Nhì hiếu học tỉnh Lai Châu
07.2007
Sinh ra và lớn lên ở bản Mé Gióng xã Ka Lăng, một xã đặc biệt khó khăn, cách trung lâm huyện Mường Tè 110 km, Ông Lý Lỳ Phà đã được gia đình tạo điều kiện nuôi cho ăn học. Vốn thông minh lại ham học, ông đã được tuyển vào Trường thiếu niên dân tộc huyện, một loại trường dành cho việc đào tạo con em dân tộc ít người ở địa phương. Năm 1967 tốt nghiệp Trường trung cấp Sư phạm lỉnh Lai Châu và được phân công về giảng dạy tại Trường Thiếu niên dân tộc huyện Mường Tè.
Đến năm 1973 Ông tiếp tục theo học Trường Cao đẳng sư phạm Tây Bắc. Sau khi hoàn thành chương trình học lập, ông trở về huyện Mường Tè tiếp tục sự nghiệp đã lựa chọn, say sưa với sự nghiệp "trồng người". Trong công tác ông luôn gương mẫu trước đồng nghiệp, được bạn bè quý mến, học sinh tin yêu. Từ Hiệu trưởng - Trường Thiếu niên dân tộc huyện Mường Tè, ông được bổ nhiệm làm Phó phòng Giáo dục của huyện, rồi được cử đi học lớp lý luận chính trị tại trường Nguyễn Ái Quốc, sau đó chuyển sang làm Phó chủ tịch UBMTTQ huyện Mường Tè. Qua nhiều năm công tác, Ông luôn phấn dầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ . Năm 1990 Ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Giáo dục huyện và uỷ viên MTTQ huyện Mường Tè, Ông đã được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa IX. Năm 2002 do bệnh tật, sức khoẻ không đảm bảo, nên ông đã được nghỉ hưu theo chế độ.
Là một người ham học, ham hiệu biết tuy không trực tiếp tham gia công tác như trước đây, nhưng ông luôn là người tư vấn cho con cái mình, những người con đang kế nghiệp của ông làm tốt công tác giáo dục ở địa phương. Anh Lý Công Hoà, con trai thứ 4 của ông hiện đang là phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mường Tế; là một thầy giáo trẻ năng động, ham học. Anh đang chuẩn bị tốt nghiệp lớp cử nhân Quản lý giáo dục khoá II tại tỉnh Điện Biên .
Với truyền thống hiếu học của gia đình, của dòng họ, 7 người con của ông đều là những thành viên tích cực trong phong trào học tập. Không những thế họ luôn vận động bạn bè, bà con dân bản tham gia vào phong trào học tập nhằm nâng cao dân trí, góp phần vào việc xóa đói giảm nghèo ở chính quê hương mình. Trong 7 người con của ông thì: 4 người có bằng đại học; 1 người có bằng cao đẳng và 2 người bằng trung cấp (một đang theo học lớp cao đẳng tại chức).
Có thể nói đây là một gia đình người dân tộc Hà Nhì của một huyện khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu có truyền thống hiếu học, Ông luôn răn dạy con cái và học trò của mình là: “Phải học", học để nâng cao hiểu biết; học để về xây dựng quê hương Mường bè ngày một giàu đẹp; học để làm kinh tế gia đình, kinh tế địa phương; học để biết cư xử; học để chung sống . . .
Không chỉ dừng lại ở gia đình mình, mỗi chuyến về quê, Ông đều đến thăm bà con dân bản, tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, vận động các gia đình xây dựng gia đình hiếu học ở địa phương, nhất là việc vận động các gia đình tạo điều kiện cho các cháu gái được đến trường.
Nhằm khích lệ phong trào học tập trong gia đình, nhân các ngày lễ ông đã tổ chức gặp mặt con cháu, dâu, rể; để đánh gía lại thành quả công tác và học tập của con cháu sau một năm. Khen thưởng các cháu có thành tích tốt, phần thưởng Ông dành cho các cháu là những quyển vở, cái bút, tuy đơn giản nhưng nó mang một ý nghĩa lớn lao, nhắc nhở con cháu của ông không được sao lãng trong học tập, phải học thường xuyên, học suốt đời. . . .
Tự hào về người ông , người Cha trong gia đình, con cháu của ông đã không ngừng phấn đấu trong công tác cũng như học tập, họ đã và đang là những thành viên tích cực trong phong trào xây dựng xã hội học tập ở địa phương ./.
Đặng Hồng Liễu
Trích " Khuyến học và giáo dục - Những điển hình mới" tháng 3 năm 2007 của Hội Khuyến học Việt Nam |
admin |