TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục | Tìm hiểu việc khuyến học ở Vĩnh Phúc qua nguồn tư liệu Hán Nôm
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục 04.2024
Tìm hiểu việc khuyến học ở Vĩnh Phúc qua nguồn tư liệu Hán Nôm
06.2008

Khuyến học là một khái niệm dùng để chỉ những hoạt động tạo ra điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất giúp quá trình học tập đạt kết quả. Tùy mục đích, tính chất của mỗi nền giáo dục, ở mỗi quốc gia, trong mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đặt ra nhu cầu về khuyến học khác nhau. Khuyến học nước ta có từ lâu đời và trở thành nhu cầu thường trực trong suốt chặng đường dài của nền giáo dục khoa cử (1075-1919), góp phần quan trọng định thành đội ngũ nhân tài gồm những nhà quân sự, chính trị, ngoại giao, văn hóa, khoa bảng, làm rạng danh cho lịch sử dân tộc.

Vĩnh Phúc là tỉnh đồng bằng và trung du, nằm ở phía tả ngạn sông Hồng, có bề dày lịch sử lâu đời đất đai màu mỡ, phong tục của dân thuần hậu, từ thời Lê đã trở thành nơi trù phú qua câu ngạn ngữ “Nhất Tam Đới nhì Khoái Châu”. Như nhiều tỉnh cùng đồng bằng Bắc bộ, việc khuyến học ở đây rất được coi trọng thể hiện qua chủ trương và chính sách ghi trong tài liệu thành văn chữ Hán hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

Có thể nói rằng, trong suy nghĩ bao đời của người dân Việt Nam nói chung của người Vĩnh Phúc nói riêng đã hình thành quan niệm học không phải chỉ để kiếm”dăm ba chữ Thánh hiền”, mà điều quan trọng là để làm người, theo phương châm “ngọc phải mài mới thành khí, người phải học thì sau mới biết đạo lý”. Song, trong cuộc sống của người dân làm nông nghiệp, khi sản xuất luôn gặp phải nhiều khó khăn trắc trở thì đi học, đi thi, mong đỗ đạt làm quan, làm thay đổi thân phận “chân lấm tay bùn” là ước mơ chính đáng của nhiều người được xã hội chấp nhận. Người dân cũng nhận thức rõ sự thành đạt về khoa cử của một người không chỉ làm vẻ vang cho một nhà, một họ. mà còn làm sang cho cả một xã, một tổng, một huyện, một xứ.

Xuất phát từ quan niệm và nhận thức như vậy, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đề ra chủ trương khuyến học ở khắp các làng xã, xem đây là công việc thường xuyên, lâu dài, không kém phần khó khăn vất vả. Người dân xác định muốn khuyến học đạt hiệu quả cần có giải pháp đồng bộ, vừa bằng tinh thần, vừa bằng vật chất, hỗ trợ cho nhau, mang tính chất nhất quán.

Khuyến học bằng tinh thần thể hiện qua việc người dân cho xây dựng một hệ thống Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ với nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp phủ xuống cấp xã, vì nó là một phương tiện có ích về mặt tâm lý, biểu thị sự tôn sư trọng đạo, nhắc nhở, động viên, khích lệ tinh thần học tập của mọi người.

Cấp phủ là Văn miếu phủ Tam Đới đặt tại xã Cao Xá huyện Bạch Hạc (nay là thôn Cao Đại huyện Vĩnh Tường). Căn cứ theo văn bia Trùng tu Văn miếu tịnh nghi môn bi ký (Bài ký ghi việc trùng tu Văn miếu và nghi môn), dựng năm Cảnh Trị thứ 7 (1669), đời Lê Huyền Tông, do Trần Đăng Tuyển, Tiến sĩ khoa Canh Thìn (1640), giữ chức Binh bộ Thượng thư soạn, cho biết Văn miếu của phủ có từ lâu đời, trải đến thời gian đó đã đổ nát, chỉ còn lại nền, các vị quan chức trong phủ đứng ra tập hợp mọi người trùng tu , hoàn thành trong thời gian 1 năm, theo mô tả trong ngày khánh thành là “điện thờ được làm mới, chế độ hoàn hảo, không phải trạm xà vẽ cột mà tự trang nghiêm, không phải đá đẹp hoa lạ mà tự rạng ngời” Vào đầu thế kỷ XVIII, năm 1702, đời vua Lê Hy Tông (1676-1705), Văn miếu này trùng tu một lần nữa, tiến hành trong năm năm liền, khi hoàn thành tạo thành một quần thể khá đồ sộ, gồm 5 gian chính điện, 3 gian tiền đường, 2 dải vũ, mỗi dải 2 gian, tạo một chiếc cầu vượt 7 gian bắc qua một chiếc ao trong khuôn viên, các tòa nhà đều lập ngói, đắp thêm tượng Thập triết…Về sau, khi phủ Vĩnh Tường thành lập (1822), sau một thời gian, Văn miếu phủ Tam Đới bàn giao cho phủ Vĩnh Tường quản lý, trở thành Văn miếu phủ Vĩnh Tường, rồi phát triển thành Văn miếu tỉnh Vĩnh Yên (1925) đặt tại xã Định Trung huyện Tam Dương.

Cấp huyện là Văn từ hàng huyện, như Văn từ huyện Bình Xuyên đặt tại thôn Đức Cung (nay là xã Cao Minh huyện Mê Linh), Văn từ huyện Lập Thạch đặt tại xã Sơn Bình, Văn từ huyện Yên Lạc đặt tại xã Vĩnh Mỗ.

Cấp tổng là Văn từ hàng tổng, như Văn từ tổng Bá Hạ huyện Bình Xuyên, Văn từ tổng Sơn Bình huyện Lập Thạch, Văn từ tổng Sơn Quyết huyện Tam Dương, Văn từ tổng Hoàng Xuyết huyện Yên Lạc…Còn văn chỉ cấp xã dường như trở thành phổ biến.

Tại những cơ sở nêu trên, người dân còn dựng bia ghi họ tên người bản quán đỗ Tiến sĩ và làm quan để con em họ chiêm ngưỡng, sinh lòng hâm mộ, phấn đấu đỗ đạt. Chẳng hạn như Văn tù hàng huyện của huyện Yên Lạc, vào năm Minh Mệnh thứ 15 (1834), các vị Văn hội ở đây khắc từ Phạm Công Bình, đến Nguyễn Tự Cường, gồm 20 người, đỗ trải các khoa từ triều Lý đến triều Lê hoặc ở Văn từ huyện Lập Thạch, vào năm Kỷ Tỵ thuộc niên hiệu Tự Đức (1869), khắc từ Triệu Tướng công (Hà Nhậm Đại), gồm 22 người, đỗ từ thời Lê sơ đến thời Mạc. Văn chỉ xã Nghinh Tiên huyện Yên Lạc (nay là thôn Nghinh Tiên xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc) khắc Trần Hùng Quán, đỗ Tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) đời Lê Thánh Tông, làm quan đến chức Đình úy chính; xã Đinh Xá (nay là thôn Đinh Xá xã Nguyệt Đức huyện Yên Lạc) khắc Tạ Hiển Đạo, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1554) đời Mạc Phúc Hải, làm quan đến chức Hiến sát sứ…

Sau khuyến học bằng tinh thần là khuyến học bằng vật chất, coi đây là động lực chính, có tác dụng thiết thực thúc đẩy việc học. Muốn vậy khâu xây dựng trường lớp làm chỗ cho con em học tập phải đầu tư đích đáng. Ngay từ thời Lê, vào năm Chính Hòa thứ 23 (1702), hai xã Văn Trưng và Lăng Trưng huyện Bạch Hạc cùng nhau bàn bạc, thấy rằng “làng ta là nơi văn vật, sinh ra nhân tài ở đây, chẳng phải không nhiều, người ham chuộng thi thư ở đây không phải là ít, nhưng trường học ở làng chưa dựng, giáo pháp còn thô sơ, e rằng việc học sẽ lo từng hộ khởi phát, triệt đường tiến bước, chẳng phải là để dẫn dụ hậu học”, nên hai xã quyết định không hẹp hòi gia sản, quyên góp ruộng đất dựng ngôi trường làng trên diện tích 3 sào đất. Đây là ngôi trường làng sớm nhất ở Vĩnh Phúc phản ánh qua tư liệu văn bia. Về sau, đến năm Tự Đức thứ 4 (1851), ngôi trường này xây mới hoàn toàn, thành 10 gian nhà học. Xã Phú Đa cùng huyện, vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) nhận định: “Hễ thành phong tục, không gì bằng ở việc học”, cùng nhau đóng góp gia tài trong dân được 800 quan tiền cổ, trích một phần tiền dựng 2 dãy nhà học, mỗi dãy 5 gian. Một số cá nhân như Quan viên Lê Thúc Khải cùng vợ Nguyễn Thị Thanh ở xã Đại Thịnh vào năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), tự nguyện bỏ ra 3 sào ruộng, ao, vườn cho dân xây dựng trường học. Trị sự Nguyễn Trọng Điển, người thôn Đông xã Vĩnh Mỗ huyện Yên Lạc, vào năm Gia Long thứ 9 (1803) hiến cho thôn một khu đất để dựng trường làng.

Để học sinh yên tâm học tập, nhiều xã đề ra chính sách miễn giảm các khoản phú thuế binh đao cho họ. Có thể thấy điều này qua qui định của xã Bảo Trưng huyện Vĩnh Tường: “người nào đến tuổi đi học, bản sẽ miễn các khoản sưu sai”; xã Phù Chính quy định cụ thể hơn: “Phàm người trong xã phải đích thực theo học được miễn binh đao”. Tương tự như thế là quy ước của xã Kim Giao huyện Yên Lãng: “Lệ cho sĩ tử, người nào đỗ nhất trường, nhị trường, Tam trường, các khoản tạp dịch được miễn trừ”.

Bên cạnh đó, học sinh còn được tạo điều kiện về giấy bút, nhưng phải qua sát hạch, như ở xã Phú Đa: do xã có 3 mẫu ruộng “trát bút” giao cho Hội Tư văn cày cấy, hễ vào ngày sóc vọng (mồng 1 và ngày rằm) hàng tháng, xã chỉnh biện 1000 tờ giấy nhỏ, mời sĩ nhân đến dự, ai làm được một bài thơ hoặc một bài tứ lục đỗ thứ nhất, được thưởng 300 tờ, ai đỗ thứ hai được thưởng 200 tờ, ai đỗ thứ 3 được thưởng 100 tờ…Hoặc trợ cấp tiền khi đi thi, mỗi người 1 quan, như ở xã Bồ Điền, ghi tại điều 4 trong Hương ước của xã.

Thưởng cho học sinh cũng là cách làm khá phổ biến. Loại này áp dụng cho người dự thi Hương và thi Hội, quy định người nào đỗ càng cao thưởng càng lớn, nhằm khích lệ sĩ tử hăng hái bước vào đường khoa hoạn. Chẳng hạn như ở xã Bảo Trưng, vào năm Tự Đức thứ 30 (1877) quy định: “Lệ cho người nào đỗ Đại khoa (Tiến sĩ) mừng tiền 200 quan đỗ Trung khoa (Cử nhân) mừng tiền 100 quan, đỗ Tiểu khoa (Tú tài) mừng tiền 50 quan. Có nơi còn dùng đất bãi ven sông (châu thổ) làm phần biếu cho người đỗ khoa trường, như xã Chu Phan huyện Yên Lãng. Khoản 19, Tục lệ của xã viết: “Lệ chia đất kinh biếu: người nào đỗ Đại khoa, lưu biếu 2 mẫu, đỗ Trung khoa, lưu biếu 1 mẫu, đỗ Tiểu khoa, lưu biếu 6 sào. Khi sĩ tử vinh quy được dân làng đón tiếp nồng hậu, kèm theo đó là món tiền lớn. Ví dụ như xã Mạnh Trữ (huyện Yên Lãng), người ta qui định: “Người trong làng trúng Tiến sĩ, ngày vinh qui làng dọn dẹp đường xá, sửa sang mũn áo, rước đón y như rước nghi vệ của thần, mừng tiền 100 quan. Người nào đỗ Phó bảng hoặc Cử nhân, được đón tiếp, mừng tiền 30 quan”.

Tiếp đến là đặt ruộng học (học điền), bởi quan điểm của người dân “Học mà không có ruộng biết lấy gì mà mở mang thông minh mà làm phương tiến đức, học mà không có ruộng thì lấy gì để lo dưỡng người thầy mà tỏ ý trọng đạo” Quan điểm ấy xuất phát từ thực tiễn là người thầy giáo xưa, dù là nhà khoa bảng không ra làm quan, hoặc cáo quan trở về nhà, hoặc là những cử nhân Tú tài…, miễn là thầy giáo làng đều không được biên chế của nhà nước và không có lương, do vậy phải dựa vào học điền, lấy hoa lợi làm lương cho thầy. Nét chú ý của đặt ruộng học ở Vĩnh Phúc là có cả một phong trào diễn ra khá sôi nổi: ở tổng có học điền hàng tổng, như tổng sơn bình huyện Lập Thạch đặt 16 mẫu; ở xã có học điền hàng xã, như xã Đinh xá huyện Yên Lạc đặt 2 mẫu 5 sào; ở thôn có học điền của thôn, như thôn Tri Chỉ (huyện Yên Lao đặt 6 mẫu.

Qua xem xét, chúng tôi thấy việc đặt học điền thông qua ba hình thức, gồm trích từ ruộng công như ở xã Tráng Việt huyện Yên Lãng, thành 2 mẫu 4 sào; hoặc do xã mua như ở xã Đồng Tâm huyện Yên Lạc, là 2 mẫu và do từng cá nhân cung tiến như ở xã Đại Tự (huyện Yên Lạc), với 15 người tự nguyện góp ruộng tư, gộp thành 1 mẫu 9 sào 5 thước 9 tấc. Trong ba hình thức vừa nêu, loại thứ ba (do từng cá nhân cung tiến) là phổ biến nhất.

Số học điền của xã dù nhiều hay ít đều do xã quản lý, giao cho người nào có đủ điều kiện lĩnh canh, thu thóc theo qui định của từng nơi giao cho thầy, thay thế cho nguồn lương của nhà nước, nhằm đảm bảo cuộc sống, khiến người thầy yên tâm trong công việc.

Ngoài ra, cũng có nơi dùng học điền thu hoa lợi để chu cấp cho người đi học, do hoàn cảnh của họ gặp khó khăn, thiếu thốn, như ở xã Mạnh Trữ, đặt 6 sào, giao cho người đi học tự cày cấy, ghi tại Hương ước của làng.

Sau cùng là khâu lựa chọn người thầy, coi đây là vấn đề quan trọng được nhiều làng xã quan tâm. Bồi suy cho cùng nếu có người thầy giỏi thì học sinh mới mau tiến bộ, sớm đỗ đạt thành tài. Tuy mới nơi có cách lựa chọn khác nhau những điểm chung của tất cả các xã khi mới thầy về dạy là tìm người giỏi, tận tụy với công việc, có kinh nghiệm giảng tập. Hai xã Văn Trung và Lăng Trưng của huyện Vinh Tường có cách làm riêng, xã không trực tiếp đứng ra mời thầy mà ủy quyền cho tập thể đảm nhận: "Giao cho quan viên và Văn hội của hai xã cùng các thiện tín đứng ra giám sát tự mời thầy giỏi". Chức sắc xã Bồ Điền tự đứng ra mời thầy thì qui định: "Mời thầy giáo về dạy phải là người có khoa mục danh vọng". Hoặc như xã Phù Chính quy định ở mức cao hơn: đón thầy giáo làng tất phải là người đỗ Cử nhân hoặc Tú tài có danh tiếng". Khi đáp ứng tiêu chuẩn, người thầy ngoài hưởng lương bằng thóc còn được làng xã giành một số ưu đãi khác hoặc kính biếu lễ vật vào các dịp lễ tiết trong năm. Văn bia học điền của xã Phù Chính tại Điều 4 quy định: "Học điền do thầy được lựa chọn lĩnh canh, người trong ấp không được tranh chấp. Hoặc thầy giáo có người nhà lãnh canh cũng được", còn ở Điều 6: "Mỗi năm vào ba tiết Đoan ngọ, Thường lân, Nguyên đán, mỗi tiết mừng thầy 2 quan tiền. Y phục hàng năm trị giả 6 quan giao cho thầy". Xã Văn Trưng và Lăng Trưng cũng ghi nhận trên văn bia học điền của mình tại Điều 1 : "Hễ là học điền hạng tốt (thượng hạng) thì giao cho thầy canh tác,, Điều 5 : "Nếu người thầy đi thi xã sẽ ứng lễ 2 quan tiền, Hội Tư văn có ăn uống đều phải kính biếu thầy". Riêng xã Phú Đa có lệ thù lao khá đặc biệt, theo ghi nhận trên văn bia, người thầy ở đây được anh thêm một khoản, gọi là "Tiễn khách tiền", tức khoản tiền đãi khách, gồm 1 quan. Số là xã này hàng năm có lệ khóa tập sĩ nhân, tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 8, mời thầy làm giám khảo, khi dự xong, xã trích tiền công trả thù lao nên có lệ đó.

Trên đây là tình hình hoạt động về khuyến học ở Vĩnh Phúc trong quá khứ ghi nhận qua tài liệu văn bia và hương ước. Với nguồn thông tin này, ta có thể thấy việc khuyến học ở Vĩnh Phúc có lịch sử lâu đời, đi liền với nền giáo dục khoa cử đang thịnh hành ở nước ta trong quá khứ. Nét nổi bật ở đây là sự nhận thức đúng đắn của người dân về khuyến học, xem đó là công việc chung của cộng đồng làng xã. Người dân đã cùng nhau huy động sức người sức của tạo ra cơ sở vật chất, từ dựng Văn miếu, Văn từ, Văn chỉ đến xây trường lớp, giúp đỡ học sinh, đặt học điền, mời thầy dạy, tất cả đều dựa vào dân, do dân đóng góp. Các chủ trương và chính sách khuyến học đa dạng, phong phú bằng cả tinh thần lẫn vật chất, trong đó vật chất là chủ yếu. Các hoạt động về khuyến học không mang tính hình thức mà rất cụ thể, thể hiện qua chính sách miễn giảm sưu dịch, trợ cấp giấy bút, ban thưởng. . . Chính vì vậy đã tạo động lực thúc đẩy mọi người trong địa bàn say mê học tập, trở thành những nhà khoa bảng lớn của tỉnh cũng như của đất nước, như Phạm Công Bình, Đào Sư Tích, Triệu Thái, Đỗ Nhuận, Nguyễn Duy Thì, Nguyễn Khắc Cần . . .

Khuyến học trong giai đoạn hiện tại của người dân Vịnh Phúc vẫn được phát húy mạnh mẽ dựa trên bề dày truyền thống và những kinh nghiệm rút ra từ cuộc sống sinh động. Mặc dù khuyến học ngày nay nằm trong xu thế chung của toàn quốc là để tạo ra những con người có tri thức hiện đại phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhưng chỉnh quyền và người dân nơi đây vẫn xác định hướng về nông thôn là chủ yếu, lấy học sinh làm đối tượng chính. Hàng năm tỉnh đều tổ chức lễ tuyên dương học sinh tiên tiến bằng cả tinh thần và vật chất, qua đó khích lệ học sinh hăng hái học tập, tạo ra những con người mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong giai đoạn hội nhập quốc tế.

Tìm hiểu khuyến học ở Vĩnh Phúc để rút ra những kinh nghiệm quí báu vận dụng vào công tác khuyến học, khuyên tài trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. Trước mắt ở góc độ nghiên cứu, chúng tôi thấy cần khôi phục Văn miếu của tỉnh, đồng. thời giữ nguyên hiện trạng của một số Văn từ, Văn chỉ hiện còn, bởi đây là nơi biểu thị lòng tôn sư trọng đạo, truyền thống khoa bảng rất đáng tự hào của người dân địa phương, thể hiện tinh thần khuyến học đáng trân trọng. Ngay bây giờ cần định hướng sưu tầm tư liệu thành văn, tư liệu hiện vật liên quan đến lịch sử Văn miếu Vĩnh phúc, các tài liệu đề cập đến khuyến học, đến danh nhân khoa bảng của tỉnh, sau đó tiến hành nghiên cứu, làm cơ sở khoa học cho các bước tiếp theo.

vinhphuc.gov.vn (Theo Tạp chí Hán Nôm số 5/2007)



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.241 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.