TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Giáo dục đại học có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra các cơ hội cho mọi người học tập suốt đời
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Giáo dục đại học có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra các cơ hội cho mọi người học tập suốt đời
11.2018

Xem hình
GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam
Website của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của GS.TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tại hội thảo "Vai trò của trường Đại học với học tập suốt đời của người lớn":

"Nhân dân ta có truyền thống hiếu học, lại thông minh, sáng tạo và cần cù. Những tố chất quý báu đó không ngừng được nuôi dưỡng, phát huy và đã giúp đất nước phát triển không ngừng nhờ truyền thống tốt đẹp đó. Những danh nhân nổi tiếng trong lịch sử nước nhà đã có cống hiến to lớn cho lợi ích nhân dân, lợi ích dân tộc như: Đào Duy Từ, Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn... cũng từ khổ học kết hợp với các tố chất quý báu của người dân Việt Nam yêu nước mà thành danh, lưu truyền đến muôn đời con cháu. Đặc biệt Bác Hồ của chúng ta – Người đã cùng với Đảng dẫn dắt nhân dân Việt Nam ta từ lầm than đi lên và được thành quả như ngày hôm nay cũng chính là do Bác đã học, Bác học ở mọi nơi, mọi quốc gia Bác đã đi qua, học ở mọi hoàn cảnh, kể cả ở trong tù.... Do đó Bác đã tích lũy được kho tàng kiến thức quý báu, dẫn dắt Cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh, đến bến bờ vinh quang. Bác là một tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo vì tinh thần học tập. Bác nói: “Thế giới tiến bộ không ngừng, ai không học là lùi”. Lời dạy của Bác càng ngày càng được thực tế chứng minh và có thể thấy đó là chân lý không thể phai mờ. Trong bối cảnh hiện nay lời Bác dạy lại càng được tỏa sáng qua trải nghiệm thực tế xây dựng và phát triển đất nước bởi tính đúng đắn của lời dạy đó. Nhìn vào sự phát triển của nước ta và của nhiều nước trong khu vực và quốc tế, chúng ta thấy hiện có khoảng cách lớn về trình độ quản lý, trình độ chuyên môn, chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế xã hội đang phát triển, thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ hiện nay và điều đó đang đe dọa phá vỡ nhiều kế hoạch trong chiến lược phát triển, trong đó có thị trường lao động. Nếu chúng ta không có giải pháp khắc phục thì điều này sẽ  diễn ra nhanh chóng hơn chúng ta nghĩ.
 
Thật vậy, hiện nay trong khi các nước tiên tiến phát triển đất nước dựa vào vốn tri thức do học tập, sáng tạo, nghiên cứu mà có. Phần lớn các thành tựu họ đạt được đều dựa trên sự hiểu biết và do nắm bắt nhanh chóng các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại thì Việt Nam chúng ta, mặc dù đã có nhiều chủ trương phát triển đất nước phải dựa vào kinh tế tri thức, coi giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ là quốc sách hàng đầu, Chính phủ có nhiều giải pháp triển khai chủ trương trên nhưng kinh tế tri thức vẫn chưa phát triển, sự hiểu biết đủ để vận dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại vẫn còn khoảng cách khá xa so với các nước, thậm chí có nước cách đây vài chục năm họ còn thua kém ta. Chúng ta vẫn phát triển kinh tế dựa vào lao động giản đơn và khai thác tài nguyên đến cạn kiệt trong một thời gian dài như vậy. Việt Nam đã tụt hậu nhiều so với nhiều nước, tuy kinh tế Việt Nam vẫn phát triển nhưng còn thiếu bền vững. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa Việt Nam và các nước phát triển. Tại sao Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách, người Việt Nam lại hiếu học, thông minh, cần cù, sáng tạo mà lại có tình trạng trên? Điều đó đặt cho Hội thảo hôm nay trách nhiệm phải giải đáp.
 
Các trường Đại học của chúng ta, ngoài nhiệm vụ chính là Đào tạo và Nghiên cứu khoa học, là nơi cung cấp nguồn nhân lực tối cần thiết để phục vụ hầu hết yêu cầu của tất cả các vị trí công tác ở tất cả các khu vực kinh tế. Thực tế đã chứng minh một quốc gia muốn phát triển về khoa học công nghệ và tăng trưởng kinh tế bền vững thì nhất thiết phải có 2 yếu tố: Một hệ thống giáo dục Đại học hoàn chỉnh đẳng cấp quốc tế và một lực lượng lao động chất lượng tốt, mà lực lượng lao động này phần lớn do chính các trường Đại học cung cấp. Nhiệm vụ thật nặng nề nhưng thật vinh quang vì như vậy sự phát triển bền vững của đất nước lại do hệ thống giáo dục Đại học quyết định.
 
Giáo dục Đại học còn có nhiệm vụ quan trọng là tạo ra các cơ hội cho mọi người học tập suốt đời, tạo điều kiện và sẵn sàng cập nhật các kiến thức và kỹ năng thường xuyên theo mọi nhu cầu của xã hội, bởi vì sau khi tốt nghiệp các trường Đại học, Trường nghề hoặc cả những người chưa học qua các bậc học sau khi thi tốt nghiệp PTTH..., luôn có nhu cầu tìm kiếm và trau dồi tri thức mới, không ngừng muốn học tập nâng cao trình độ, hiểu biết của bản thân để phục vụ nhu cầu công tác hoăc nhu cầu cuộc sống, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cuộc cách mạng số sẽ gạt tất cả những ai kém hiểu biết, lười học tập sang một bên, giành chỗ cho những người đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc thì việc học để trau dồi tri thức lại càng trở nên cấp thiết.
 
Các đối tượng có nhu cầu học tập có thể kể đến:
 
1. Những người đang nắm các cương vị lãnh đạo thì luôn muốn phát triển năng lực, trí tuệ, củng cố vị trí và luôn muốn hoàn thiện mình để có uy tín trong tổ chức.
 
2. Những người đang công tác trong các cơ quan, doanh nghiệp thì muốn nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng cuộc sống nhằm phát triển bền vững bản thân, gia đình thông qua hiểu biết và không muốn có sự cách biệt với đồng nghiệp vì sự yếu kém của mình, nhất là khi cạnh tranh về vị trí công việc đang diễn ra gay gắt hiện nay.
 
3. Những người đã về hưu thì muốn tìm đến các trường Đại học để đọc, nghe, học và tìm hiểu các chuyên đề phục vụ cho cuộc sống mới, có thể họ muốn khởi nghiệp, muốn tìm hiểu văn hóa ứng xử của người già, họ cũng muốn học các môn về nâng cao sức khỏe...
 
4. Cán bộ giảng dạy trong các trường Đại học muốn học liên tục để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.
 
5. Những thách thức về chất lượng nguồn nhân lực hiện nay, kể cả đối với sinh viên vừa tốt nghiệp hiện chưa tìm được việc làm muốn trau dồi thêm tri thức, kỹ năng cần thiết để khởi nghiệp hoặc tham gia thị trường lao động, đòi hỏi các trường Đại học phải có chương trình đào tạo lại đáp ứng yêu cầu. Từ đó cũng đòi hỏi chúng ta phải thay đổi nhanh hơn phương pháp đào tạo theo hướng mở, gắn kết với thực tiễn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cần có của đất nước.
 
Như chúng ta đều biết: Báo cáo của Ủy ban quốc tế về giáo dục trong thế kỷ 21 của UNESCO có tiêu đề “Học tập: Kho báu bên trong” nhấn mạnh 4 trụ cột của giáo dục; Các đối tượng cần tìm đến các trường Đại học tôi vừa nêu trên là các đối tượng cần 4 trụ cột đó. Các trường Đại học tùy nhiệm vụ của mình và nhu cầu người học mà cần truyền tải 4 điều này tới nhu cầu của mỗi đối tượng trong xã hội một cách hợp lý nhất, nhanh nhất, chính xác nhất. Việc này quả là không dễ dàng nếu tư duy về đào tạo của chúng ta vẫn chậm đổi mới so với sự đổi mới và phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ.
 
Trong điều kiện đó yêu cầu các Trường phải có:
 
1. Chất lượng đội ngũ Giảng viên và cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu.
 
2. Có môi trường giáo dục tốt, tạo điều kiện và cơ hội học tập cho tất cả mọi người.
 
3. Hệ thống tài nguyên giáo dục phải phong phú:
 
- Giáo trình đa dạng, các chuyên đề luôn cập nhật tri thức mới;
 
- Các loại chương trình học tập linh hoạt cho thời gian vài ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 năm cho người học cần chứng chỉ; không cần chứng chỉ;
 
- Các loại chương trình phổ biến kiến thức theo kiểu cầm tay chỉ việc;
 
- Các loại chương trình liên doanh liên kết với các trường Đại học trong, ngoài nước, với các doanh nghiệp;
 
- Thư viện hiện đại với tài liệu tham khảo phong phú;
 
- Trang thiết bị đào tạo hiện đại, đáp ứng nhu cầu.
 
Tài nguyên giáo dục này sẽ giúp người học khai thác, cập nhật kiến thức khi đang ở bất cứ đâu vì không phải cứ đến trường mới là đi học. Do đó nó phải được điện tử hóa để tạo điều kiện cho tất cả mọi người – những ai muốn học và ham học. Đây cũng là 1 trong những yêu cầu của hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông với môi trường bên ngoài, tăng cơ hội tiếp cận tri thức cho mọi người mà buộc chúng ta phải xây dựng để phục vụ cho việc học suốt đời của mọi người. Muốn làm được điều đó, phải chăng các trường Đại học cần mở rộng liên kết đào tạo hơn nữa, cần tăng tính thực tiễn nhiều hơn trong chương trình đào tạo, tham gia tích cực hơn vào hệ thống giáo dục thường xuyên, các trung tâm đào tạo, các Trung tâm học tập cộng đồng.
 
Hội thảo này cũng là để chúng ta một lần nữa suy ngẫm về trách nhiệm của mình (các trường) đối với nhiệm vụ được giao. Nếu có quá nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ nặng nề đó thì cùng tìm cách tháo gỡ. Song trước tiên, miễn là từng trường quyết tâm đổi mới để thực hiện sứ mệnh của mình.
 
Như vậy các trường Đại học phải là nơi giúp giải quyết các vấn đề cốt lõi trong phát triển đất nước. Tôi  đề nghị các vị đại biểu đến dự Hội thảo này cùng thảo luận, đóng góp ý kiến, kinh nghiệm quý báu để làm thế nào các trường Đại học phục vụ tốt nhất nhu cầu học tập suốt đời của mọi đối tượng, thu hút người học thông qua các chương trình hấp dẫn không chỉ tại trường mà ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm học tập cộng đồng, tại các doanh nghiệp...
 
Trước yêu cầu của nền kinh tế kết nối, học tập và học tập suốt đời là con đường duy nhất để phát triển bền vững, là chìa khóa của mọi thành công. Học tập suốt đời phải được coi là bản năng của tất cả mọi người.
 
Tôi hy vọng sau Hội thảo này, các trường Đại học sẽ có nhiều đổi mới, là địa chỉ tin cậy đầu tiên để người học tìm đến để học tập nâng cao trình độ, hiểu biết, kỹ năng đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra nhanh chóng hiện nay. Tôi cũng đề nghị Chính phủ  sớm hoàn thiện các cơ chế, Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm chỉ đạo triển khai các chính sách, tạo điều kiện cho các trường Đại học hoàn thành được nhiệm vụ rất nặng nề mà một thời gian khá dài chúng ta thúc đẩy chậm."


Website Hội KHVN



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.196 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.