TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Khuyến hoc và Giáo dục | Giáo dục và khởi nghiệp
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Khuyến hoc và Giáo dục 04.2024
Giáo dục và khởi nghiệp
08.2016

Xem hình
Bài viết về chuyên đề Giáo dục và khởi nghiệp của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam.

I. Giáo dục khởi nghiệp – một xu hướng trong đào tạo đại học

Khởi nghiệp (khởi tạo doanh nghiệp) là một chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học trên thế giới, giúp cho giới sinh viên trẻ hiểu biết và có năng lực tạo lập doanh nghiệp mới sau khi họ rời ghế nhà trường. Cho đến nay, hầu hết các quốc gia đều khẳng định rằng, khởi nghiệp có vai trò rất lớn với tư cách là động lực mạnh mẽ của sự phát triển kinh tế  - xã hội. Với thuật ngữ “khởi nghiệp”, ai cũng nghĩ đến việc lập ra doanh nghiệp mới với những quy mô to, nhỏ khác nhau, nhưng vấn đề có ý nghĩa rộng hơn nếu ta coi khởi nghiệp như giải pháp để giải quyết việc làm, khắc phục tình trạng thất nghiệp, tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.v.v…

Để khởi nghiệp tạo ra hướng đi đúng đắn và phát triển mạnh mẽ, người ta đặc biệt chú ý đến giáo dục khởi nghiệp (Entrepreneurship Education) nhằm đào tạo ra những con người có phẩm chất và năng lực tạo dựng doanh nghiệp như tinh thần đổi mới, tư duy sáng tạo, tinh thần mạo hiểm, năng lực giao tiếp, những tri thức về khoa học và công nghệ, đạo đức kinh doanh.v.v…

Con người muốn có năng lực khởi nghiệp phải được đào tạo sâu rộng về chuyên ngành, nhưng lại phải có vốn tri thức phong phú về kinh tế học, triết học, tâm lý học, xã hội học, đạo đức học, khoa học và công nghệ… Cùng với yêu cầu này, con người muốn khởi nghiệp phải năng động sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro, luôn luôn học  hỏi để vươn lên, vượt qua chính mình.

Trên thế giới, vấn đề khởi nghiệp đã được đặt ra từ lâu. Năm 1947, Đại học Harvard (Mỹ) đã mở Chương trình “Giáo dục khởi nghiệp”, đến năm 1989 thì UNESCO chính thức đưa ra khái niệm “Chương trình khởi nghiệp”. Tiếp sau Mỹ có một số quốc gia lần lượt đưa Chương trình giáo dục khởi nghiệp vào kế hoạch đào tạo ở các trường đại học. Riêng Việt Nam, gần đây chúng ta mới  nói đến khởi nghiệp, còn chương trình giáo dục khởi nghiệp thì trong các văn bản của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thấy có ý tưởng gì. So với các nước, Việt Nam đặt vấn đề khởi nghiệp quá chậm, nhưng đặt ra chậm mà tìm được  cách làm hay thì cũng là biểu hiện đổi mới tư duy, bởi vì nói đến phát triển kinh tế thị trường mà không khởi nghiệp, chắc chắn thị trường sẽ ảm đạm.

II. Sự phát triển giáo dục khởi nghiệp ở một số quốc gia trên thế giới

1. Giáo dục khởi nghiệp ở Hoa Kỳ

Hoa Kỳ là quốc gia triển khai giáo dục khởi nghiệp sớm nhất thế giới. Năm 1947, Học viện kinh doanh Harvard đã mở đầu chương trình “Quản lý doanh nghiệp đổi mới” cho sinh viên, sau đó các trường đại học  của Mỹ đã mở ra trên 5000 chương trình khởi nghiệp. Năm 1968, Học viện kinh doanh Harvard xây dựng chuyên ngành giáo dục khởi nghiệp và đến năm 2006, cả nước Mỹ đã có trên 500 trường đại học xác lập chuyên ngành học chính hoặc bổ trợ về khởi nghiệp, qua đó có thể trao văn bằng và học vị cả 3 cấp cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ.

Từ thực  tế của Hoa Kỳ, ta có thể rút ra mấy vấn đề có tính lý luận sau:

- Là bộ phận cấu thành hữu cơ của giáo dục đại học, giáo dục khởi nghiệp vừa có thuộc tính chung của giáo dục lại vừa tương quan mật thiết với hoạt động kinh tế. Hoạt động khởi nghiệp phụ thuộc  vào nhiều nhân tố như tình hình kinh tế trong và ngoài nước, kết cấu kinh tế khu vực, chính sách khởi nghiệp khu vực… nên chương trình giáo dục khởi nghiệp phải được thiết kế khác nhau cho phù hợp với tình hình kinh tế luôn chuyển động.

- Do tinh năng động của quá trình khởi nghiệp mà chương trình giáo dục khởi nghiệp luôn phải điều chỉnh. Để chỉ đạo chương trình khởi nghiệp trong trường đại học, năm 2004, Hiệp hội Giáo dục khởi nghiệp Mỹ đã phải quy định “Tiêu chuẩn nội dung quốc gia về giáo dục khởi nghiệp”. Căn cứ vào phương hướng nội dung khởi nghiệp mà trường đại học lựa chọn chương trình của mình theo những chủ đề cần thiết. Những chủ đề cơ bản là quá trình khởi nghiệp, hành vi khởi nghiệp, cơ sở thương mại,kỹ năng giao tiếp, kỹ năng số, quản lý tài vụ, quản lý kinh doanh, quản lý rủi ro, quản lý vận hành.v.v… mà chương trình giáo dục xác định các loại kỹ năng phải có. Ba loại kỹ năng mà chương trình giáo dục khởi nghiệp phải xây dựng là: Kỹ năng khởi nghiệp, kỹ năng dự bị và kỹ năng doanh nghiệp.

Nguyên tắc chung về xây dựng chương trình giáo dục khởi nghiệp là:

- Xây dựng nhóm chương trình giáo dục khởi nghiệp dựa  trên quá trình khởi nghiệp.

- Xây dựng nhóm chương trình giáo dục khởi nghiệp xung quanh chuyên ngành khởi nghiệp.

- Xây dựng nhóm chương trình giáo dục khởi nghiệp dựa vào tri thức chuyên ngành.

- Xây dựng nhóm chương trình  giáo dục khởi nghiệp nhằm vào các chuyên đề cụ thể. Các chuyên đề cụ thể mà sinh viên nhiều trường cần được tiếp cận là khởi nghiệp công nghệ, khởi nghiệp doanh nghiệp gia đình và khởi nghiệp xã hội.

Ở Mỹ có Quỹ Kauffman chuyên ủng hộ giáo dục khởi nghiệp. Quỹ đã thành lập một nhóm đề tài nghiên cứu về địa vị và vai trò của giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học của Mỹ. Những đề tài này có thể khơi dậy và xúc tiến cải cách giáo dục, phát triển giáo dục khởi nghiệp mà tương lai của nước Mỹ phải dựa vào.

2. Giáo dục khởi nghiệp ở Anh

Giáo dục khởi nghiệp ở nước Anh bắt đầu từ thập kỷ 60 của thế kỷ trước. Đến thập kỷ 80 thì giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học của Anh đã rất phát triển.

Kể từ năm 1982 đến nay, nhiều trường đại học của nước Anh đã tổ chức những sự kiện như: Khởi động dự án “Sinh viên khởi nghiệp” (1982); Khởi dộng kế hoạch khởi nghiệp trong trường đại học (1987); Công bố sách trắng “Cạnh tranh của chúng ta – xây dựng nền kinh tế tri thức” (1998); Thành lập 12 trung tâm khởi nghiệp (2000); Quỹ khởi nghiệp giáo dục đại học (2004); Thành lập Ủy ban khởi nghiệp sinh viên toàn quốc (2005).v.v…

Tại Anh quốc, có tới 45% trường đại học  mở một hoặc nhiều chương trình giáo dục khởi nghiệp, trong đó có Oxford, Cambride… Có thể nói, giáo dục khởi nghiệp ở Anh phát triển nhanh do 3 yêu cầu sau:

- Các doanh  nghiệp tuyển sinh viên tốt nghiệp đại học thường đòi hỏi ở họ “năng lực làm sự nghiệp”, biết giải  quyết vấn đề nhanh và sáng tạo, có nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng di chuyển công việc;

- Tỷ lệ  thất nghiệp ở Anh khá cao, tới 7,8%, trong đó khá đông là lao động trẻ tuổi. Tình hình này dẫn đến việc phải giúp cho thanh  niên năng lực khởi nghiệp;

- Nhiều sinh viên đã không còn cam chịu đi làm thuê, mà hy vọng có doanh nghiệp riêng. Trường đại học Anh đã nhận thấy phải giúp cho sinh viên tinh thần khởi nghiệp, năng  lực sáng tạo để ứng phó với tương lai bất định. Chính phủ Anh đã có quy định và chính sách đối với giáo dục khởi nghiệp để các trường đại học phục vụ tốt hơn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều trường đại học của Anh đã coi trọng những tài năng khởi nghiệp, một số trường còn chuyển hướng theo mô hình đại học khởi nghiệp (The Entrepreneuriall University).

Đặc điểm của sự phát triển giáo dục khởi nghiệp trong các trường đại học của Anh là:

Làm rõ mục đích  giáo dục khởi nghiệp: Lúc đầu, trường đại học Anh hướng giáo dục khởi nghiệp vào việc  đào tạo sinh viên thành những ông chủ. Về sau, họ xác định lại mục tiêu giáo dục khởi nghiệp có tính chiến lược hơn: Làm rõ quy luật chung, nguyên lý và phương pháp khởi nghiệp, ý thức và phẩm chất ý chí trước thách thức của toàn cầu hóa, tố chất khởi nghiệp và tinh thần khởi nghiệp…

Giáo dục khởi nghiệp bao trùm toàn diện: Ban đầu, các trường đại học chỉ triển khai các chương trình “Giáo dục khai sáng khởi nghiệp”, “Giáo dục đại cương khởi  nghiệp”, sau đó tiến tới chương trình “Chuyên ngành khởi nghiệp” để nâng cao tiềm năng và tố chất khởi nghiệp cho sinh viên. Đến nay, một số trường đại học Anh đã mở chuyên ngành “khởi nghiệp học” (Entrepreneurship) hoặc “Đường hướng khởi nghiệp” (Entrepreneurial Pathway). Họ cũng giúp chương trình giáo dục khởi nghiệp với chương trình đào tạo học vị như một chuyên ngành học  thứ hai. Như vậy, chương trình giáo dục khởi nghiệp đã bao trùm lên các chuyên ngành đào tạo của trường đại học.

Khuyến khích sinh viên tích cực tham gia hoạt động thực tiễn khởi nghiệp: Trong các trường đại học của Anh, người ta có phương án giáo dục khởi nghiệp trong giảng đường và ngoài giảng đường. Đại học Oxford có dự án “Thách thức doanh nghiệp thế kỷ XXI” – đó là một cuộc đua khởi nghiệp có tính chất quốc tế. Đại học Manchester có dự án “Venture Out” (Khởi nghiệp bước đầu), “Venture Further” (Khởi nghiệp sâu), khuyến khích sinh viên tham gia để sáng lập doanh nghiệp mới.

Thành lập các Trung tâm khởi nghiệp để thực thi giáo dục khởi nghiệp: Các trường đại học  Anh thường mở ra các Trung tâm khởi nghiệp để bồi dưỡng sinh viên năng lực phát hiện cơ hội thương mại, cơ hội khởi nghiệp, liên kết nguồn lực, chịu đựng rủi ro…, từ đó thúc đẩy sinh viên tham gia thực tiễn khởi nghiệp.

Chuyên nghiệp hóa giảng viên giáo dục khởi nghiệp: Theo hướng này, các trường rất chú ý các giảng viên đã từng trải về khởi nghiệp. Mặt khác, ngoài giảng viên bộ môn kinh doanh, các trường còn tận dụng giảng viên các lĩnh vực khoa học khác để giúp sinh viên kinh nghiệm và cơ hội khởi nghiệp trong từng lĩnh vực cụ thể.

Xây dựng mô hình hợp tác “Nhà trường – Doanh nghiệp” trong giáo dục khởi nghiệp: Sự hợp tác “Nhà trường – Doanh nghiệp” chia làm 2 loại: Đào tạo dài hạn và Đào tạo ngắn hạn.

Hạn chế của loại đào tạo dài hạn là:

+ Hình thức “2 +1+1” (2 năm đầu sinh viên học tại trường, năm thứ 3 sinh viên làm việc ở doanh nghiệp, năm thứ 4 quay lại trường để hoàn tất khóa học).

+ Hình thức “1+3+1” (năm thứ nhất sinh viên làm việc tại doanh nghiệp, năm thứ 2,3,4 sinh viên học  ở trường, năm thứ 5 trở lại doanh nghiệp).

Về đào tạo ngắn hạn thì thông thường, sinh  viên chỉ làm việc ở doanh nghiệp 6 tháng.

Giáo dục khởi nghiệp hình thành hệ thống sinh thái lành mạnh: Các trường đại học Anh coi trọng chế độ liên kết nguồn lực giáo dục khởi nghiệp giữa chính phủ, xã hội, giới chủ, trường đại học, bảo đảm các lợi ích tương quan, hình thành hệ thống sinh thái giáo dục khởi nghiệp tương tác lành mạnh.

Chính phủ Anh cấp vốn lập các Quỹ hoặc Kế hoạch khởi nghiệp sau:

+ Quỹ đổi mới giáo dục đại học (NEIF)

+ Quỹ thách thức khởi nghiệp khoa học (SECF)

+ Học  bổng khởi nghiệp mới (NES)

+ Quỹ Trung tâm Dạy và Học xuất sắc (CETLF)

+ Sáng kiến của Thủ tướng Anh (PMI)

3. Giáo dục khởi nghiệp ở Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn nêu lên vấn đề giáo dục tố chất cho thế hệ trẻ. Trước trào lưu giáo dục khởi nghiệp của Anh, các trường đại học ở Trung Quốc đã đặt vấn đề giáo dục ý thức khởi nghiệp và tố chất khởi nghiệp. Họ đặt mục tiêu cho giáo dục khởi nghiệp là bồi dưỡng lòng hăng say sự nghiệp, năng lực tự học, tinh thần nhà doanh nghiệp… cho sinh viên.

Trung Quốc định hướng cải cách giáo dục đại học theo cách tiếp cận giáo dục khởi nghiệp:

- Giáo dục tư tưởng khởi nghiệp, tích hợp giáo dục khởi nghiệp vào trong các chương trình giảng dạy.

- Quán triệt giáo dục khởi nghiệp vào các khâu đào tạo nhân tài, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội.

- Thực hiện giáo dục khởi nghiệp thông qua việc kết hợp giáo dục với thực tiễn.

- Tìm kiếm các nguồn lực xã hội để tiến hành giáo dục khởi nghiệp, chú trọng kết hợp "khoa học công nghệ - giáo dục - kinh tế".

Xây dựng hệ thống mục tiêu giáo dục khởi nghiệp chuẩn xác và tiệm tiến: Từng bước đi cụ thể như sau:

- Xây dựng thái độ khởi nghiệp.

- Giúp sinh viên cảm thụ hành vi khởi nghiệp.

- Giải thích giá trị giáo dục khởi nghiệp.

- Xây dựng động lực phát triển nghề nghiệp.

- Đề ra các bước thành lập công ty khởi nghiệp.

- Bồi dưỡng tố chất nhà doanh nghiệp.

- Nắm vững tri thức thương mại khởi nghiệp.

- Xây dựng kỹ năng quan hệ với những bên có lợi ích tương quan.

Nhiệm vụ chủ yếu của giáo dục khởi nghiệp ở Trung Quốc bao gồm: vạch ra những quy luật chung của khởi nghiệp, nắm chắc lý luận cơ bản về khởi nghiệp, nắm tri thức cơ bản về khởi nghiệp, thành thạo quy trình cơ bản về khởi nghiệp, nâng cao năng lực khởi nghiệp, hiểu rõ chính sách pháp quy khởi nghiệp, xúc tiến phát triển nghề nghiệp của sinh viên.

Xây dựng chương trình khởi nghiệp hệ thống hóa

Chương trình khởi nghiệp hệ thống hóa gồm 2 loại chương trình: Chương trình định hướng lý luận khởi nghiệp và chương trình định hướng thực tiễn khởi nghiệp. 2 loại chương trình này thống nhất chặt chẽ với nhau.

Về lý luận khởi nghiệp, người ta đi sâu vào ý tưởng khởi nghiệp, thiết kế và phát triển sản phẩm, cấp vốn khởi nghiệp, quản lý, pháp luật, tài vụ, tiếp thị.

Về thực tiễn khởi nghiệp, trọng tâm là thiết kế chương trình khởi nghiệp, những chuyên đề thực tiễn khởi nghiệp, thực tập khởi nghiệp, dự án khởi nghiệp.

Xét về tính chất, cả 2 loại chương trình đều có chương trình cốt lõi (Core Curriculum), chương trình tùy chọn (Electives Curriculum), chương trình dự án (Project Curriculum).

Xây dựng đội ngũ giảng viên giáo dục khởi nghiệp

Cũng giống như cách làm của trường đại học của Anh, ở Trung Quốc người ta thường phát triển đội ngũ này theo phương pháp sau:

- Chọn những giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn về khởi nghiệp;

- Tiến hành bồi dưỡng định kỳ cho giảng viên, tiến tới chuyên môn hóa giảng viên giáo dục khởi nghiệp;

- Chọn một số sinh viên ưu tú trong việc khởi nghiệp tham gia giảng dạy;

- Mời những doanh nhân thành đạt làm giảng viên kiêm nhiệm.

4. Giáo dục khởi nghiệp ở Australia

Giáo dục khởi  nghiệp ở Australia bắt đầu từ thập kỳ 90, thế kỷ XX. Đến nay, tại nhiều trường đại học, người ta mở ra những chuyên ngành và chương trình giáo dục khởi nghiệp ở các bậc đại học và sau đại học. Hầu như các bộ môn được giảng dạy ở trường đại học đều có chương trình giáo dục khởi nghiệp.

Bang New Soath Wales và bang Queensland có nhiều trường đại học hơn cả mở các chương trình giáo dục khởi nghiệp. Về trình độ đào tạo khởi nghiệp, ta thấy:

- Đại học Công nghệ Hoàng Gia Melbourne, đại học Ballarat, đại học Murdoch, đại học Victoria, đại học Camberra… cung cấp học vị cử nhân kinh doanh hoặc quản lý khởi nghiệp;

- Đại học Nam Australia, đại  học Newcastle, đại học Queensland, đại học Adelaide, đại học công nghệ Swinburne.v.v… có chương trình sau đại học về giáo dục khởi nghiệp. Ở đại học Nam Wales Mới có chuyên ngành tiến sĩ triết học về sách lược và khởi nghiệp.

Về nội dung giáo dục khởi nghiệp ở các trường đại học của Australia, ta thấy có 5 lĩnh vực tri thức:

● Mạo hiểm khởi nghiệp;

● Năng lực đổi mới và sáng tạo khởi nghiệp;

● Mạo hiểm doanh nghiệp mới;

● Kỹ năng phân tích khởi nghiệp;

● Đào tạo và lãnh đạo về quản lý khởi nghiệp.

Bộ Việc làm, Giáo dục, Đào tạo và Công tác thanh niên Australia định nghĩa: "Giáo dục khởi nghiệp là giáo dục, bồi dưỡng năng lực, kỹ xảo và các phẩm chất cá nhân như tính cách tân, tính sáng tạo, tính đổi mới cho thế hệ trẻ. Nó không chỉ giúp người học nắm được các cơ hội trong đời sống và công tác, mà còn giúp họ làm việc cho mình".

5. Giáo dục khởi nghiệp ở Israel

Israel là một quốc gia được mệnh danh là "Đất nước khởi nghiệp". Trước câu hỏi "Do đâu mà Israel trở thành một cường quốc đổi mới và khởi nghiệp?", câu trả lời xác đáng là: "Chủ yếu là do truyền thống văn hóa của người Do Thái và quan niệm giáo dục nhân tài của Israel".

Israel bao gồm một dân tộc theo chế độ mẫu hệ. Họ coi trọng giáo dục gia đình, coi trọng tri thức và đề cao trí tuệ. Có thể nói, dân Do Thái chịu khó đọc sách hơn hẳn một  số dân ở các nước phát triển: Số sách bình quân mà một người dân đọc trong mỗi năm ở Trung Quốc là 4,5 cuốn; con số tương tự ở Hàn Quốc là 11, ở Pháp là 20, ở Nhật là 40, còn ở Israel là 64.

Israel cóChương trình đào tạo tinh anh, gọi là Chương trình Talpiot. Những  người được đào tạo mà vượt qua sự sát hạch cực kỳ chặt chẽ sẽ trở thành những chuyên gia đỉnh cao hoặc người sáng lập doanh nghiệp thành công của Israel. Những chương trình đào tạo tinh anh đã tạo ra các kênh vận chuyển nhân tài đổi mới và khởi nghiệp có hiệu quả rất cao.

Với Israel, chương trình giáo dục khởi nghiệp chính là chương trình đào tạo tinh anh (nhân tài) lâu dài. Khởi nghiệp không tách rời vấn đề nhân tài, mà nhân tài luôn cần mặt bằng, cần người phát hiện, cần thổ nhưỡng và môi trường để trưởng thành.

III. Mấy nhận xét về xu hướng phát triển giáo dục khởi nghiệp

1. Về thực chất, giáo dục khởi nghiệp là một cuộc cải cách giáo dục lớn, nó đòi hỏi phải có một trình độ tư duy phản biện và sáng tạo cao, đoạn tuyệt với cải cách giáo dục và đào tạo mang tính áp đặt, nhồi nhét, khuôn mẫu, mài mòn những đặc điểm riêng của nhân cách người học, mà cách đào tạo này còn khá phổ biến ở nước ta. Sự tụt hậu của giáo dục đại học ở Việt Nam là ở chỗ không bắt kịp với xu hướng khởi nghiệp của giáo dục đại học trên thế giới.

2. Các quốc gia phải có chế độ chiến lược phát triển giáo dục khởi nghiệp chuyên biệt từ cấp độ quốc gia, coi giáo dục khởi nghiệp như một bộ phận hợp thành của chiến lược chỉnh thể quốc gia, triển khai từ giai đoạn giáo dục tiểu học và giáo dục trung học, coi giáo dục khởi nghiệp là công việc cơ bản bảo đảm động lực phát triển kinh tế và năng lực cạnh tranh lâu dài. Nhiều nước đã xây dựng phát triển giáo dục khởi nghiệp suốt đời và đã có những chế định ủng hộ giáo dục khởi nghiệp về các phương diện chính sách, vốn đầu tư cùng các nguồn lực khác.

3. Tích hợp giáo dục khởi nghiệp với các chiến lược phát triển khác là một cách làm vô cùng cần thiếtnhư chiến lược học tập suốt đời, chiến lược tăng trưởng kinh tế, chiến lược đổi mới khoa học và công nghệ… Trong chiến lược học tập suốt đời mà Liên minh Châu Âu đề xuất có 8 năng lực them chốt (Key competences) mà mỗi cá nhân trong xã hội tri thức phải có, trong đó, năng lực khởi nghiệp là không thể thiếu.

4. Giáo dục khởi nghiệp phải được tiến hành từ cấp vi mô (trong từng trường đại học) đến cấp vĩ mô (cấp quốc gia và xuyên quốc gia). Giáo dục khởi nghiệp không chỉ hướng vào những sinh viên có khuynh hướng khởi nghiệp trong các học viện và các trường đại học đào tạo về kinh doanh và kỹ thuật, mà là một hình thái giáo dục bồi dưỡng tinh thần đổi mới và năng lực đổi mói cho mọi sinh viên theo học các khoa, các bộ môn khác nhau.

Việc dung hợp chương trình giáo dục khởi nghiệp với giáo dục các bộ môn sẽ thu hút đông đảo các doanh nhân, các nhà quản lý tham gia giảng dạy các chương trình khởi nghiệp. Trường đại học phải đóng vai trò người tạo lập môi trường xúc tiến đổi mới và khởi nghiệp. Các công việc khoa học công nghệ, các tổ chức hợp tác nhà trường – doanh nghiệp có tác dụng kích thích tinh thần khởi nghiệp của sinh viên thông qua việc bồi dưỡng cho họ và tri thức khởi nghiệp và kỹ năng khởi nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Vương Chí Cường: Xu thế phát triển giáo dục khởi nghiệp của Liên minh Châu Âu – Tài liệu phục vụ nghiên cứu TN 2016 – 51,52. Hà Nội, 2014

2. Trương Vệ Dân, Mẫu Tiểu Dũng: Đường lối xây dựng chương trình giáo dục khởi nghiệp trong trường đại học Mỹ - Tài liệu phục vụ nghiên cứu TN.2016 – 46&47, Hà Nội, 2016.

3. Phạm Tất Dong: Xây dựng xã hội học tập – một xu hướng đổi mới phát triển của giáo dục thế kỷ XXI – Tạp chí Nghiên cứu khoa học, Đại học Quốc gia Hà Nội, số 1/2013.

4.Fukazawa Yukichi: Khuyến học, Nhà Xuất bản Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, 2004.

5. Triệu Trung Kiến, Trác Trạch Lâm: Đổi mới khởi nghiệp: Các trường đại học Mỹ làm thế nào? Tài liệu phục vụ nghiên cứu, TN 2016-46847, Hà Nội, 2016.



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.251 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.