TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Đề dẫn hội thảo: Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp những tư tưởng lớn về xây dựng xã hội học tập
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 03.2024
Đề dẫn hội thảo: Hồ Chí Minh – Phạm Văn Đồng – Võ Nguyên Giáp những tư tưởng lớn về xây dựng xã hội học tập
03.2015

Xem hình
GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký TW Hội Khuyến học Việt Nam
Nếu nói “Thế giới sinh thành từ tri thức” thì phải trả lời câu hổi: “Làm gì để có được tri thức?” và tiếp theo là câu hỏi “Ai cần có tri thức?”. Chúng ta bắt tay vào sự nghiệp xây dựng xã hội học tập, tất nhiên, ta phải trả lời câu hỏi này.

Những tư tưởng lớn về giáo dục cách mạng của Hồ Chí Minh và của những học trò xuất sắc của Người – Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp – sẽ giúp ta trả lời các câu hỏi nêu trên.

1. Trong cuộc đời làm cách mạng và lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, Hồ Chí Minh rút ra một kết luận như một triết lý cách mạng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ai cũng nhớ câu nói này, nhưng không ít người chưa nhớ đến lời căn dặn của Người: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ” và chúng ta phải thực hiện ngay:

- Làm cho dân có ăn.
- Làm cho dân có mặc.
- Làm cho dân có chỗ ở.
- Làm cho dân có học hành”.
(Bài phát biểu tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, 10/1/1946).

Tuy nhiên, Hồ Chí Minh cũng đã thấy trước một điều là, nếu không nhắc thì cán bộ sẽ nghĩ đến đối tượng đi học chỉ là người dân, còn bản thân cán bộ là người ngoài cuộc. Do vậy, nhân dịp gửi thư cho cán bộ nông trường nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Cán bộ chính trị phải học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật phải học chính trị”. Như vậy, cán bộ phải học và phương thức học tốt nhất là gắn học với làm.

Ở Trung Quốc thời Tiên Tần có ông Quản Trọng là một triết gia nổi tiếng. Quản Trọng nói rằng, “Để tính kế một năm thì trồng lúa, để tính kế mười năm thì trồng cây, để tính kế trăm năm thì trồng người”. Là nhà lãnh đạo quốc gia và là lãnh tụ của Đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh chủ trương phát triển giáo dục (trồng người) trên quan điểm lợi ích xã hội “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Quan điểm “lợi ích của dân và vì dân” xuyên suốt trong tư tưởng chính sách xã hội của Người: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”.

Hồ Chí Minh coi sự dốt nát là một loại giặc nguy hiểm, phải tiễu trừ nó như trừ giặc ngoại xâm. Phải giúp dân có học để dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật (lấy dân làm gốc, 5/4/1948) và “chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc (Diễn văn khai mạc lớp lý luận khóa I trường Nguyễn Ái Quốc, 7/9/1957). Tóm lại:
Lợi ích lớn nhất mà cách mạng đem lại cho dân là Độc lập và Tự do.

Lợi ích lớn nhất của người dân của một nước độc lập và tự do là ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.

Lợi ích lớn nhất sự học hành là mang lại nhân cách cho con người và làm cho đất nước văn minh, giàu có.

2. Là một nhà hoạt động cách mạng lỗi lạc, nhà quản lý đất nước tài ba, nhà lý luận giáo dục xuất sắc và là nhà sư phạm mẫu mực, Phạm Văn Đồng  xứng đáng được ghi công đầu trong cuộc cải cách giáo dục năm 1979, thống nhất hai hệ thống giáo dục trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa với hệ thống giáo dục của miền Nam sau ngày giải phóng. Với cương vị Chủ tịch Ủy ban Cải cách giáo dục quốc gia, Phạm Văn Đồng kiên định mục tiêu đào tạo con người toàn diện, phương châm giáo dục “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”. Ông là người coi trọng giáo dục lao động và hướng nghiệp. Trong bài viết nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1984), Phạm Văn Đồng đưa ra luận điểm “Nhà trường phổ thông kỹ thuật tổng hợp, lao động, hướng nghiệp và dạy nghề”. Đây là một quan niệm rất hiện đại về tính chất của nhà trường xã hội chủ nghĩa. Rất tiếc là, từ khi nền kinh tế chuyển đổi sang cơ chế thị trường, nhà trường của chúng ta đã xa rời hướng phát triển này và gặp không ít sai lầm trong đào tạo thế hệ trẻ thành những người lao động.

Ở cương vị Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban Cải cách giáo dục, Phạm Văn Đồng là người rất nhất quán trong chỉ đạo phát triển hệ thống trường vừa học vừa làm mà những mô hình nổi tiếng là: 1) Trường Phổ thông cấp II (Trường Trung học cơ sở) Bắc Lý, gắn mục tiêu đào tạo với mục tiêu phát triển kinh tế địa phương, 2) Trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, đào tạo theo phương thức vừa học vừa làm với hình thức đào tạo không chính quy, 3) Hệ thống Trường 3 cấp xã Cẩm Bình gắn với hệ thống bổ túc văn hóa xã, bảo đảm phổ cập giáo dục trung học tại địa phương và việc học tập thường xuyên của người lớn trên địa bàn xã.

Ông là người có tầm nhìn sâu về vấn đề học tập không chính quy và phi chính quy (từ những năm 70 của thế kỷ trước). Nếu như vào đầu năm 2007, đề tài độc lập cấp nhà nước “Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam” có hướng đi rõ ràng ngay từ đầu thì, công bằng mà nói, Đề tài đã thừa hưởng rất nhiều về ý tưởng xây dựng hệ thống giáo dục không chính quy và phi chính quy của Phạm Văn Đồng.

Cũng phải nói thêm rằng, từng là một nhà giáo tâm huyết nên Phạm Văn Đồng có sự chỉ đạo với thái độ quyết liệt đến việc bảo đảm chất lượng giáo dục qua khẩu hiệu: “Trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Thực tế cho thấy, nơi nào làm được điều này thì mới xây dựng được quan hệ thầy trò tốt đẹp, giữ được truyền thống hiếu học của dân tộc, bảo đảm được tính mô phạm của nhà trường. Ông còn là người đã có một đánh giá nổi tiếng về giá trị của nhà giáo: “Nghề dạy học là nghề cao quý trong những nghề cao quý”.

3. Nói đến sự nghiệp giáo dục nói chung, sự nghiệp giáo dục người lớn nói riêng, chúng ta không thể không nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, ông sớm gắn bó với phong trào đấu tranh chống chính sách ngu dân của thực dân Pháp qua hoạt động Truyền bá quốc ngữ.

Năm 1938, khi cụ Nguyễn Văn Tố được cử làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ thì ông làm trưởng ban dạy học. Ông đã cùng cụ Bùi Kỷ và các ông Phan Thanh, Quản Xuân Nam, Đặng Thai Mai đẩy mạnh phong trào học tập của người lớn bắt đầu từ Hà Nội rồi phát triển ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và xuống tới cực nam Trung Bộ cùng nhiều tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Bộ.

Cùng với những đồng chí của mình trong phong trào Truyền bá quốc ngữ, Võ Nguyên Giáp là một chiến sĩ diệt dốt đi hàng đầu trong những người quyết tâm thực hiện khẩu hiệu “Chữ quốc ngữ cho mọi người”. Trong việc vận động giới bình dân nghèo khổ chống nạn mù chữ, Truyền bá quốc ngữ đã chủ trương “đưa chữ quốc ngữ đến từng túp lều tranh” nhằm xóa bỏ sự ngu dốt ở những nơi tối tăm nhất.

Là vị tướng phải xông pha trận mạc trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Võ Nguyên Giáp vẫn là người đi hàng đầu trong các cuộc vận động Bình dân học vụ và tiếp đến là Bổ túc văn hóa. Ngày đầu kháng chiến chống xâm lược Pháp, đông đảo các chiến sĩ Vệ quốc quân là những nông dân yêu nước, dũng cảm, nhưng mù chữ. Trong quân đội, xóa mù chữ là một nhiệm vụ lớn, đòi hỏi người lính phải vừa đánh giặc ngoại xâm, lại vừa tiêu diệt giặc dốt. Từ một quân đội với súng trường, súng kíp, bom ba càng…, chỉ sau 9 năm kháng chiến, lực lượng đó đã trở thành những binh chủng đủ trình độ để tiếp cận với những phương tiện kỹ thuật và vũ khí hiện đại lúc bấy giờ. Võ Nguyên Giáp đã góp phần nâng cao trình độ văn hóa cho những anh bộ đội Cụ Hồ, từng bước xây dựng lực lượng vũ trang hiện đại và hùng mạnh.

60 năm kể từ ngày tham gia phong trào Truyền bá quốc ngữ, Võ Nguyên Giáp trở thành Chủ tịch danh dự của Hội Khuyến học Việt Nam. Ông đã tiếp thu và vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng học tập suốt đời và quan điểm xây dựng gia đình học hiệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh để chỉ đạo cuộc vận động gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học.

Nếu như thế hệ đàn anh của ông đã giương cao khẩu hiệu của Đông Kinh Nghĩa Thục “Khai dân trí, chấn dân khí,  hậu dân sinh” để mang lại sự học hành cho người lớn thì Võ Nguyên Giáp đã chỉ đạo phong trào khuyến học hướng tới mục tiêu “Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”, yêu cầu mọi người dân phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời để hoàn thành tốt quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nâng cao trình độ học vấn, tiếp thu nhanh các tri thức mới để đưa đất nước mau chóng đi vào nền kinh tế tri thức.

Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp là những đại thụ trong nền giáo dục nước nhà. Các ông đã để lại những dấu ấn đậm nét đến sự nghiệp giáo dục ở Sơn La, mong muốn và hy vọng các dân tộc ở Sơn La sẽ nhanh chóng đưa địa phương mình thành một vùng đất miền Núi giàu đẹp nhờ vào sự tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa mạnh mẽ và bền vững.

Hội thảo về tư tưởng học tập suốt đời của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp có ý nghĩa thúc đẩy Sơn La đi nhanh hơn nữa trên con đường xây dựng xã hội học tập. Đó là mục tiêu mà Hội thảo này hướng tới. Hội thảo đặt ra cho cán bộ và nhân dân Sơn La một yêu cầu trọng đại là phải hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ do Quyết định 89/QĐ-TTg và 281/QĐ-TTg đề ra, đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, hướng tới một Sơn La học tập trong ngày mai.

GS.TS Phạm Tất Dong
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký TW Hội Khuyến học Việt Nam





 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.228 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.