TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Xây dựng xã hội học tập | Xây dựng xã hội học tập dưới ánh sáng Nghị quyết 29 – NQ/HNTW
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Tư 2024
T2T3T4T5T6T7CN
1 2 3 4 5 6 7
8 9 10 11 12 13 14
15 16 17 18 19 20 21
22 23 24 25 26 27 28
29 30          
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Xây dựng xã hội học tập 04.2024
Xây dựng xã hội học tập dưới ánh sáng Nghị quyết 29 – NQ/HNTW
05.2014

(HKHVN) - Xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học Việt Nam về "Xây dựng Xã hội học tập".

Xây dựng xã hội học tập dưới ánh sáng Nghị quyết 29 – NQ/HNTW của Hội nghị Trung ương lần thứ Tám (Khóa XI) về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo.
 
Đến nay, khi nhân loại đã ở vào thập kỷ thứ hai của thế kỷ XXI, thì xây dựng xã hội học tập không còn là vấn đề xa lạ. Nhiều quốc gia đã có những nỗ lực đổi mới hay cải cách giáo dục theo hướng xây dựng hệ thống giáo dục mở, trong đó, nhà nước cùng các lực lượng xã hội tích cực huy động các nguồn lực để tạo những cơ hội và những điều kiện cho mỗi công dân thực hiện được việc học suốt đời. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều quốc gia vẫn còn coi xã hội học tập là mô hình giáo dục lý tưởng của ngày mai. Như vậy là, vấn đề tuy không còn mới mẻ nhưng nó vẫn mang tính thời đại, hơn nữa lại là tính thời sự bao hàm sự bức thiết vì nhu cầu phát triển xã hội trong một thế giới biến động liên tục và thay đổi nhanh chóng chỉ có thể được thỏa mãn nếu như giáo dục được tổ chức để ai cũng được học tập thường xuyên, được đào tạo liên tục trong suốt cuộc đời của họ.

Vào những năm 60 của thế kỷ XX, trước sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, sự manh nha của kinh tế tri thức (Knowledge economy), Donal Alan Schon đã đưa ra khái niệm “The learning society” (Xã hội học tập) khi bàn tới giáo dục công lập và tư thục trong một xã hội đang có những đổi thay lớn lao. 

Đối tượng đặc biệt quan trọng của xã hội học tập là người lớn. M.Hutchis, Turten Husen và một số nhà khoa học đã khẳng định rằng, giáo dục người trưởng thành là công việc có ý nghĩa to lớn trong việc đẩy nhanh quá trình phát triển xã hội. Do đó, đặt ra vấn đề xã hội học tập thì về cơ bản, phải tính đến cách thức tổ chức và nội dung giáo dục người lớn (Adult education). 

Tuy nhiên, người gắn khái niệm xã hội học tập với khái niệm học tập suốt đời (Lifelong education) lại là Edgar Faure…Mối quan hệ giữa 2 khái niệm này được ông trình bày trong cuốn sách có tên là “Learning to be” (Học để tồn tại – cũng có người dịch là “Học đề làm người”). Cuốn sách mở ra cuộc thảo luận sôi động có tính toàn cầu từ những năm 70 của thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI, dẫn đến việc tìm kiếm mô hình học tập suốt đời và mô hình xã hội học tập. 

Dưới sự chỉ đạo của Edgar Faure, Uỷ ban Quốc tế về phát triển giáo dục thế kỷ XXI đã đề xuất nhiều vấn đề cơ bản đối với việc học tập suốt đời với quan điểm cho rằng, trong điều kiện phát triển vũ bão của khoa học và công nghệ, không ai có thể coi kiến thức của giáo dục ban đầu (Initial education) lại có thể đủ cho hết đời. Vì vậy, việc học tập của con người sẽ không bao giờ ngừng. Nguyên Tổng giám đốc UNESCO, ông Federico Mayor cho rằng, cần phải thay đổi tư duy giáo dục, coi giáo dục như một nhân tố then chốt để phát triển, mặt khác, giáo dục phải thích ứng với những xu hướng mới và chuẩn bị con người luôn sẵn sàng trước những thay đổi. 

Jacques Delors, nguyên Chủ tịch Hội đồng Châu Âu của UNESCO, với tư cách là Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI, đã viết Báo cáo gửi lên UNESCO với nhan đề: “Học tập: một kho báu tiềm ẩn” (Learing: The Treasure within). Bản báo cáo này là một tuyên ngôn về giáo dục thế kỷ XXI, trong đó nhấn mạnh rằng, thế giới ngày nay, và tất nhiên có giáo dục, chịu sự chi phối của xu thế toàn cầu hóa (Globalization). Lợi ích của xu thế này là khoa học và công nghệ phát triển nhanh, giao lưu quốc tế mở rộng, kinh tế tăng trưởng tới mức chưa từng có trong lịch sử phát triển nhân loại. Song, bên cạnh đó là những tiêu cực xã hội cũng đồng thời xẩy ra như những mâu thuẫn giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển tăng lên, sự bất công và bất bình đẳng trong hưởng thụ giáo dục sâu sắc thêm, hiện tượng thiếu việc làm gia tăng, và điều đang chú ý hơn cả là sẽ có nhiều quốc gia tụt hậu về kinh tế do khoảng cách về tri thức của họ so với những quốc gia khác dãn cách ngày càng sâu rộng thêm. Trong điều kiện đó, Jacques Delors đã nêu lên 4 trụ cột của giáo dục cần phải được xây dựng để mỗi người học hỏi, tránh khỏi tình trạng bị thải loại khỏi dòng phát triển xã hội. Đó là “học để biết” (Learning to know); “học để làm” (Learning to do); “học để chung sống” (Learning to live together) và “ học để làm người” (Learning to be). Đó là điều cốt lõi trong xã hội học tập, là những nội dung căn bản mà mỗi người phải học tập suốt đời để tồn tại. 

Những thành viên trong Ủy ban Quốc tế về giáo dục thế kỷ XXI cũng tập trung nghiên cứu những khía cạnh khác nhau của xã hội học tập: 

Michael Maley cho rằng, giáo dục là người canh gác những chuẩn mực về trí tuệ cao, về chân lý khoa học và về sự phù hợp của công nghệ. Giáo dục phải giúp cho thanh niên chứng tỏ được năng lực trí tuệ của họ trong thời đại ngày nay, đồng thời giáo dục lại phải chăm lo cho những người dân ở tầng thấp nhất của sự phân tầng xã hội không trở thành nạn nhân của sự bất công xã hội về quyền tham gia học tập và không bị loại trừ ra khỏi những hoạt động xã hội. 

Roberto Carneiro nhấn mạnh vai trò của nhà trường trong việc xóa bỏ sự khốn cùng mới, kéo người dân ra khỏi sự bần cùng triền miên về văn hóa, về đời sống vật chất và tinh thần của  công dân. Còn In’am Al Mufti thì cho rằng, phải đầu tư vào tài năng con người, và điều này mới nói lên chất lượng cao của giáo dục. Luận điểm giáo dục của In’am Al Mufti bao gồm: 

- Sự quá tải giáo dục dẫn đến sự bất cập về năng lực bảo đảm tính hợp lý về tinh thần bình đẳng trong giáo dục. 

- Bỏ đi những cơ hội giáo dục thích hợp đối với những học sinh xuất sắc là tước bỏ nguồn nhân lực tốt nhất mà xã hội cần đến;

Alisov N.B và Khorev B.S cho biết cuối thế kỷ XX, cư dân nông nghiệp trên thế giới chỉ còn là 44% nhân loại, và kinh tế nông nghiệp đóng góp vào GDP thế giới chỉ còn khoảng 5%. Do vậy, xu thế phát triển giáo dục là phải thu hút không chỉ trẻ em, mà là tất cả người lớn vào học tập, đồng thời phải gia tăng vai trò của giáo dục đại học trong mọi lĩnh vực hoạt động. Xã hội học tập đòi hỏi rất cao sự học hành của con người, nhưng đồng thời cũng yêu cầu cao về giáo dục đạo đức và nhiều giá trị mới của thời đại, nhất là giá trị học sinh thái (Ecovaleologi), hướng vào mẫu người công dân và có tính tập thể, có nhân tính và những phẩm chất đạo đức cao quý. 

Demideko F.C cho rằng, trong xã hội học tập, tại gia hóa giáo dục (đưa giáo dục về nhà) là một xu thế, làm thay đổi nền sản xuất hàng hóa, nền văn hóa đại chúng và nền giáo dục phổ thông. Tại gia hóa giáo dục gắn bó hữu cơ với thông tin hóa giáo dục, áp dụng rộng rãi các phương pháp học và tự học từ xa trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin và viễn thông mới nhất. 

Dù đứng ở góc độ khoa học nào để nghiên cứu xã hội học tập thì tất cả đều phải thống nhất với nhau rằng, xã hội học tập được hình thành và phát triển là một thực tiễn hợp logic chuyển nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức (Knowledge economy). Nền kinh tế mới này lấy tri thức như là thứ hàng hóa mang lại những giá trị gia tăng cao nhất, và để sản xuất hàng hóa tri thức thì phải giáo dục – đào tạo con người có năng lực làm chủ tri thức, sản xuất ra những tri thức mới, vận dụng sáng tạo những tri thức mới vào sản xuất, kinh doanh, phát triển khoa học và công nghệ, cải tiến kỹ thuật, đổi mới các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, giải trí và thể thao. 

Với quy luật cung – cầu, quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh của kinh tế thị trường, hàng hóa tri thức sẽ được sản xuất với tốc độ ngày càng cao, do đó chu kỳ thay đổi kỹ thuật sẽ nhanh dần, vòng đời của các công nghệ sẽ ngắn lại. Đó là lý do để đặt ra một cách nghiêm túc việc học tập. Để có thể thực hiện được việc học tập suốt đời, mỗi người dân phải được giúp đỡ, huấn luyện, giáo dục, đào tạo để đạt những yêu cầu sau đây: 

-Thường xuyên tích lũy tri thức mới trên cơ sở xử lý thông tin thành những tri thức của bản thân. Đó là điểm cốt lõi của kỹ năng học tập, kỹ năng tự học, từ đó hình thành cách học sáng tạo. Trong thời đại kinh tế tri thức, những người không biết cách học sáng tạo, không biết tự học, thì theo Moin Toffler, đều có thể xếp vào loại người mù chữ: 

-Ý thức học thường xuyên và sự nỗ lực học hỏi cần đến một nội lực cơ bản: tinh thần hiếu học. Thiếu tinh thần hiếu học, người ta khó có thể bền bỉ học hỏi khi gặp những khó khăn, những trở ngại trên con đường tiếp cận với tri thức mới. 

-Cuối cùng, có được sự ham học và thực sự học hành để tạo dựng được cuộc sống tiến bộ, người hiếu học còn phải có ý thức tạo cơ hội và điều kiện để người khác cũng học tập khi họ có nhu cầu. 

Người biết học và thực hiện được những yêu cầu trên được xã hội học tập coi là CÔNG DÂN HỌC TẬP. 

Xã hội học tập không chỉ gồm những công dân học tập với tư cách là những thành viên cốt cán của mình, mà còn cần tới những cộng đồng học tập. 

Đó là những gia đình, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, cơ quan hành chính – sự nghiệp, các cơ sở sản xuất, các đơn vị vũ trang…cộng tác và liên kết, phối hợp với nhau để cung ứng các tri thức, các dịch vụ giáo dục, tạo ra nhiều cơ hội và điều kiện để người dân được tiếp cận với giáo dục, thực hiện được việc học suốt đời. Những cộng đồng này, trong những điều kiện có thể, sẽ trở thành những cơ sở giáo dục. 

Đối với người học, những tri thức mới là đối tượng mà họ phải chiếm lĩnh. Đối với người cung ứng dịch vụ giáo dục, tri thức mới là gói hàng phải đảm bảo cho người sử dụng dịch vụ. Đành rằng, ở mọi thời đại, tri thức là yếu tố của sự đổi mới xã hội, song trong thời đại kinh tế tri thức, chúng ta cần thống nhất nhận thức về tri thức như sau. 

-Trong thế kỷ XXI, những tri thức được cung cấp ở hệ giáo dục phổ thông, không thể giúp con người đi thẳng vào lao động nghề nghiệp. Tri thức phổ thông chỉ là tri thức nền tảng để trên đó xây dựng một nền học vấn chí ít cũng là sau trung học để con người dựa vào đó mà đi vào thế giới nghề nghiệp. 

-Tri thức được coi như năng lực làm chủ khoa học và công nghệ, đặc biệt là năng lực lam chủ công nghệ mới và công nghệ cao (High technology). V.I Inzemtsev, S.V Vlasova, I.Thurov…khẳng định rằng, khả năng sản xuất ra nhiều tri thức mới và sự giàu có về tri thức của nhiều quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nền giáo dục phát triển. Chính nhờ đó mà quốc gia mới có trình độ dân trí cao và đội ngũ nhân tài đông đảo. 

Những nhà nghiên cứu này đều cho rằng, trong xã hội ngày nay, tri thức là cơ sở của sự giàu có kiểu mới. Sự giàu có của Bill Gates là một minh chứng thuyết phục cho nhận định này. 

-Tri thức là nhân tố quan trọng nhất đối với tăng trưởng kinh tế. Nhà kinh tế học R.Solow – người được giải thưởng Nobel đã có một phát hiện thú vị: ở Mỹ, việc nâng cao năng suất lao động chỉ đầu tư khoảng 1/8 vốn, phần còn lại, cơ bản là nhờ vào tri thức. 

Paul Romer cho rằng, động lực của tăng trưởng bắt nguồn từ tích lũy tri thức. Do tri thức không có tính cạnh tranh và tính không thể bài ngoại từng phần, tri thức chẳng những mang lại lợi ích cho từng cá nhân phát minh ra nó, cho người sở hữu nó, mà còn làm tăng tổng khối lượng tri thức của toàn xã hội, cống hiến cho mọi người sản xuất. Năm 1988, Robert E.Lucas đã đưa ra mô hình tăng trưởng kinh tế mới, lấy vốn nhân lực làm hạt nhân, đưa giáo dục vốn nhân lực vào mô hình tăng trưởng Tân kinh tế cổ điển. 

-Theo Stiglitz, tri thức có tác dụng làm hiện đại các quan hệ truyền thống, phương thức tư duy truyền thống cùng những vấn đề giáo dục, y tế, sản xuất. Nhờ sự hiện đại đó, con người sẽ nắm tốt hơn vận mệnh của mình, mở rộng tầm nhìn, giảm thiếu ách tắc, từ đó làm cho đời sống phong phú hơn. 

Phải thừa nhận rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ và kỹ thuật không ngừng làm tăng sức mạnh của thị trường, xu thế toàn cầu hóa ngày càng lan tỏa, xu thế phân hóa lưỡng cực trong toàn cầu hóa tri thức và thông tin xuất hiện. Sự phát triển nhanh những nghề mới lấy tri thức làm cơ sở đã giúp cho các quốc gia, các khu vực có lợi thế về tri thức và thông tin thu được rất nhiều lợi nhuận, tích lũy được rất nhiều của cải, nhờ đó có thêm những điều kiện để sáng tạo nhiều của cải mới, những mặt hàng mới, những thương hiệu mới. Ngược lại, với những quốc gia ít tích lũy được tri thức mới và thiếu năng lực sáng tạo đều bị ngoại vi hóa. Đặc điểm nổi bật của hiện tượng ngoại vi hóa là “khoảng cách tri thức” (Knowledge gap), “khoảng cách thông tin” (Information gap). 

Cái gọi là khoảng cách thực chất là sự không đối xứng giữa hai hay nhiều quần thể hoặc cộng đồng người về phương diện phân phối, sử dụng hữu hiệu các nguồn tri thức, thông tin và thông tấn. Nguyên nhân lớn nhất của sự xuất hiện khoảng các tri thức là sự “cách ly tri thức” (Knowledge divide). Đó là hiện tượng có những nhóm người, những khu vực dân cư, những cộng đồng người thiếu năng lực tiếp thu và sử dụng tri thức, thiếu năng lực giao lưu tri thức. 

Nico Stehr cho rằng, tri thức không chỉ là đặc điểm kết cấu của nền kinh tế hiện đại, mà còn là nguyên lý tổ chức của toàn bộ xã hội. Tái sản xuất, phân phối, sử dụng và kiểm soát tri thức sẽ là chủ đề trung tâm của các thập niên sắp tới. 

Nếu nhận thức được những vấn đề đã trình bày trên đây thì chúng ta không có gì phải ngạc nhiên khi thấy các quốc gia phát triển bắt tay xây dựng nhanh chóng các Thành phố học tập (Learning city) để tiến tới xây dựng quốc gia học tập. 

Trên thế giới, các thành phố được xây dựng ngày càng nhiều theo tiến trình đô thị hóa. Chúng khác nhau về thành phần dân cư, cơ cấu dân tộc và xã hội, về những di sản và cấu trúc xã hội. Tuy nhiên, thành phố lại có nhiều điểm chung như sự tập trung các nguồn lực, sự tập trung dân cư, giao thông thuận lợi, giao lưu văn hóa với các thành phố khác trong nước và trên thế giới không khó khăn. 

Với những đặc điểm đó của các thành phố, Viện Học tập suốt đời của UNESCO đã có sáng kiến xây dựng các thành phố học tập với một định nghĩa như sau: 

“Thành phố học tập là thành phố trong đó mọi nguồn lực của tất cả các ngành được huy động để: 

·        Thúc đẩy cơ hội học tập từ cơ sở tới đại học bình đẳng cho mọi người. 

·        Thúc đẩy học trong gia đình và trong cộng đồng. 

·        Tạo điều kiện học cho công việc và tại nơi làm việc. 

·        Mở rộng việc sử dụng các công nghệ học tập. 

·        Tăng cường chất lượng học tập. 

·        Củng cố văn hóa học tập suốt đời”. 

Các quốc gia hưởng ứng chủ trương của UNESCO tạo nên một sự liên kết với nhau, có sự giám sát tiến độ phát triển từ phía UNSCO bởi xây dựng thành phố học tập không phải là một sự đột biến, mà là một quá trình thường xuyên, lâu dài. Việc tiến hành xây dựng thành phố học tập phải có cách tiếp cận thực tiễn và hệ thống, không đi vào những lý thuyết trừu tượng. Khi một thành phố có chủ định và ý chí phấn đấu để trở thành “thành phố học tập” và có những cam kết về mặt chính trị đối với sự nghiệp này thì họ phải thể hiện hành động qua 3 chỉ số cơ bản: 

·        Chuyển những tuyên bố về phương diện lý thuyết và chính trị thành các mục tiêu chiến lược và các phương diện thực hiện mục tiêu đề ra. 

·        Đo mức tiến bộ theo thời gian. 

·        Đánh giá lợi ích của chiến lược. 

          Những thành phố tham gia chiến lược xây dựng thành phố học tập phải tạo lập các điều kiện để thực hiện các việc sau đây: 

          Một là, hỗ trợ việc học tập suốt đời trong và giữa các thành phố thành viên; 

          Hai là, xác định tiến độ thực hiện học tập suốt đời cho mọi người ở nhiều cộng đồng trên thế giới; 

          Ba là, tạo điều kiện để các thành viên phân tích, so sánh, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. 

Vấn đề đặt ra là, phải xây dựng được Bộ chỉ số đánh giá mức độ xây dựng thành phố học tập. Bộ chỉ số có 3 nhóm tiêu chí: 

Nhóm 1: 3 lợi ích cơ bản nhất của việc xây dựng thành phố học tập. 

Nhóm 2: 6 lĩnh vực cơ bản thể hiện 6 thành phần tạo nên xã hội học tập. 

Nhóm 3: 3 lĩnh vực trọng tâm phản ánh các điều kiện cơ bản để xây dựng thành phố học tập.

Bộ chỉ số này được thể hiện trên UNSCO lo go – một ngôi nhà có 3 bộ phận cơ bản trong cấu trúc: Mái, cột, nền, trong đó, mái: thể hiện nhóm 1, cột: thể hiện nhóm 2; nền: thể hiện nhóm 3.

 
Từ Bộ tiêu chí trên đây, người ta phải xác định những đặc trưng cơ bản của 3 lĩnh vực phát triển và cách đo những chỉ tiêu cần đạt. 

Bây giờ, chúng ta sẽ bàn đến chủ trương xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam. Để hiểu vì sao Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong 10 năm qua đã có nhiều Nghị quyết và Quyết định về xây dựng xã hội học tập, trước hết cần phân tích bối cảnh phát triển của Việt Nam trước tình hình thế giới đang có những biến động, thay đổi và phát triển mạnh mẽ. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ Tám của Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định phải tiến hành công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước để tới năm 2020, Việt Nam trở thành một nước công nghiệp. Quyết định này đứng trước một thách thức rất lớn: một nước nông nghiệp với trình độ canh tác còn lạc hậu mà muốn trở thành một nước công nghiệp trong vòng hai thập kỷ rưỡi (1996-2020) thì giải pháp đột phá là gì. Chắc chắn con đường công nghiệp hóa tuần tự của nhiều nước phương Tây trước đây cũng như những mô hình công nghiệp hóa cổ điển không nằm trong phương án lựa chọn của Việt nam. Chiến lược công nghiệp hóa rút ngắn cần được thực thi với phương thức kết hợp những bước đi tuần tự với những bước nhảy vọt trong phát triển kinh tế. Bước nhảy vọt phải dựa vào việc tranh thủ tận dụng những thành quả do nền kinh tế tri thức trong thế giới hiện đại mang lại. Để làm việc này, vấn đề tiếp cận, tiếp thu, sử dụng sáng tạo những tri thức mới của thời đại là điều kiện tiên quyết. Chấp nhận sân chơi toàn cầu hóa và hội nhập, thực hiện chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tranh thủ những thành quả của kinh tế tri thức để đưa một bộ phận sản xuất trong nền kinh tế quốc dân theo hướng này thì xây dựng xã hội học tập là hợp với logic phát triển. 

Bài toán của Việt Nam cần phải giải là: 

-Phát triển mạnh mẽ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có hiệu quả và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa. 

-Huy động các nguồn lực để công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn, tri thức hóa nông dân. 

-Thúc đẩy sự hình thành, phát triển và từng bước hoàn thiện các loại thị trường quan trọng nhưng còn sơ khai như thị trường lao động, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học và công nghệ … 

-Từng bước phát triển kinh tế tri thức, coi giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ là nền tảng và là động lực của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Để thực hiện tư tưởng chiến lược trên đây, các Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng từ khóa IX đến khóa XI đã đề ra những yêu cầu học tập suốt đời đối với toàn dân trên nền tảng của xã hội học tập. 

Đại hội địa biểu toàn quốc lần thứ IX (2001) của Đảng đã khằng định: “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện “giáo dục cho mọi người”, “cả nước trở thành một xã hội học tập”. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (2006) đã chủ trương: “Chuyển mô hình giáo dục hiện nay sang mô hình giáo dục mở - mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, liên thông giữa các bậc học, ngành học; xây dựng và phát triển hệ thống học tập cho mọi người và những hình thức thực hành linh hoạt, đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên; tạo nhiều khả năng, cơ hội khác nhau cho người học, bảo đảm sự công bằng xã hội  trong giáo dục. 

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng chỉ ra nhiệm vụ “Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; mở rộng phương thức đào tạo từ xa và hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm học tập thường xuyên. 

Như vây là, qua 3 kỳ Đại hội, Đảng Cộng sản Việt Nam trước sau vẫn khẳng định phải xây dựng xã hội học tập trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Để thể chế hóa chủ trương xây dựng xã hội học tập của Đảng, ngày 18/5/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 112/2005/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 – 2010”. Tại Quyết định này, Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng như sau: 

“Xây dựng cả nước trở thành một xã hội học tập với tiêu chí cơ bản là tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để mọi người ở mọi lứa tuổi, mọi trình độ được học tập thường xuyên, học liên tục, học suốt đời ở mọi nơi, mọi lúc, mọi cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của xã hội tham gia xây dựng và phát triển giáo dục; mọi người, mọi tổ chức đều có trách nhiệm, nghĩa vụ trong việc học tập và tham gia tích cực xây dựng xã hội học tập”. 

Bước sang giai đoạn 2010 – 2020, sau khi tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 112/2005/QĐ-TTg, ngày 9/1/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 89/QĐ-TTg về phê duyệt “Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020”. Theo Quyết định này, việc xây dựng xã hội học tập phải quán triệt 3 quan điểm chỉ đạo: 

-Trong xã hội học tập, mọi cá nhân có trách nhiệm học tập thường xuyên, suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để làm người công dân tốt, có nghề, lao động với hiệu quả ngày càng cao; học cho bản thân và những người xung quanh hạnh phúc; học để góp phần phát triển quê hương, đất nước và nhân loại; 

-Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư và gia đình có trách nhiệm cung ứng các cơ hội học tập và tạo điều kiện thuận lợi để mọi người được học tập suốt đời. 

-Xây dựng xã hội học tập dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên, đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường; ưu tiên các đối tượng chính sách, người dân tộc, phụ nữ, người bị thiệt thòi. 

Sự nghiệp xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam khác với ở các nước phát triển không phải ở những nguyên tắc cơ bản, cũng không phải ở cấu trúc vĩ mô của nó, mà là ở các bước đi chiến lược. Với các nước phát triển, xã hội học tập bắt đầu từ sự tập trung nguồn lực để xây dựng các thành phố học tập, và với việc tăng dần các thành phố học tập để có được một quốc gia học tập. Với Việt Nam, xã hội học tập được bắt đầu từ cấp cơ sở, nghĩa là phải có những xã, phường học tập rồi từ đó xây dựng các quận, huyện học tập, rồi mới đến thành phố học tập. 

Tuy nhiên là một nước nghèo, chưa thoát khỏi nền kinh tế nông nghiệp, Việt Nam phải tìm sức mạnh phi kinh tế để làm động lực xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Sức mạnh đó là tinh thần hiếu học của dân tộc. Muốn có một xã (hay một phường, một thị trấn) học tập, trước hết phải xây dựng hạt nhân của các cộng đồng học tập. Hạt nhân đó là gia đình học tập, dòng họ học tập. Từ gia đình học tập và dòng họ học tập mà xây dựng thôn bản học tập, tổ dân cư học tập. Điều này chỉ là cách làm của Việt Nam. Còn như với thành phố học tập, trên kia chúng tôi đã đưa ra định nghĩa “thành phố học tập” của Viện học tập suốt đời, trong nội hàm của khái niệm đó có nói đến việc “thúc đẩy học tập trong gia đình và cộng đồng”. Như vậy là dù có bắt đầu sự nghiệp xây dựng xã hội học tập từ thành phố hay từ cơ sở xã, phường thì sự học trong gia đình và trong cộng đồng vẫn là những nhân tố không thể thiếu được. 

Nếu diễn đạt những tiêu chí đánh giá sự phát triển xã hội học tập ở cơ sở theo UNESCO logo thì ở Việt Nam, ngôi nhà cũng có mái, cột và nền, tất nhiên khác nhau chỉ ở tiểu tiết chứ không ở những tiêu chí cơ bản. 

Sau đây là ngôi nhà mô phỏng bộ tiêu chí đánh giá kết quả xây dựng xã hội học tập từ cơ sở ở Việt Nam.


Cuối năm 2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI)đã tiến hành Hội nghị lần thứ Tám (từ 30/9/2013 đến 9/10/2013). Hội nghị đã nhất trí đưa ra một Quyết nghị, trong đó có thông qua 2 Nghị quyết, 2 kết luận và nhiều ý kiến chỉ đạo những công việc cần làm trong 2 năm 2014 – 2015. 

Một trong hai Nghị quyết đã khẳng định chủ trương đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là nghị quyết số 29-NQ/HNTW, trong đó có nêu 7 quan điểm chỉ đạo đổi mới sự nghiệp giáo dục sau đây: 

Quan điểm 1: Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. 

Quan điểm 2: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo phải thể hiện ở đổi mới những vấn đề cốt lõi và cấp thiết trong phát triển giáo dục, đặc biệt là đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp và chính sách giáo dục, đổi mới sự tham gia của gia đình, cộng đồng và bản thân người học vào quá trình giáo dục và đào tạo. 

Quan điểm 3: Chuyển mạnh từ giáo dục chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. 

Quan điểm 4: Chuyển giáo dục chủ yếu từ phát triển số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu số lượng. 

Quan điểm 5: xây dựng hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và các phương thức giáo dục. 

Quan điểm 6: Hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong giáo dục và đào tạo. Phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập với giáo dục ngoài công lập. Ưu tiên đầu tư giáo dục tại các vùng xa xôi, hẻo lánh, đặc biệt khó khăn. 

Quan điểm 7: Chủ động hội nhập quốc tế để phát triển giáo dục và đào tạo. 

Triển khai Quyết định 89/QĐ-TTg theo 7 quan điểm chỉ đạo trên đây là phải làm thật tốt việc đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp giáo dục người lớn trong mối quan hệ gắn kết, liên thông giữa hệ giáo dục ban đầu với hệ giáo dục tiếp tục, bảo đảm cho người dân có điều kiện và cơ hội học tập suốt đời. 

Trong những năm 2014 – 2015, các Bộ, ngành và tổ chức xã hội được qui định trong Quyết định 89/QĐ-TTg sẽ phải tập trung làm thí điểm những việc sau: 

a.Xác lập các mô hình học tập, chủ yếu là mo hình cộng đồng học tập (xã, phường, thị trấn học tập) và đơn vị học tập  (cơ quan, doanh nghiệp, trường học, bệnh viện, đơn vị quân đội…học tập). 

b. Thí điểm các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng dân cư học tập (thôn bản, tổ dân phố …học tập). 

c. Xây dựng quy chế học tập suốt đời tại các thiết chế giáo dục không chính quy và phi chính quy như trung tâm học tập cộng đồng, nhà văn hóa, câu lạc bộ, thư viện, bảo tàng… 

d.Xây dựng các Bộ tiêu chí đánh giá sự phát triển của các mô hình học tập giai đoạn 2014 – 2015 và 2016 – 2020. 

e.Phát triển hệ thống giáo dục từ xa, tạo điều kiện để đông đảo người lao động được học tập tại nơi làm việc. 

g. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập để cán bộ, nhân viên, người lao động nhận thức được ý nghĩa và tính cấp thiết của việc cập nhật, tiếp thu, vận dụng những tri thức mới vào sản xuất và các hoạt động trong xã hội nhằm giảm nghèo, tăng năng suất lao động, tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa. 

Vấn đề cơ bản, then chốt nhất trong toàn bộ công việc xây dựng xã hội học tập là xác lập được mục tiêu đào tạo của sự nghiệp giáo dục người lớn, đề xuất được mô hình nhân cách của “công dân học tập” tại cộng đồng dân cư và “Lao động tri thức” (Knowledge Worker) trong các cơ quan doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. 

Xây dựng xã hội học tập thực chất là tiến hành một cuộc cách mạng giáo dục.

GS.TS Phạm Tất Dong 



 TÀI LIỆU THAM KHẢO  

1.Vũ Đình Cự (chủ biên). Một số vấn đề về kinh tế tri thức và thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta. Chuyên đề 5; Tài liệu của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Hà Nội, 2004. 

 2.Phạm Tất Dong (chủ biên). Xây dựng mô hình xã hội học tập ở Việt Nam. Nhà xuất bản Dân trí, Hà Nội, 2012.  

3.Jacques Delors. Học tập: Một kho báu tiềm ẩn. Bản dịch tiếng Việt. Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 2002. 

 4.Demidenko F.C. Triển vọng của giáo dục trong thế giới đang thay đổi. Tạp chí nghiên cứu xã hội học, số 2/2005 (tiếng Nga).  

5.Đặng Hữu (chủ biên). Phát triển kinh tế tri thức, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà xuất bản chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001. 

 6.Nico Stehr. Thế giới sinh thành từ tri thức. Tạp chí nghiên cứu xã hội học, số 2/2002 (tiếng Nga).



 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh

 Tiêu điểm 
Hội Khuyến học Việt Nam và Hội Người cao tuổi Việt Nam ký kết chương trình phối hợp về hoạt động khuyến học, khuyến tài
Đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong hệ thống tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giai đoạn 2024-2030
Hội Khuyến học Việt Nam kết nối với Hội Khuyến học báo ASAHI tiếp sức du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản
Tạp chí Công dân và Khuyến học vững niềm tin tiếp tục hành trình xây dựng xã hội học tập
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan gợi mở hướng phát triển xã Đông Tiến (Bắc Ninh) thành 'làng nghề học'


Thời gian mở trang: 0.378 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.