TW Hội Khuyến học Việt Nam | Thông tin | Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục | Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Để đổi mới giáo dục - đào tạo căn bản và toàn diện
 

 Tìm tin theo ngày 
Tháng Ba 2024
T2T3T4T5T6T7CN
        1 2 3
4 5 6 7 8 9 10
11 12 13 14 15 16 17
18 19 20 21 22 23 24
25 26 27 28 29 30 31
 <  > 
 Giới Thiệu Tổ Chức 

XÂY DỰNG & PHÁT TRIỂN

 Công dân Khuyến học 


 Truyền hình thực tế 


 TỈNH HỘI KHUYẾN HỌC 


 
Thông tin » Diễn đàn Khuyến học & Giáo dục 03.2024
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Để đổi mới giáo dục - đào tạo căn bản và toàn diện
02.2014

Xem hình
Giáo dục phổ thông có những bước chuyển biến tích cực trong đổi mới phương pháp dạy và học
Cuối năm 2013, Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư (khóa XI) thông qua Nghị quyết “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết).

Một số nhà giáo, nhà khoa học đã bày tỏ sự vui mừng vì thấy ý kiến đóng góp tâm huyết được thể hiện trong Nghị quyết. Nhưng nhiều người vẫn lo, theo kinh nghiệm, nhiều Nghị quyết về giáo dục và đào tạo đã từng không được thực hiện đến nơi đến chốn.

Trong bối cảnh hiện nay, chắc không thể như thế. Bởi đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục nước nhà là yếu tố có tính quyết định đối với sự thành công của các cải cách về kinh tế, chính trị để đất nước có thể phát triển.

Trong Nghị quyết có ghi: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”. “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Quan điểm đúng đắn đó đã được khẳng định trong nhiều văn kiện qua các nhiệm kỳ. Song trên thực tế, không thiếu những trường hợp ngược lại.

Nhiều khoảnh đất rộng rãi đã được các cấp có thẩm quyền ưu tiên dành cho những “dự án” có trường hợp vẫn đang bỏ hoang trong khi nhiều trường còn chật chội, trẻ em ở nhiều khu dân cư không có chỗ chơi, chỗ học.

Ngân sách dành cho giáo dục vẫn chưa đủ để thực hiện miễn phí ở cấp THCS, ngay kinh phí chi thường xuyên cũng như vốn đầu tư xây dựng trường vẫn còn phải dè xẻn, thì nhiều khoản tiền quá lớn từ ngân sách Nhà nước được duyệt chi vào những công việc chưa thật cấp thiết.

Nhìn vào thực trạng yếu kém, bất cập dồn nén, kéo dài trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có thể nói, các cấp lãnh đạo chưa thật sự coi trọng sự nghiệp giáo dục và đào tạo.

Để chấn hưng giáo dục và đào tạo thành công, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, rõ ràng, điều kiện tiên quyết là lãnh đạo các cấp phải thật sự quán triệt chủ trương “quốc sách hàng đầu”, thể hiện rõ rệt bằng những hành động có hiệu quả cụ thể.

Trong đổi mới căn bản, toàn diện về giáo dục và đào tạo, quan trọng nhất là đổi mới mục tiêu giáo dục mà Nghị quyết cũng đã nêu ra.

Cho đến nay, nhà trường nước ta vẫn tập trung vào việc truyền thụ kiến thức một cách thụ động, cốt làm sao cho người học tiếp thu được càng nhiều kiến thức càng tốt.

Cuối cùng, văn bằng dành cho ai cũng lại căn cứ vào chỗ thuộc được nhiều hay ít kiến thức sách vở. Đành rằng truyền thụ kiến thức là cần thiết nhưng, với sự phát triển của khoa học, đặc biệt khoa học giáo dục, nhà trường ngày nay có một tầm vóc cao hơn, ảnh hưởng to lớn hơn đối với sự phát triển của thanh thiếu niên.

Nhà trường có thể phát huy tiềm năng của từng con người, biến tri thức thành năng lực cá nhân, từ đó phát huy sức mạnh của cả dân tộc.

Đấy mới chính là những điều cuộc sống đang đòi hỏi ở nhà trường. Tất nhiên, để nhà trường đáp ứng được yêu cầu đó, không thể xem nhẹ sự đồng thuận của xã hội, trước hết là của phụ huynh học sinh.

Một vấn đề rất mấu chốt, mà Nghị quyết nhấn mạnh, đó là vấn đề đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Nghị quyết nhận định: “Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục...”.

Rõ ràng, nếu không lo giải quyết tận gốc vấn đề nhân lực của chính ngành có trách nhiệm đào tạo nhân lực, thì không thể tạo được chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục.

Trong cơ cấu nhân lực của ngành Giáo dục, đội ngũ nhà giáo chiếm tỷ trọng lớn nhất và giữ vai trò chủ lực trong đổi mới giáo dục và đào tạo.

Để thực hiện mọi phương án nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, một mặt phải tiến hành cập nhật kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cho các thầy giáo, cô giáo hiện đang đứng lớp; mặt khác, phải đổi mới công tác đào tạo các thế hệ giáo viên sẽ vào nghề trong tương lai.

Như vậy, cần phải sắp xếp, kiện toàn (hay tái cơ cấu) hệ thống, mạng lưới các trường sư phạm để các trường này đủ sức thực hiện có hiệu quả ba nhiệm vụ: Đào tạo giáo viên mới, bồi dưỡng (đào tạo lại) giáo viên đang đứng lớp, và làm đầu tàu trong đổi mới dạy và học.

Đồng thời, các trường sư phạm phải xây dựng cho được một mô hình đào tạo mới theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực chuyên nghiệp ở những thanh niên đã chọn nghề thầy, đồng thời phải giúp họ có ham muốn và kỹ năng tự cập nhật, trau dồi kiến thức thường xuyên ngay cả khi đã làm thầy.

Cùng với việc đổi mới trong đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, nhất thiết phải thay đổi chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo. Nghị quyết ghi: “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp...”.

Năm 1996, Trung ương khóa 8 đã có nghị quyết y hệt như vậy. Hiện nay, các yêu cầu mới đặt ra trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đòi hỏi người thầy trách nhiệm càng nặng nề hơn trước.

Để tạo động lực nghề nghiệp cho nhà giáo, phải tăng lương và phụ cấp. Đòi hỏi các thầy giáo, cô giáo dồn trí tuệ, sức lực vào việc dạy học trong khi lương và phụ cấp trả cho giáo viên không đủ để có một cuộc sống tươm tất thì không hợp đạo lý.

Hơn nữa, tiền lương còn là sự thể hiện rõ ràng thái độ trọng thị của xã hội đối với nhà giáo và nghề dạy học, làm cho các thầy giáo, cô giáo yêu nghề và càng có trách nhiệm hơn trong hoạt động nghề nghiệp.

Cũng trong khuôn khổ vấn đề nhân lực của ngành Giáo dục, cần phải tạo điều kiện hình thành các hội nghề nghiệp của nhà giáo để thúc đẩy tiến trình chuyên nghiệp hóa.

Các tổ chức này sẽ huy động và phát huy sự đóng góp của nhà giáo vào công cuộc chấn hưng giáo dục, vận động nhà giáo thực hiện quy ước đạo đức nghề nghiệp, kiểm định các chương trình đào tạo giáo viên, xác định tư cách hành nghề của nhà giáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo.

Tương tự như đối với một số ngành nghề đặc thù trong xã hội, nhà giáo và nghề dạy học rất cần có một đạo luật làm cơ sở pháp lý cho việc nâng cao phẩm chất, năng lực và trách nhiệm của mỗi thầy giáo, cô giáo.

Nghị quyết đã xác định những quan điểm và định hướng lớn, trình bày một cách khái quát về các mục tiêu và giải pháp. Để thực hiện Nghị quyết, cần phải cụ thể hóa nội dung Nghị quyết bằng một đề án tổng thể.

Hơn nữa, Nghị quyết còn để ngỏ một số vấn đề, trong đó có nội dung đổi mới cơ cấu hệ thống giáo dục và đào tạo. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc phân luồng sau giáo dục cơ sở (9 năm) và định hướng nghề nghiệp ở THPT chưa thành công là do cơ cấu hệ thống giáo dục và đào tạo không hợp lý.

Như vậy, muốn giải quyết một cách căn bản vấn đề phân luồng (một mục tiêu quan trọng) và định hướng nghề nghiệp thì không thể không thay đổi cơ cấu hệ thống.

Hơn nữa cơ cấu hệ thống lại cần xác định trước khi xây dựng chương trình dạy và học. Do đó chủ trương trước mắt ổn định hệ thống giáo dục phổ thông như hiện nay cần được tính toán kỹ lưỡng về mặt thời gian trong đề án tổng thể.

Đồng thời cũng cần sớm đặt ra việc chấn chỉnh và đổi mới hệ thống dạy nghề và hệ thống giáo dục đại học - hai bộ phận gắn trực tiếp với việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng.

Rõ ràng giải quyết thấu đáo các vấn đề tương tự như vậy bằng một đề án tổng thể là rất cần thiết để tránh sa vào tình trạng chắp vá, thiếu đồng bộ.

Do phạm vi rộng lớn và tầm quan trọng của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo, nhất là trong điều kiện xã hội đang rất quan tâm việc học hành của thế hệ trẻ, đề án tổng thể phải tập hợp được sự đóng góp về trí tuệ của đông đảo nhà giáo, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả cha mẹ học sinh.

Muốn có một đề án tổng thể như vậy, việc soạn thảo cần do một đội ngũ chuyên gia được chọn lọc cả trong và ngoài ngành Giáo dục với sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (sẽ được thành lập theo Nghị quyết). Và Ủy ban Quốc gia sẽ căn cứ vào đề án mà chỉ đạo việc thực hiện.

Mặc dù Bộ GD&ĐT có vai trò quan trọng song không thể để ngành Giáo dục ở vào thế đơn độc càng không thể khoán trắng cho ngành Giáo dục.

Các ngành khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp giáo dục như tài chính, kế hoạch và đầu tư, tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ..., cần chủ động thực hiện chủ trương quốc sách hàng đầu.

Thực hiện thắng lợi Nghị quyết chắc chắn sẽ là sự đóng góp to lớn và có ý nghĩa nhất cho sự phát triển của đất nước. Mong rằng, năm 2014 việc triển khai công cuộc đổi mới quan trọng này được tiến hành hết sức khẩn trương và mạnh mẽ.

NGUYỄN THỊ BÌNH (Nguyên Phó Chủ tịch nước)

 Theo Giáo dục và Thời đại
 




 Bản để in  Lưu dạng file  Gửi tin qua email


Những bản tin khác:



Lên đầu trang
 Tìm hiểu 

Hội Khuyến học Việt Nam



 Tin mới cập nhật 
Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ tổ chức thành công Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 2023-2028
GS.TS Nguyễn Thị Doan: Năm 2023, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được kết quả toàn diện về khuyến học - khuyến tài
10 nhiệm vụ trọng tâm của hội khuyến học các cấp năm 2024
Công tác Khuyến học - khuyến tài năm 2023 đã huy động được sức mạnh tổng lực xây dựng xã hội học tập
Hội nghị Ban Thường vụ Hội Khuyến học Việt Nam: Chú trọng công tác tuyên truyền về khuyến học - khuyến tài
Hội Khuyến học tỉnh Lạng Sơn tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 5, nhiệm kỳ 2023-2028
Giao ban cụm thi đua khuyến học số 8: Nhiều mô hình học tập đạt kết quả trên 90%
10 sự kiện tiêu biểu về hoạt động của Hội Khuyến học Việt Nam năm 2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Giải thưởng Nhân tài Đất Việt khẳng định trí tuệ Việt Nam với khu vực và thế giới
Lễ trao Giải Nhân Tài Đất Việt 2023: Tôn vinh tài năng, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Tôn vinh những tấm gương tự học thành tài
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Đa dạng lĩnh vực, khơi nguồn sáng tạo
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2023: Vươn tầm công nghệ, đổi mới sáng tạo
Gần 710 tỉ đồng dành cho khuyến học tại các tỉnh Bắc Miền Trung
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan thăm và làm việc tại Tây Ninh
Sơn La tìm giải pháp nâng cao chất lượng trung tâm học tập cộng đồng
Nâng cao hiệu quả công tác khuyến học - khuyến tài tại các tỉnh vùng Tây Bắc
Giao ban công tác khuyến học - khuyến tài khu vực Đông Bắc năm 2023
Hội khuyến học các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng tìm cách tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học
Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Công an phối hợp đẩy mạnh khuyến học – khuyến tài trong lực lượng công an nhân dân


Thời gian mở trang: 0.226 giây. Số lần truy cập CSDL: 11
Bản quyền thuộc Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam - Địa chỉ: Tầng 13 - Cung Trí Thức Thành Phố - số 1 Tôn Thất Thuyết - Cầu Giấy - Hà Nội
Điện thoại Văn phòng: 0243 7726151 - Website: 0243 7726148 - Email: khuyenhocvn@gmail.com
Giấy phép số 254/GP-CBC ngày 16/6/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Công văn số 105/PTTH&TTĐT ngày 10/01/2014
của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử
Phụ trách website & biên tập: Ông Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng ban Thông tin Tuyên truyền TW Hội Khuyến học Việt Nam.
Site được xây dựng trên cơ sở hệ thống NukeViet v2.0 - phát triển từ PHP-Nuke, lưu hành theo giấy phép của GNU/GPL.