TW Hội Khuyến học Việt Nam - Phong trào khuyến học, khuyến tài vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

Phong trào khuyến học, khuyến tài vùng dân tộc thiểu số ở Gia Lai
30.12.2019

Đại biểu hội khuyến học tỉnh Gia Lai lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 – 2024 đã được tổ chức vào từ 13h30 đến 16h30 ngày 17 / 12 / 2019 và từ 7h30 ngày 18 tháng 12 năm 2019 tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai.

Về tham dự Đại hội có 153 đại biểu thay mặt cho hơn 198.000 hội viên và gần 3.000 tổ chức hội trong toàn tỉnh.  Đại hội vui mừng được đón bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam và bà Phạm Thị Hòe, Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam tới dự và phát biểu chỉ đạo.
       
 
Trong những năm qua, Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai đã phát huy vai trò nòng cốt  trong công tác khuyến học-khuyến tài (KHKT), xây dựng xã hội học tập. Đến nay, hoạt động khuyến học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không ngừng phát triển, ngày càng đi vào chiều sâu và trở thành phong trào quần chúng rộng rãi, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở địa phương.

Đẩy mạnh công tác khuyến hoc, khuyến tài ( KHKT )
 

Từ sau Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 2013-2019), công tác KHKT, xây dựng xã hội học tập ở Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các cấp ủy Đảng và chính quyền đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo hoạt động KHKT, xây dựng xã hội học tập đi vào chiều sâu. Trong nhiệm kỳ, tổ chức Hội Khuyến học các cấp đã tích cực, chủ động làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào KHKT với hơn 51.300 lượt người; mở các lớp tập huấn nội dung thực hiện Đề án 281 của Chính phủ về xây dựng các mô hình học tập cho 34.190 lượt cán bộ Hội; đồng thời phối hợp với các cơ quan ban ngành, tổ chức chính trị-xã hội để thực hiện nhiệm vụ khuyến học.
 

Thời gian qua, tổ chức Hội Khuyến học được xây dựng rộng khắp và từng bước được củng cố. Nhờ đó, hoạt động khuyến học không ngừng được đẩy mạnh và đạt hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh có 222/222 (100%) xã, phường, thị trấn có tổ chức Hội cơ sở với 2.279 chi hội, 586 Ban Khuyến học (tăng 578 chi hội và Ban Khuyến học so với đầu nhiệm kỳ). Trong đó có 1.079 chi hội khuyến học ở thôn, làng, tổ dân phố; 1.014 chi hội ở trường học; 186 chi hội ở cơ quan và 54 chi hội ở doanh nghiệp. Tổng số hội viên là 198.240 (tăng 12.680 hội viên so với đầu nhiệm kỳ, chiếm gần 14% dân số). Nhiều đơn vị có tỷ lệ phát triển hội viên khá cao như: Hội Khuyến học TP. Pleiku và các huyện: Phú Thiện, Ia Pa, Chư Pah, Chư Sê, Đak Pơ, Krông Pa, Kông Chro.
 

Gia Lai là một tỉnh có nhiều thành phần dân tộc. Do đó việc phát triển phong trào khuyến học luôn được các cấp Hội đặc biệt chú trọng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đã tổ chức hội nghị toàn tỉnh tổng kết phong trào khuyến học trong vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo.
 
Một số địa phương ngay từ khi mới thành lập đã có chủ trương phát triển hoạt động khuyến học trong vùng đồng bào dân tộc và tôn giáo. Ở thị xã An Khê có 4 làng đồng bào dân tộc tại 2 xã Tú An và Song An nhưng từ rất sớm Hội khuyến học thị xã đã xây dựng được 4 Chi hội tại 4 làng.Trong Ban chấp hành Hội đều có đại diện là người dân tộc và tôn giáo. Các cơ sở tôn giáo tích cực hoạt động khuyến học là Tịnh xá Ngọc Trung, Hội từ thiện Hi Lạc, Cộng đồng Nữ tu Mai Liên…

 
Phong trào xây dựng “Gia đình hiếu học”, “Dòng họ hiếu học”, “Cộng đồng khuyến học”, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tôn giáo, được đẩy mạnh đã góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở. Hiện toàn tỉnh có 35.473 gia đình được công nhận là gia đình hiếu học (trong đó có 4.490 gia đình đồng bào dân tộc thiểu số); 2.490 gia đình, dòng họ, cộng đồng khuyến học được các cấp Hội đề nghị khen thưởng; 53.472 gia đình, 147 dòng họ, 421 cộng đồng, 107 xã và 283 đơn vị được công nhận đạt các tiêu chí về mô hình học tập theo quy định. Qua phong trào trên cũng đã xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu như: gia đình ông Ksor Ký (huyện Phú Thiện), ông Dô (TP. Pleiku).
Thành phố Pleiku, đến cuối năm 2019, có 70% các hộ gia đình trong đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo tham gia vào Hội Khuyến học, tỷ lệ gia đình được công nhận “Gia đình học tập” trên 40% so với số hộ đồng bào dân tộc, tôn giáo đã đăng ký xây dựng “Gia đình học tập”, 40% số dòng họ đăng ký đạt danh hiệu “Dòng họ học tập”, 40% các thôn, làng đăng ký đạt danh hiệu “Cộng đồng học tập”; trong đó có nhiều hộ là đồng bào dân tộc đăng ký và được công nhận. Dòng họ Rơ Châm ở làng Châm A Neh xã Chư HDrông, cộng đồng học tập ở làng Ngol Tả xã Chư HDrông, cộng đồng học tập ở thôn 12 xã An Phú có 95% dân số theo đạo Thiên chúa giáo còn lại bà con theo đạo Phật và đạo Cao đài.

 
Hội khuyến học huyện Đăk Pơ có 112 Chi hội, trong đó có 32 Chi hội thôn làng đồng bào dân tộc, tỷ lệ 28,5 % tổ chức hội cơ sở của Huyện hội. Số hội viên có 4.044 người, 659 hội viên là người dân tộc, tỷ lệ 16,3%; hội viên là tín đồ các tôn giáo là 1.230 người, tỷ lệ 30,4 %. Phong trào xây dựng các mô hình học tập, đến giữa năm 2017 đã có 215 gia đình đồng bào dân tộc và 681 gia đình tín đồ tôn giáo đạt danh hiệu Gia đình học tập.

 
Kông Chro là một trong những huyện có điều kiện kinh tế khó khăn. Trong 13 xã thì có đến 10 xã đặc biệt khó khăn; toàn huyện có 51.600 người thì đã có 37.700 là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ 72,9% dân số  toàn huyện. Có 4.598 hộ dân tộc là hộ nghèo trên tổng số 4.788 hộ nghèo trong toàn huyện, tỷ lệ 96%. Tuy vậy, nhờ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của các tổ chức Hội khuyến học và cán bộ, hội viên khuyến học, trong những năm qua toàn huyện đã xây dựng được hệ thống các tổ chức cơ sở Hội khuyến học. Đã có 195 chi hội với 5320 hội viên, đa số tổ chức Chi hội và hội viên là đồng bào các dân tộc. Đã công nhận được 562 gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình học tập. Tại huyện Ia Pa, các dòng họ là người dân tộc tiêu biểu được công nhận là dòng họ học tập như dòng họ Ksor xã Ia Trôk và xã Ia Tul, dòng họ Siu xã Ia M rơn, họ Đinh ở xã Pơ Tó, họ Nay ở xã Ia Broái.

Khuyến khích, hỗ trợ phát triển giáo dục
 

Song song với đẩy mạnh công tác KHKT, Hội Khuyến học các cấp còn tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm... trong và ngoài tỉnh đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học hoặc những chương trình cấp học bổng dài hạn cho học sinh. Cụ thể: Quỹ học bổng Mai vàng, học bổng Phú Mỹ Hưng, Lá Xanh, Vòng tay nhân ái, học bổng Giải Gol... đã đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học hơn 49,1 tỷ đồng và 5.320 bộ quần áo, 1.283 xe đạp, hàng trăm ngàn sách vở cùng nhiều hiện vật khác trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội Khuyến học các cấp đã tổ chức trao 44.100 suất học bổng cho học sinh nghèo, tàn tật; hỗ trợ các nhà giáo gặp khó khăn; tặng quà cho các nhà giáo có thành tích trong giảng dạy và giáo dục.

 
Mặc dù bị ảnh hưởng bởi bối cảnh khó khăn chung nhưng một số đơn vị đã xây dựng được nguồn quỹ khá lớn như: Hội Khuyến học TP. Pleiku vận động được 3,118 tỷ đồng; Hội Khuyến học huyện Kbang được 3,582 tỷ đồng; Hội Khuyến học huyện Chư Sê được 2,814 tỷ đồng... Tuy nhiên, công tác xây dựng quỹ KHKT và số học bổng cấp phát vẫn còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được nhu cầu mong muốn của học sinh, sinh viên khó khăn tỉnh nhà.

 
Ngoài xây dựng quỹ khuyến học, cấp phát học bổng, Hội Khuyến học các cấp, nhất là cấp cơ sở đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc phối hợp 3 môi trường giáo dục: nhà trường-gia đình-xã hội; thực hiện xã hội hóa giáo dục; vận động con em đến trường đúng độ tuổi, học sinh bỏ học tiếp tục đến lớp; hỗ trợ nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, phong trào thi đua dạy tốt-học tốt và cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

 
Các cấp Hội cũng phối hợp với ngành GD-ĐT xây dựng và quản lý các trung tâm học tập cộng đồng. Từ năm 2013 đến nay, 222 trung tâm học tập cộng đồng ở cấp xã đã mở được 4.270 lớp học cho hơn 256.000 lượt học viên theo học các chuyên đề về khuyến nông, khuyến lâm, y tế cộng đồng, xóa mù chữ, bổ túc văn hóa và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, củng cố chất lượng phổ cập giáo dục.

 
Có thể nói, phong trào KHKT ở Gia Lai đã đạt được nhiều thành công; nhận thức của xã hội về công tác khuyến học được nâng cao; hoạt động khuyến học được các tầng lớp nhân dân ủng hộ; hệ thống tổ chức Hội Khuyến học các cấp được hình thành nhiều nơi ở thôn, làng, xã, phường trong tỉnh; các cấp Hội và đội ngũ cán bộ khuyến học các cấp đã có kinh nghiệm trong công tác tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền các cấp, vận động quần chúng tham gia làm khuyến học với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú. Đây chính là những tiền đề rất quan trọng để công tác KHKT tiếp tục phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

TS. Nguyễn Văn Chiến
 
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Gia Lai


URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4682

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com