TW Hội Khuyến học Việt Nam - 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
02.10.2017

Ngày 13-4-2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11-CT/TW "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”.
Theo đó, tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài; xây dựng gia đình và dòng họ hiếu học; đẩy mạnh xây dựng các trung tâm học tập cộng đồng; vận động nhân dân học tập để nâng cao dân trí, hoàn thiện học vấn chuyên môn nghề nghiệp; củng cố, xây dựng hội khuyến học các cấp... Đến nay, sau 10 năm thực hiện những nhiệm vụ này, Hội Khuyến học Việt Nam đã đạt được các kết quả tích cực.

Một trong những kết quả đáng ghi nhận của Hội Khuyến học Việt Nam là việc phát triển mạnh các tổ chức hội và hội viên, chăm lo đến việc bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ và hội viên để có đủ số lượng và chất lượng triển khai công tác khuyến học, khuyến tài. Nếu như năm 2007, số hội viên khuyến học trong toàn quốc là 3,7 triệu người thì đến tháng 7-2017, số hội viên đã lên hơn 15,6 triệu người (đạt tỷ lệ khoảng 17,17% số dân cả nước). Tổ chức Hội đã phủ gần kín các xã, phường, thị trấn; tính trung bình cứ mỗi đơn vị hành chính cấp xã có khoảng 13 chi hội khuyến học. 

Với số lượng hội viên và chi hội lớn như hiện nay, để họ làm tốt nhiệm vụ, Trung ương Hội đã chỉ đạo tổ chức các lớp tập huấn, các hội nghị học tập quán triệt những nghị quyết và quyết định của T.Ư Đảng và của Chính phủ về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến tận các chi hội, hội viên. Nhờ đó, nhận thức của hội viên về nhiệm vụ chính trị của hội đã được nâng lên rõ rệt. 

Ngoài ra, việc phát triển và củng cố trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cũng được các cấp Hội khuyến học đẩy mạnh. Hội Khuyến học Việt Nam đã phối hợp ngành giáo dục phát triển mạnh các TTHTCĐ, nhất là ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Nhờ đó, số TTHTCĐ đã tăng từ 8.340 trung tâm (năm 2007) lên 11.142 TTHTCĐ (hết năm 2016). Như vậy, 99,8% số đơn vị hành chính cấp xã trên cả nước có loại hình TTHTCĐ. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây, số người lớn tham gia các lớp học tại các TTHTCĐ tăng lên đáng kể, đạt từ 17 đến 20 triệu lượt người/năm với nội dung học tập phong phú như: Chương trình xóa mù chữ cơ bản; bổ túc văn hóa tiểu học (cho người thoát nạn mù chữ); học nghề ngắn hạn; chuyển giao công nghệ về kỹ thuật chăn nuôi, giống cây trồng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nhằm tăng năng suất lao động, tăng thu nhập; chuyên đề về pháp luật, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường... 

Đáng chú ý, bên cạnh các lớp học ở các TTHTCĐ, đối với khu vực miền núi, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam chủ trương phát triển các lớp học vệ tinh của trung tâm, tổ chức học tập ngay trong các bản, làng vùng xa xôi, hẻo lánh, bảo đảm cho những người dân ở các địa bàn khó khăn nhất về giao thông cũng được tiếp cận giáo dục, thực hiện được việc học tập thường xuyên theo nhu cầu của cộng đồng. 

Ngoài các hoạt động nêu trên, hội khuyến học các cấp còn hỗ trợ việc dạy và học trong hệ thống giáo dục chính quy thông qua các loại quỹ khuyến học. Với số học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn còn đông, nhiều em rất dễ bỏ học, việc thành lập quỹ khuyến học để hỗ trợ cho học sinh do kinh tế gia đình khó khăn là hết sức cần thiết. Nếu như năm 2007, tổng số tiền huy động của tất cả các loại quỹ trong cả nước là 450 tỷ đồng thì đến tháng 7-2017, theo báo cáo chưa đầy đủ tổng số tiền do các quỹ khuyến học, khuyến tài các cấp, các tổ chức, cá nhân huy động khoảng 3.864 tỷ đồng. Hằng năm, hơn ba triệu lượt học sinh, sinh viên được nhận học bổng từ các quỹ khuyến học, khuyến tài. Các quỹ khuyến học đã phát huy, hỗ trợ học sinh, sinh viên và trường học, những địa phương gặp những khó khăn về giáo dục. 

Cùng với quỹ khuyến học, việc khuyến khích phát triển tài năng và người lớn tự học thành tài cũng được chú trọng. Hội khuyến học các cấp dành nhiều phần thưởng và các phần quà cho học sinh, sinh viên có thành tích cao trong học tập. Các tổ chức hội, các ban khuyến học của dòng họ, nhiều doanh nghiệp và nhiều nhà hảo tâm đã có những việc làm tôn vinh các tài năng trẻ. Nhiều địa phương đã dành số tiền lớn làm phần thưởng động viên học sinh, sinh viên học giỏi, bên cạnh phần tiền làm học bổng cho học sinh nghèo. Một số quỹ cấp học bổng dài hạn cho học sinh, sinh viên giữ vững thành tích học tập liên tiếp trong khóa học như quỹ của giáo sư Ô-đôn Va-lê (Pháp), Háp-ben (Đức)... 

Hội Khuyến học Việt Nam còn tổ chức giải thưởng “Nhân tài Đất Việt” cho các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học công nghệ, y dược và môi trường. Trong 10 năm qua, đã có 106 công trình khoa học ứng dụng hoặc ở dạng tiềm năng đã được trao giải. Đáng chú ý, từ năm 2014, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam còn mở thêm một lĩnh vực của giải thưởng Nhân tài Đất Việt, dành cho những người lao động nhờ tự học mà có được những phát minh, sáng chế. Đến nay, sau ba năm, những người đoạt giải đều là những nông dân tự học, tự mày mò nghiên cứu để làm các máy móc phục vụ nông nghiệp. 

Mặt khác, công tác xây dựng và phát triển mô hình gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và đơn vị khuyến học ngày càng được nhân rộng. Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, cả nước có hơn 8,4 triệu gia đình đạt danh hiệu gia đình hiếu học; 65.203 chi tộc đạt danh hiệu dòng họ hiếu học và 70.356 thôn, bản, ấp, tổ dân phố, trường học... đạt danh hiệu đơn vị khuyến học. Ngoài ra, thực hiện các quyết định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các mô hình học tập được đẩy mạnh. Phong trào xây dựng các mô hình học tập được nhân dân hưởng ứng rất tích cực, bước đầu đã đạt được những kết quả rất khả quan. 

Việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Do hoạt động tích cực, 10 năm qua, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam hai lần được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhiều bằng khen của Chính phủ. Các Hội địa phương được trao bốn Huân chương Lao động hạng nhất, 10 Huân chương Lao động hạng nhì, 90 Huân chương Lao động hạng ba, 12 cờ Thi đua xuất sắc và 69 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 

Có thể nói, Chỉ thị 11-CT/TW là một văn kiện rất quan trọng đã giúp cho phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cả nước phát triển sâu rộng trên mọi địa bàn dân cư. Tuy nhiên, trước yêu cầu phát triển trong tình hình mới, Hội Khuyến học Việt Nam mong muốn sau khi Bộ Chính trị có kết luận chính thức về 10 năm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập sẽ tiếp tục có những chỉ đạo công tác này trong giai đoạn 2016 - 2025. 

Xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của toàn dân, do vậy, phát triển các nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài không chỉ đóng khung trong các tổ chức khuyến học, mà trong mọi tổ chức của Nhà nước, của mọi lực lượng xã hội, Hội khuyến học có trách nhiệm làm nòng cốt trong việc phối hợp thúc đẩy cả xã hội cùng làm khuyến học, khuyến tài, thực hiện một xã hội ai cũng học tập vì sự phát triển bền vững. 

GS, TS Phạm Tất Dong

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký TW Hội Khuyến học Việt Nam



URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4211

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com