TW Hội Khuyến học Việt Nam - Nâng cao năng lực quản lý Trung tâm học tập cộng đồng cho cán bộ khuyến học cơ sở
TW Hội Khuyến học Việt Nam http://www.hoikhuyenhoc.vn

Nâng cao năng lực quản lý Trung tâm học tập cộng đồng cho cán bộ khuyến học cơ sở
01.09.2017

Ngày 30 – 31/8/2017, tại Sa Pa, tỉnh Lao Cai, Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức tập huấn đợt 3 cho cán bộ khuyến học cơ sở thuộc khu vực miền núi phía Bắc và Đông Bắc.
Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có GS-TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khuyến học VN cùng các Phó Chủ tịch Hội: Ông Nguyễn Đăng Điều, Phạm Hoàng Be, Trần Luyến; Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo; các Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh, thành Hội và gần 100 cán bộ chủ chốt tham gia quản lý, điều hành các Trung tâm học tập cộng đồng.

Trung tâm học tập cộng đồng được coi là cơ sở giáo dục không chính qui (giáo dục ngoài nhà trường) trên địa bàn xã, phường, thị trấn. Từ năm 1999, Hội Khuyến học Việt Nam cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức nghiên cứu, chỉ đạo xây dựng, phát triển Trung tâm học tập cộng đồng trên toàn quốc.Trung tâm HTCĐ là mô hình giáo dục có hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu “Giáo dục cho mọi người” và xây dựng xã hội học tập.Tuy thời gian phát triển chưa dài, nhưng hệ thống Trung tâm HTCĐ đã khẳng định được vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục ngoài nhà trường của cộng đồng dân cư trong cả nước, đã và đang góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng xã hội học tập và học tâp suốt đời của các tầng lớp nhân dân.


Ông Nguyễn Công Hinh, Vụ Trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Theo Ông Nguyễn Công Hinh, “Trong quá trình hoạt động, các Trung tâm học tập cộng đồng còn không ít những bất cập như: chưa có đầy đủ qui chế, chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho Trung tâm HTCĐ phát triển; Việc thu hút các nguồn lực tài chính còn hạn chế, cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ quản lý và mạng lưới cộng tác viên chưa đáp ứng được nhu cầu của người học...

Bộ Giáo dục và Đào tạo hoan nghênh Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tập huấn như hôm nay để đề ra những giải pháp hữu hiệu cho các TTHTCĐ hoạt động một cách hiệu quả, bền vững, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước, của sự nghiệp giáo dục, qua đó nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, điều hành Trung tâm HTCĐ của cán bộ khuyến học cơ sở”.
Các phát biểu tham luận và các ý kiến thảo luận trong hội nghị đã khẳng định  vai trò lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền, nêu được nhiều kinh nghiệm bổ ích đối với công tác quản lý và hoạt động của TTHTCĐ, các đại biểu cũng nêu ra những khó khăn, thách thức hiện nay của Trung tâm học tập cộng đồng, đó là:

- Nhận thức của các cấp, các ngành đối với TTHTCĐ còn bất cập so với yêu cầu học tập suốt đời xây dựng xã hội học tập theo QĐ 89 và 281 của Thủ tướng Chính phủ.

- Chương trình, nội dung học tập của TTHTCĐ chưa được đổi mới, hấp dẫn người học, các lớp được tổ chức chủ yếu ở trung tâm xã, tại thôn bản, khu dân cư còn ít.

- Cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy, học tập còn nghèo nàn, chủ yếu vẫn dựa vào cơ sở vật chất của xã, phường, đối với miền núi còn khó khăn hơn nhiều.

- Đội ngũ giảng viên các TTHTCĐ chưa được tập huấn nên xây dựng nội dung giảng dạy chưa phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của cộng đồng.

- Sự đầu tư của nhà nước cho giáo dục người lớn nói chung và TTHTCĐ nói riêng còn rất hạn chế, mỗi năm có 15 – 20 triệu đồng/1 Trung tâm, thậm chí có nơi không có, nên việc mời giáo viên và chuyên gia giảng dạy là vô cùng khó khăn.

- Việc tổ chức chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, tổng kết đánh giá và xếp loại TTHTCĐ chưa được thực hiện thường xuyên.



Phát biểu tổng kết hội nghị, GS-TS Phạm Tất Dong nhấn mạnh: Qua đợt tập huấn này, chúng ta sẽ nâng cao hơn nữa năng lực quản lý đối với những hoạt động của Trung tâm HTCĐ trong phạm vi cấp xã, phường như chương trình và nội dung học tập, quản lý cơ sở vật chất, kỹ thuật, quản lý phương pháp dạy, quản lý giảng viên và cộng tác viên; nâng cao công tác tư vấn, tham mưu với cấp ủy và chính quyền trong các lĩnh vực thực hiện đầu tư cho Trung tâm; Thiết lập mối quan hệ của Trung tâm với các thiết chế giáo dục khác; vận động các lực lượng xã hội xây dựng Trung tâm HTCĐ theo tinh thần xã hội hóa, đồng thời tổ chức tốt đào tạo, bồi dưỡng cho lực lượng quản lý Trung tâm HTCĐ hướng tới sự phát triển của các mô hình học tập theo Quyết định 89/QĐ-TTg, 281/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư 44/2014/TT của Bộ GDĐT, quản lý tiến trình hoạt động của Trung tâm hướng vào việc xây dựng và phát triển nông thôn mới, khu đô thị văn minh, công dân học tập và thành phố học tập./.

Lương Thanh


URL của bản tin này::http://www.hoikhuyenhoc.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=4175

© TW Hội Khuyến học Việt Nam contact: khuyenhocvn@gmail.com